Nhưng mặt tiêu cực là không thể khẳng định không có hiện tượng nâng điểm, làm đẹp học bạ.
Ôn thi nhưng vẫn học đều các môn
Dù bận rộn với lịch ôn thi tốt nghiệp THPT cùng các kỳ thi đánh giá năng lực nhưng Nguyễn Ngọc Linh - học sinh Trường THPT Đan Phượng (Đan Phượng, Hà Nội) không quên học các môn khác để có điểm học bạ đẹp. Điều đó không chỉ giúp em dễ hơn trong xét tuyển vào các trường đại học mà còn có nhiều thuận lợi cho quá trình xin việc sau này.
Theo cô Hoàng Thị Hồng Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Đan Phượng, việc đánh giá học sinh luôn được nhà trường thực hiện nghiêm túc, công bằng. Những học sinh chăm học, học lực tốt đều được nhà trường ghi nhận và có điểm học bạ cao. Bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ được giáo viên thực hiện công khai nên khó có khả năng xảy ra tiêu cực.
Thầy Dương Hai Bảy Mươi - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng điểm học bạ cơ bản đánh giá đúng năng lực, quá trình học tập của học sinh. Chỉ một số học sinh được nâng điểm nhưng số đó không nhiều. Việc lấy điểm học bạ để xét tuyển là phương án phù hợp nếu phản ánh đúng năng lực học sinh. Những học sinh có học lực tốt đều đạt kết quả cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Đăng Hùng - Trường THPT Vạn Xuân (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, phương thức xét tuyển nào cũng có ưu, nhược điểm. Những lo lắng về “chạy điểm”, “làm đẹp học bạ” trong các nhà trường không thừa. Tuy nhiên, đó là trường hợp cá biệt, không thể đánh đồng tất cả. Do đó, cần nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, quan trọng nhất vẫn là tạo cơ hội cho học sinh được học đại học.
Để bảo đảm công minh trong xét học bạ vào đại học, các trường có thể đưa ra nhiều tiêu chí phụ để đánh giá tổng quan quá trình học tập và sinh hoạt trong 3 năm học THPT. Ví dụ như, thành tích nổi bật, hoạt động ngoại khóa, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia hay xét tuyển kết hợp với các loại chứng chỉ phù hợp.
Cô Phan Thị Thu Hương - Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng: Phương thức xét tuyển học bạ có ưu thế giảm áp lực thi cử, mở ra nhiều cơ hội cho học sinh trúng tuyển đại học. Cơ sở của phương thức là đánh giá dựa trên quá trình học tập, sự nỗ lực và bứt phá trong 3 năm THPT của thí sinh. Đây là một trong những thước đo, giúp xác nhận năng lực học tập của thí sinh đa dạng về môn học, tổ hợp.
“Chương trình GDPT 2018 đang được triển khai ở 3 cấp học với sự đổi mới về nội dung giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá nhằm định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Vì vậy, kết quả học tập cấp THPT những năm tới sẽ được thể hiện chính xác năng lực của các em. Để bảo đảm công bằng cho thí sinh, chính thầy cô cũng cần nghiêm túc và khách quan trong quá trình kiểm tra, đánh giá” - cô Hương nêu quan điểm.
Ảnh minh họa ITN. |
Đánh giá đúng kết quả người học
Năm 2023, phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ vẫn chiếm ưu thế trong kế hoạch tuyển sinh của các trường. Việc tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ chiếm ưu thế nên nhiều phụ huynh không tiếc công sức, tiền bạc để chạy điểm cho con. Trên mạng xã hội, không ít phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm về việc nâng điểm qua chăm sóc cô giáo chủ nhiệm, cô giáo bộ môn và cả thầy, cô hiệu trưởng. Nhiều người còn chọn trường cho con ngay từ lớp 10 để sau này có học bạ đẹp.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, phụ huynh học sinh ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, từ năm lớp 10, khi vào trường, cô giáo chủ nhiệm đã thống nhất đường đi nước bước với phụ huynh để có được kết quả học bạ như mong muốn. Tình trạng này xảy ra không chỉ ở một trường. Giáo viên, phụ huynh đều nhận thấy lợi thế của học bạ đẹp khi xét tuyển vào các trường đại học, từ trường tốp thấp đến tốp cao.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, chuyện sửa, nâng điểm “làm đẹp” học bạ THPT là có. Việc xét tuyển đại học bằng học bạ có thể khiến kết quả học tập của học sinh bị méo mó. Đặc biệt, khi các trường đại học mở rộng cửa xét tuyển bằng học bạ, nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
Về vấn đề này, ông Trần Khắc Thạc - Phó Trưởng Phòng đào tạo Trường Đại học Thủy Lợi cho rằng, không phải tất cả học sinh có điểm học bạ tốt đều có năng lực tốt. Và ở bất kể phương thức nào cũng có em thế này, thế khác. Nhưng khi vào trường đại học, sinh viên không có năng lực sẽ tự đào thải. Vì vậy, chúng ta nên tin tưởng vào quá trình sàng lọc của các trường đại học trong quá trình đào tạo.
Thực tế, điểm số trong học bạ của học sinh THPT mỗi địa phương, nhà trường đều có sự chênh nhau so với kết quả học tập thực sự. Thực trạng này do quan điểm đánh giá kết quả học tập, cách quản lý của từng địa phương, nhà trường khác nhau.
“Về phía các trường THPT, thầy cô như cha, mẹ của học sinh. Thầy cô làm mọi cách để ôn luyện, quan tâm tới việc học của các em như chính con mình nên ai cũng mong muốn “các con” có cơ hội tốt trong tương lai. Việc đâu đó có sự nâng đỡ không thể tránh khỏi. Nhưng tôi vẫn tin tưởng các thầy cô phổ thông luôn là người đặt nền móng để các em bước tiếp…”, ông Thạc nói.
Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD&ĐT ban hành chỉ quy định nguyên tắc để bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này. Dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường THPT phải có trách nhiệm, biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.