Nhà trường thực hiện “3 thật”
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT M.V.Lômônôxốp nhận định, việc các trường đại học sử dụng kết quả trong học bạ của học sinh là một trong các tiêu chí xét tuyển vào đại học phù hợp với xu thế của giáo dục (xét cả quá trình học tập và rèn luyện).
Nhiều trường đại học lớn trên thế giới cũng xem xét quá trình học tập của học sinh trong 3 năm học THPT; số ngày nghỉ học, sự tiến bộ trong 3 năm học... là một trong những tiêu chí xét học bổng. Có nhiều trường đòi hỏi điểm GPA rất cao, hơn 9,0 trung bình các môn học. Việc xét tuyển đầu vào của trường đại học theo phương thức trên không sai, chỉ là sai ở việc một số trường đánh giá một nhóm học sinh chưa đúng mà thôi.
“Trong nhiều năm làm tuyển sinh đầu cấp, tôi tiếp xúc khá nhiều phụ huynh lựa chọn trường cho con, đặt tiêu chí “trường đó đánh giá có chặt không” để cho con vào học. Đó là một thực tế đáng buồn”. Kể lại câu chuyện này, thầy Nguyễn Quang Tùng nhấn mạnh: Giáo dục Việt Nam cần phải thực hiện tốt việc “Dạy thật - học thật - đánh giá thật” thì mới lấy được niềm tin của xã hội.
Thực tiễn ở Việt Nam, thầy Nguyễn Quang Tùng cho rằng, các giáo viên, nhà trường cũng chịu sức ép không nhỏ từ phụ huynh về việc họ mong muốn con cái có bảng điểm cao, không sát với thực học.
“Trường Lômônôxốp luôn đề cao việc “đánh giá thật”, nên nhiều năm nay việc triển khai “3 thật” đến từ giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Các kỳ kiểm tra, đánh giá định kỳ đều kiểm tra chung đề, theo ma trận đề được ban giám hiệu phê duyệt. Sau khi trả bài cho học sinh, giáo viên phải nhập điểm vào phần mềm của sở GD&ĐT theo đúng điểm số trên bài kiểm tra.
Mọi sửa chữa điểm của giáo viên phải có đơn, ban giám hiệu duyệt mới được sửa. Mọi sửa chữa điểm trên phần mềm đều được lưu vết, cuối năm học, nhà trường sẽ rà soát lại lần nữa trước khi ký học bạ cho học sinh. Việc đó đã giúp cho các đánh giá đúng với những gì học sinh đã kiểm tra” - thầy Tùng chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế triển khai của nhà trường.
Ảnh minh họa/INT |
Tăng cường giám sát
Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, đánh giá không đúng, không sát năng lực học tập của học sinh nói chung là một hạn chế trong quá trình dạy học. Việc này dẫn tới không nhận được thông tin phản hồi chính xác từ phía người học để giáo viên có những điều chỉnh kịp thời về nội dung, phương pháp dạy học, đồng thời giúp học sinh điều chỉnh phương pháp học tập của mình. Đánh giá không đúng, không sát vì mục đích làm đẹp học bạ để xét tuyển sinh đại học hoàn toàn sai về chuyên môn.
Giải pháp cho việc này, ông Trần Tuấn Khanh cho biết: Trước hết cần tiếp tục tuyên truyền trong nhà trường (cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh) và các thành viên có liên quan ngoài nhà trường, nhất là cha mẹ học sinh, về mục đích, ý nghĩa của công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Từng nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên thực hiện tốt quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Cùng với đó, cần tăng cường vai trò của cơ quan quản lý các cấp trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cơ sở giáo dục về đối soát điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ của các giáo viên, cơ sở giáo dục với điểm số của các kỳ kiểm tra; đánh giá thông qua đề thi chung của trường, tỉnh, quốc gia…
Việc tuyển sinh bằng học bạ có ưu điểm là chính xác hơn, vì đánh giá được quá trình chứ không phụ thuộc 1, 2 bài thi. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Văn - Ngoại ngữ của Trường THPT Tử Đà (Phú Thọ) thừa nhận, việc này cũng có thể dẫn tới tiêu cực như sửa điểm làm đẹp học bạ. Ngăn chặn việc này không dễ.
Trước mắt, cô Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cần làm tốt việc giám sát, kiểm tra khâu ra đề của giáo viên, công tác tổ chức kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ; giám sát việc đánh giá, cho điểm của giáo viên. Nếu làm tốt phần nào hạn chế tiêu cực. Ngoài ra, việc quản lý điểm của học sinh trên hệ thống công nghệ thông tin một cách minh bạch cũng sẽ góp phần hạn chế tiêu cực.
Còn với cô Trần Thị Hội, giáo viên Trường Olympia (Hà Nội), để khắc phục tiêu cực, giáo viên phải làm tròn trách nhiệm giáo dục gương mẫu của mình; đánh giá khách quan, công bằng, công khai và dân chủ theo năng lực nhận thức của học sinh ở từng bộ môn mình giảng dạy.
Đối với lãnh đạo nhà trường, phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá và rà soát điểm của học sinh; tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực khách quan, phù hợp và khuyến khích được khả năng ham tìm hiểu, tự giải quyết vấn đề của các em. Thường xuyên phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, bộ môn, các cán bộ nhân viên trong nhà trường để đánh giá đúng năng lực, phẩm chất học sinh, bảo đảm tính công bằng, khách quan và dân chủ, văn minh.
Đưa quan điểm liên quan đến người học, ông Hà Đình Sơn, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 3 (Bắc Giang) cho rằng, học sinh cần xác định rõ mục tiêu học tập: Học vì kiến thức, nâng cao nhận thức. Học để phục vụ công việc, lý tưởng, ước mơ, hoài bão... Nếu học để thi, vì điểm số, bằng cấp thì hình thức đánh giá đầu vào kiểu gì cũng có tiêu cực. Do đó, thi hay xét tuyển học bạ cũng không quá quan trọng. Quan trọng là phải làm rõ, cho người học nhận thức đúng mục đích của việc học.