Công việc của cô Vân là đào tạo giáo viên về phương pháp dạy ngoại khóa, khai thác hệ bài để tạo ra các khóa học, chương trình phù hợp như tiệc khoa học theo chủ đề, hội trại, ngày hội khoa học... và là thành viên tích cực của Hội STEM Việt Nam, tham gia tổ chức các sự kiện khoa học cho cộng đồng.
Với điều kiện của Honeywell là những giáo viên được chọn phải có Tiếng Anh nghe hiểu và giao tiếp tốt; giảng dạy hoặc làm công việc phát triển chương trình các môn học STEM; viết bài luận thuyết phục, 8 giáo viên Việt Nam đã được chọn và trong đó có cô Nguyễn Vân.
Cô Vân chia sẻ: “Chuyến đi này thực sự thú vị, tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ những công trình nghiên cứu khoa học vũ trụ của Mỹ.
Các giáo viên được tiếp cận với mô hình tên lửa, tàu vũ trụ, máy bay và cả các tàu vũ trụ đã đưa các phi hành gia Mỹ ra ngoài không gian.
Ngoài ra, chúng tôi còn được trò chuyện với các phi hành gia và kỹ sư thiết kế tên lửa, họ kể về những ước mơ một thời được coi là "không tưởng" nhưng đã thành sự thật của loài người”.
Cô Vân còn cho biết thêm, Trung tâm đào tạo này mở cửa cho cả học sinh đến tham quan và học tập vào dịp hè. Bản thân cô Vân cũng đã nhìn thấy các học sinh ngồi lắp ráp mô hình ngay dưới vỏ chiếc máy bay khổng lồ. Giáo viên cũng tham gia vào nghiên cứu khoa học và chế tạo mô hình cùng với học sinh: “Lúc đó, tôi chỉ ước học sinh Việt Nam có thể được áp dụng khoa học từ lý thuyết đến thực hành như thế này” – Cô Vân nói.
Chuyến bay trễ nhớ đời và sự quan tâm sâu sắc
Trải nghiệm thú vị nhất của cô Vân là 5 ngày tại Hoa Kỳ, cô cùng bạn bè được làm các công việc hành ngày của các phi hành gia. Từng khâu nhỏ như Trạm điều hành không gian, xem tín hiệu, bảng tin, dự đoán, điều hướng và đọc lệnh…
Thậm chí, có những lúc phải lao đến các trạm khác nhau như phòng thí nghiệm để tiến hành kiểm tra, kết luận, đưa thông cáo báo chí…rất chuyên nghiệp.
Kỷ niệm mà cô Vân nhớ mãi và ấn tượng về bạn bè quốc tế là sự quan tâm đặc biệt dành cho nhau khi cô bị trục trặc về vé máy bay.
“Từ VN qua trung tâm đào tạo NASA phải đi 3 chặng bay, qua Hàn Quốc và 1 chặng transit nội địa. Lúc về, tại sân bay Mỹ người ta không cho qua vì có sự nhầm lẫn về tên. Thế là các giáo viên bên Mỹ họ nhìn thấy tôi bị kẹt ở lại, họ sốt sắng tìm cách liên hệ tới hãng bay giúp tôi.
Qua được 1 chặng, về đến Hàn Quốc lại bị kẹt lầnnữa vì họ không cho qua. Tôi đành ở lại 1 đêm, nhưng ngay lúc đó mà mua vé thì quá đắt đỏ, không biết phải làm sao nên tôi liền email về HESA. Ngay lập tức, họ tìm cách đổi vé cho tôi đi chuyến ngày hôm sau, không mất phí và còn thuê khách sạn cho tôi ngủ qua đêm kẻo lang thang và mất chi phí khách sạn. Cả quản lý và nhân viên, giáo viên bên đó email liên tục để hỏi thăm khiến tôi rất cảm động và khâm phục sự chuyên nghiệp của họ” – cô Vân nói.
Qua chuyến học tập, cô Vân có thêm nhiều động lực để truyền cảm hứng và nghiên cứu tạo hứng thú cho hcoj sinh, bạn bè đồng nghiệp trong mỗi bài giảng. Cô cũng không quên kể lại 5 ngày tuyệt vời cho cô con gái nhỏ đang trong độ tuổi khám phá. Cô Vân hi vọng rằng, học sinh Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội học tập và thực hành hơn nữa để phát huy khả năng sáng tạo của giới trẻ Việt.