Cô giáo tuổi 70 và tấm bằng đại học thứ 3

GD&TĐ - Nghỉ hưu đã 15 năm, cô Huỳnh Thị Thu, 70 tuổi, ngụ Phường 6, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) trở lại giảng đường và lấy bằng đại học thứ 3.

Dù tuổi cao nhưng cô Thu vẫn bền chí đến giảng đường, lấy bằng đại học.
Dù tuổi cao nhưng cô Thu vẫn bền chí đến giảng đường, lấy bằng đại học.

Cô đang lên kế hoạch học bằng đại học thứ 4 ngành Ngôn ngữ Pháp.

Học để xóa định kiến

Khi còn trẻ, cô Thu đến trường vì câu nói trêu đùa của bà con hàng xóm “con gái học cao làm gì”. Đến khi tóc đã phai màu, cô Thu trở lại giảng đường, lấy bằng đại học thứ 3 cho thỏa sự hiểu biết. Dù bước qua tuổi 70, cô vẫn dự tính sẽ học thêm ngành Ngôn ngữ Pháp.

Nhớ lại kỷ niệm tuổi học trò, cô Thu cho biết, thời đó gia đình nghèo, một buổi học, buổi còn lại cô phải vào bếp nấu tấm cho heo ăn, rồi ra vườn làm cỏ phụ cha mẹ. Cô Thu kể: “Một lần lên trả bài, cô đọc bài thuộc hết nhưng thầy giáo không cho về chỗ ngồi. Thầy hỏi ở nhà cô làm gì giúp cha mẹ? Sau đó, thầy đưa cuốn vở bị dính nhọ nồi cho cả lớp xem. Lúc đó, trong đầu cô nghĩ sẽ bị thầy giáo phạt nặng vì không giữ vở sạch, đẹp. Nhưng không ngờ, thầy giáo chỉ trách nhẹ và nêu gương trước lớp khi biết học trò Thu biết phụ cha mẹ sau những giờ học trên lớp”.

Những năm 1960, cô và nhiều bạn nữ khác trong lớp đến trường chỉ có bộ áo dài duy nhất. Khi đi học về, công việc đầu tiên của nữ sinh con nhà nghèo như cô là giặt áo, phơi lên để sáng hôm sau mặc đi học. Chiếc áo dài ở thế hệ cô Thu được gìn giữ như “báu vật”. Áo rách thì vá lại, một chiếc áo mặc 3 - 4 năm là chuyện thường tình. Chiếc áo dài chỉ được bỏ đi hoặc nhường lại cho thế hệ sau khi không còn “chứa” nổi cơ thể người mặc.

Ngoài những khó khăn về vật chất, cô Thu và nhiều nữ sinh còn bị bà con trong xóm trêu đùa: Con gái học cao làm gì?. Con gái ở nhà phụ cha mẹ, lớn lên lấy chồng… Cũng vì câu nói này, cô Thu quyết tâm đến trường, dù không phải là học sinh xuất sắc, nhưng năm nào cũng lên lớp, thi đâu đậu đó. “Nhờ thành tích lên lớp, tôi được cha mẹ cho đi học hết bậc phổ thông rồi vào học đại học, Ban Việt - Hán, Trường ĐH Cần Thơ, rồi tốt nghiệp vào năm 1973. Ngôi trường tôi đứng lớp đầu tiên ở thị xã Vĩnh Long (nay là tỉnh Vĩnh Long) là Trường Thủ khoa Huân”, cô Thu chia sẻ.

Từ năm 1975 đến năm 1978, nữ nhà giáo được điều động đến 2 trường khác ở thị xã Vĩnh Long. Đến 1978, cô chuyển về Trường Cao Lãnh 1 giảng dạy (nay là Trường THCS Kim Hồng, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Đến năm 1990, cô Thu về công tác tại Trường cấp 2 Phường 6 (nay là Trường THCS Phạm Hữu Lầu, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp), giữ chức Phó Hiệu trưởng chuyên môn. Năm 2007, cô nghỉ hưu sau 34 năm đứng lớp. Cô vinh dự nhận Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục của Bộ GD&ĐT; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vì có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia…

Sau 15 năm rời bục giảng, cô Huỳnh Thị Thu trở lại giảng đường và lấy bằng đại học thứ 3 ngành Ngôn ngữ Trung vào tháng 8/2022.

Sau 15 năm rời bục giảng, cô Huỳnh Thị Thu trở lại giảng đường và lấy bằng đại học thứ 3 ngành Ngôn ngữ Trung vào tháng 8/2022.

Thỏa đam mê con chữ

Cô Thu lấy bằng đại học thứ 2 rất tình cờ. Năm 1993, cô đến Trường ĐH Đồng Tháp nộp hồ sơ cho đứa cháu học ngành Ngôn ngữ Anh. Qua trò chuyện, cô biết nhà trường “mở cửa” nhận những thí sinh lớn tuổi. Sau khi suy tính, thấy trường gần nhà, có bạn học là đứa cháu nên cô nộp hồ sơ nhập học. Cô Thu kể, khi học ngoại ngữ, cô 41 tuổi nên tiếp thu kiến thức tương đối thuận lợi. Ngoài ra, là một trong 2 sinh viên lớn tuổi nhất lớp, cô được thầy cô, bạn học hỗ trợ nhiệt tình nên vượt qua các môn học, lấy bằng đại học đúng tiến độ vào năm 1997.

Tấm bằng đại học thứ 2 không giúp cô tăng lương hay thăng tiến trong công việc nhưng có thể giúp trường “lấp kín” những giờ giáo viên ngoại ngữ nghỉ đột xuất và trong nhiều hoạt động khác ở đơn vị lúc bấy giờ.

Hơn 20 năm sau khi lấy bằng đại học thứ 2, thông qua các em sinh viên, năm 2018 cô Thu biết Trường ĐH Đồng Tháp mở ngành Ngôn ngữ Trung. Nhận thấy đây là cơ hội tốt nhất để lấy tấm bằng đại học tiếng Trung mà xưa kia cô từng biết đến khi học Ban Hán - Việt, vậy là cô nộp hồ sơ nhập học. Cô Thu kể: “Khi con cháu biết tôi học đại học ở tuổi 66, tụi nó khuyên tôi: “Già rồi, bà ở nhà tụng kinh niệm Phật đi; học hành để làm gì nữa”. Lúc đó, tôi chỉ bảo, niệm Phật lúc nào cũng được; còn việc học thì tôi phải làm ngay để thỏa sự hiểu biết”.

Nhắc lại những kỷ niệm khi học đại học lần thứ 3, cô Thu không giấu sự yếu kém về công nghệ. Cô kể, những ngày đầu đến lớp, cô khệ nệ ôm cuốn từ điển dày cộm lên lớp để tra từ mới. Sinh viên thấy thế, đến chỉ cô Thu mua điện thoại thông minh, cài đặt ứng dụng tra từ điển… Nhờ đó, cô tra từ điển, học từ mới nhanh hơn và liên hệ với giáo viên, bạn bè thuận lợi hơn.

Chị Phạm Thị Yến Anh (người cùng lớp tiếng Trung với cô Thu) đã đăng ký 3G, cài đặt ứng dụng tra từ điển, tạo địa chỉ email cho người đồng môn lớn tuổi. “Cô Thu lớn tuổi nên khi học có phần chậm hơn bạn bè trong lớp. Tuy nhiên, cô rất chịu khó học, có hôm học đến khuya”, chị Yến Anh chia sẻ.

Cũng tại lớp học tiếng Trung, cô Thu bỡ ngỡ khi gặp lại cô học trò cấp 2 nhưng nay là giảng viên, dạy môn nghe cho lớp. “Ban đầu, cô trò rất vui khi gặp lại nhau nhưng sau đó, tôi giữ khoảng cách để cô giáo mình tiện bề lên lớp. Thi thoảng cô trò gặp nhau ở thư viện, hỏi thăm nhau và có khi học trò mình khi xưa chỉ bài lại cho tôi”, cô Thu trải lòng.

Chia sẻ về việc học, cô Thu cho biết sắp tới nếu Trường ĐH Đồng Tháp mở ngành Ngôn ngữ Pháp, cô sẽ ghi danh, quyết tâm lấy bằng đại học thứ 4. “Khi học ngôn ngữ Trung, tôi có học một số tín chỉ tiếng Pháp, do đó có chút thuận lợi khi học tiếng Pháp. Tôi học thêm ngôn ngữ Pháp là vì muốn đọc một cuốn truyện viết bằng tiếng Pháp. Khi đọc một tác phẩm bằng ngôn ngữ nguyên bản sẽ thích thú hơn nhiều khi đọc bản dịch”, cô Thu chia sẻ.

Khi học tiếng Trung, nữ nhà giáo thấy cảm phục ông bà tổ tiên xưa về sự độc lập, tự chủ và sáng tạo. Theo cô Thu, mặc dù dân tộc Việt Nam bị phương Bắc đô hộ 1.000 năm, phụ thuộc vào tiếng Hán, thế nhưng ông cha xưa đã sáng tạo ra chữ Nôm để giữ gìn tiếng dân tộc đến ngày hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.