Cô giáo dành cả thanh xuân dạy học vùng đồng bào dân tộc

GD&TĐ - Tốt nghiệp sư phạm, cô Ngô Thị Kim Đồng tình nguyện xin công tác tại xã có trên 90% là đồng bào dân tộc Khmer và gắn bó với học sinh cho đến nay.

Cô Kim Đồng và học sinh trong giờ tập hát.
Cô Kim Đồng và học sinh trong giờ tập hát.

Gắn bó với trò vùng sâu

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm mầm non Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng, cô Ngô Thị Kim Đồng không xin về quê nhà là xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) mà tình nguyện xin về công tác tại Trường Mầm non xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Đây là xã có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Khmer và cũng là xã khó khăn của huyện Mỹ Tú.

Cô Ngô Thị Kim Đồng chia sẻ: Khi mới về Phú Mỹ, dù biết trước là sẽ có nhiều vất vả nhưng khi đối diện với thực tế, cô mới cảm nhận hết những khó khăn, vất vả, thiệt thòi của các em học sinh và các đồng nghiệp.

Lúc đó, Phú Mỹ là xã vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn. Đường đi chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp lại có nhiều kênh rạch, nhiều “cầu tre lắt lẻo”. Mỗi lần đạp xe qua những cây cầu đó, “tim đập, chân run” vì cầu chủ yếu làm bằng cây tre, cây tràm, khi có người đi qua là lắc qua lắc lại, kêu kẽo kẹt, luôn lo cầu bị… gãy. Thế nhưng, bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, cô và các đồng nghiệp đã vượt qua.

“Hồi đó, chưa có trường học khang trang như bây giờ. Trường Mầm non chủ yếu được tận dụng lại các phòng học của trường THCS, lại có nhiều điểm lẻ ở các ấp nên đi dạy khá vất vả. Cơ sở vật chất thiếu thốn, đồ dùng dạy học cũng không đầy đủ. Bên cạnh đồ dùng dạy học được cấp, chúng tôi còn phải tự làm đồ dùng dạy học để cho bài học sinh động hơn.

Có nhiều món chúng tôi phải ra tận thị xã (nay là TP Sóc Trăng) để mua. Mua về phải ép trong giấy kính để sử dụng lâu dài, không bị hư hỏng. Mỗi lần sử dụng thì đem bản chính đi photocopy rồi về tô màu vào cho giống bản gốc để dạy cho các cháu”, cô Kim Đồng chia sẻ.

Về công tác tại xã Phú Mỹ, lúc đó chưa có khu tập thể nên cô Kim Đồng ở tạm nhà chị gái. Lương giáo viên mầm non lúc đó mỗi tháng được khoảng 450.000 đồng, tiết kiệm lắm vừa tạm đủ chi tiêu cho bản thân.

Cô cho biết: “Về vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, lúc đầu còn bất đồng ngôn ngữ nên gặp khó khăn trong giao tiếp với học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng học hỏi, tiếp xúc nhiều để hiểu tiếng nói, hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của các cháu cũng như phụ huynh. Về đây, thấy các cháu thua thiệt nhiều hơn so với các cháu ở vùng khác, tôi rất thương và nguyện gắn bó với vùng đất này, gắn bó với các cháu học sinh nhiều hơn. Có lẽ cũng vì vậy mà bây giờ Phú Mỹ đã trở thành quê hương thứ hai của mình”.

Nỗ lực vì học trò

Để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, cô Kim Đồng luôn trau dồi học tập, đổi mới, sáng tạo, trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; làm đồ dùng sáng tạo, áp dụng những phương pháp mới trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Trong đó có sáng kiến “Một số biện pháp giúp trẻ phòng chống dịch bệnh đường hô hấp tại lớp chồi 1, Trường Mầm non Phú Mỹ” ứng dụng vào quá trình chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao, được Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú công nhận.

Cô Kim Đồng chăm sóc các cháu tại lớp học.
Cô Kim Đồng chăm sóc các cháu tại lớp học.

Năm 2021-2022, cô được phân công phụ trách giảng dạy lớp chồi 1, nhưng do tình hình dịch bệnh thời gian nhập học của trẻ bị dời lại. Để đảm bảo kiến thức của trẻ không gián đoạn, tạo sự kết nối giữa giáo viên với phụ huynh, giữa giáo viên với trẻ. Cô chủ động xây dựng các video gửi cho phụ huynh hướng dẫn trẻ học tại nhà trong mùa dịch.

Để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, cô đã tổ chức tuyên truyền với phụ huynh bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền trực tiếp qua buổi họp phụ huynh đầu năm, qua Zalo nhóm lớp về tình hình dịch bệnh và những vật dụng cần trang bị cho trẻ khi trẻ đến trường. Năm học 2021 - 2022, cô tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đạt giải nhất cá nhân.

Cô Nguyễn Thị Ánh Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phú Mỹ cho biết: “Cô Ngô Thị Kim Đồng là giáo viên có chuyên môn vững vàng, nhiệt tình trong công tác; có nhiều sáng tạo trong giảng dạy. Cô là Tổ trưởng chuyên môn có kinh nghiệm, luôn giúp đỡ các giáo viên trong tổ để cùng tiến bộ. Cô là Đảng viên luôn đi đầu trong mọi công tác, tham gia đầy đủ, có hiệu quả các phong trào của trường, của ngành, của địa phương. Cô có nhiều đề xuất mới cho đơn vị, giúp phong trào của nhà trường ngày càng đi lên”.

Chia sẻ về cuộc sống, cô Kim Đồng vui vẻ: Lương giáo viên mầm non chưa phải là cao so với nhiều ngành nghề khác. Nhiều khi thấy bạn bè làm nghề khác cho thu nhập cao hơn đồng lương nhà giáo của mình tôi cũng có chút “tâm tư”. Nhưng với tôi, được theo nghề mình đã chọn, được gắn bó với các cháu học sinh người đồng bào dân tộc Khmer là niềm vui, niềm hạnh phúc. Làm nghề dạy mầm non cực lắm nhưng tình yêu nghề, yêu trẻ đã cho tôi động lực lớn để vượt qua tất cả.

Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, cô Ngô Thị Kim Đồng đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh; được nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.