Cơ hội nào cho thí sinh yếu thế?

GD&TĐ - Phương án tuyển sinh của các trường có thể điều chỉnh nhưng cần đảm bảo một tỷ lệ thích hợp cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhiều cơ sở giáo dục đại học, nhất là trường tốp đầu dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả học bạ, tăng chỉ tiêu xét tuyển kết quả kỳ thi riêng.

Các năm trước Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dành khoảng 10% chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ thì năm nay nhà trường bỏ hẳn phương thức này và giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM năm 2023 dành 30 - 40% tổng chỉ tiêu cho xét học bạ, thì năm 2024 dự kiến chỉ còn 25 - 30%. Trước đó, Trường ĐH Nha Trang từng xét học bạ, sau đó cũng bỏ.

Ngược dòng với phương thức xét học bạ, mùa tuyển sinh 2024, phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực được nhiều trường đại học tín nhiệm. Số liệu thống kê cho thấy, hiện có hơn 40 cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, 8 trường sư phạm sử dụng kết quả đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và khoảng 150 cơ sở dùng kết quả của hai đại học quốc gia để xét tuyển.

Đặc biệt, năm nay các trường khối quân đội cũng xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, trong đó Học viện Kỹ thuật Quân sự đã chính thức công bố thông tin. Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến sẽ tăng từ 20% (năm 2023) lên 40% (năm 2024) chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực do khối các trường sư phạm tổ chức.

Xét học bạ vẫn là phương thức có ưu điểm lớn, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Thế nhưng do tồn tại nhiều vấn đề trong chấm, cho điểm ở cấp THPT, chênh lệch điểm giữa các vùng miền, trường đại học có mức độ cạnh tranh cao trong tuyển sinh buộc phải cân nhắc phương thức này. Nhiều trường cho biết, chất lượng sinh viên tuyển từ xét học bạ có điểm trung bình học tập khá thấp. Trong khi đó, sinh viên trúng tuyển bằng các phương thức khác (đặc biệt là phương thức xét điểm kỳ thi riêng) có kết quả học tốt, mức độ chênh lệnh giữa điểm thi và năng lực học không quá lớn.

Theo Luật Giáo dục Đại học, cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, để hệ thống hoạt động ổn định, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường phân tích, đánh giá hiệu quả từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Việc chủ động điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét học bạ và tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực mùa tuyển sinh 2024 cho thấy các trường đại học đã nghiêm túc trong nghiên cứu phương án tuyển sinh, hướng đến nâng cao chất lượng đầu vào, bảo đảm công bằng cho thí sinh.

Thực tế cho thấy, kỳ thi đánh giá năng lực bên cạnh khẳng định chất lượng tuyển sinh tốt, còn góp phần thay đổi cách dạy và học, đào tạo giáo viên, phù hợp với Chương trình GDPT mới. Song, so với phương thức xét học bạ, mức độ “đơn giản hóa, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh” của các kỳ thi này không bằng. Hiện, các điểm thi riêng chủ yếu tập trung ở đô thị lớn, gây tốn kém thời gian, tiền bạc cho thí sinh trong hành trình thi cử; một số kỳ thi riêng có điểm thi hạn chế, nguy cơ gây mất cơ hội cho thí sinh yếu thế ở vùng sâu, xa.

Tăng chỉ tiêu các kỳ thi đánh giá năng lực, giảm xét học bạ là xu hướng tất yếu trong tuyển sinh ở các trường đại học có mức độ cạnh tranh cao, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào và tiếp cận với cách đánh giá của các nước trên thế giới. Tuy vậy, khi các kỳ thi này chưa đạt đến độ phổ biến, thuận tiện như kỳ thi tốt nghiệp, rất cần giữ cơ hội cho thí sinh yếu thế. Phương án tuyển sinh của các trường có thể điều chỉnh nhưng cần đảm bảo một tỷ lệ thích hợp cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, tạo thuận lợi cho thí sinh khó cơ hội khăn gói đường xa đi thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ