Cô giáo ‘thắp’ đam mê khoa học cho học sinh dân tộc

GD&TĐ - Là giáo viên Mỹ thuật nhưng cô Hoàng Thị Thủy thành công trong “thắp” lên trong nhiều thế hệ học sinh dân tộc hứng khởi, sáng tạo cùng khoa học.

Cô Hoàng Thị Thủy (thứ 2 bên trái) đã thành công ở vài trò hướng dẫn nhiều cuộc thi NCKH toàn quốc.
Cô Hoàng Thị Thủy (thứ 2 bên trái) đã thành công ở vài trò hướng dẫn nhiều cuộc thi NCKH toàn quốc.

Gắn bó cùng giáo dục vùng khó

Năm 2012 cô giáo Hoàng Thị Thủy tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Yên Bái. Ra trường với ước mong được làm giáo viên Mỹ thuật tại quê hương không thành cô Thủy đã lên vùng cao Si Ma Cai xin làm giáo viên hợp đồng Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai Lào Cai). Đến nay đã tròn 10 năm cô gắn bó với ngôi trường của những học trò dân tộc.

Nhớ lại những ngày đầu lên vùng cao Si Ma Cai công tác, cô Thủy có chút lo lắng bởi môi trường sống, xã hội giáo dục còn khó khăn… Tuy nhiên, sau thời gian ngắn có sự động viên từ gia đình “ở đâu mọi người sống, làm việc được thì mình cũng tồn tại được” và bản thân luôn nhìn mọi việc tích cực, yêu nghề, mến trẻ nên đã nhanh chóng thích nghi. Khó khăn đến đâu cô giáo trẻ cũng chưa một lần nghĩ đến việc chuyển nghề hay thay đổi nơi công tác.

Bản thân cô Thủy cũng chia sẻ: Học trò dân tộc thiệt thòi về điều kiện sống, học tập, nhận thức hạn chế nhưng ngoan và tình cảm. Về phía đồng nghiệp gần gũi, hỗ trợ nhau. Những điều đó càng khiến cô Thủy thêm yêu và gắn bó với vùng cao Si Ma Cai.

“Hàng ngày được lên lớp dạy học, truyền kiến thức, tình yêu thương, sẻ chia khó khăn với học trò… em thấy vui và hạnh phúc dù xa gia đình”. Mỗi năm cô giáo trẻ chỉ về nhà 2 lần vào Tết và hè. Thậm chí có năm, để hỗ trợ học trò tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học cô ở lại cả 3 tháng hè. Trường lớp đã trở thành ngôi nhà thứ 2, đồng nghiệp, học sinh là người thân của cô Thủy.

“Thắp” đam mê khoa học trong học trò

Việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học (NCKH) đối với cô Thủy như một cơ duyên khi năm 2018 nhà trường phân công cô hướng dẫn học sinh nghiên cứu và hoàn thành mô hình “Rô bốt nông dân”.

Cô Thủy hướng dẫn học sinh

Cô Thủy hướng dẫn học sinh

Sản phẩm ra “lò” như một dạng đồ chơi tự chế. Có thể ứng dụng vào dạy học một số môn nhạc, mĩ thuật, khoa học tự nhiên… Và “Rô bốt nông dân” đã đạt giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc” lần thứ 14. Sự khởi đầu thành công đã tạo động lực để cô Thủy và học sinh của trường dành nhiều thời gian tâm huyết hơn với hoạt động NCKH.

Tại cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc” lần thứ 15, mô hình “Cộng đồng các dân tộc huyện Si Ma Cai” do cô Thủy hướng dẫn lại xuất sắc đạt giải Nhất. Mô hình mô tả cuộc sống sinh hoạt bình dị với nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, Nùng, Thu Lao, Kinh đã chinh phục ban giám khảo khi tận dụng hoàn toàn nguyên vật liệu từ đồ chơi hỏng, các sản phẩm tái chế nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. Mặt khác, cấu tạo và thông số kỹ thuật được thể hiện khoa học, chính xác qua đôi bàn tay khéo léo của học sinh dân tộc...

Tại Cuộc thi sáng tạo Thanh, thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 năm 2002, sản phẩm “Mạch điện thông minh” cũng với sự hướng dẫn của cô Thủy với học sinh Giàng Trạng Nguyên (dân tộc Mông) đã đạt giải khuyến khích.

Chia sẻ về khó khăn trong hướng dẫn học sinh dân tộc NCKH, cô Thủy cho rằng điều kiện cơ sở vật chất để giáo viên và học sinh nghiên cứu, ứng dụng còn hạn chế. Chính vì vậy, hầu hết các sản phẩm được tận dụng từ nguyên vật liệu có sẵn, không tốn kém, gắn liền với đời sống sinh hoạt. Sự hạn chế về cơ sở vật chất khiến thầy và trò phải dày công hơn để làm ra sản phẩm. Nhiều khi làm hỏng, thất bại học sinh chán nản thì giáo viên phải biết cách động viên, khuyến khích để học trò không bỏ cuộc.

Mặt khác, theo cô Thủy do học sinh dân tộc vốn từ tiếng Việt hạn chế, các em thiếu tự tin khi thuyết trình sản phẩm tại các cuộc thi. Vì vậy, giáo viên cần hỗ trợ kịp thời, đúng cách để sản phẩm toát lên giá trị, thông điệp... cần truyền tải.

“Giáo viên vùng cao điều kiện để tiếp cận trực tiếp khoa học kĩ thuật, nâng cao kiến thức không nhiều. Phần lớn phải tự trau dồi kiến thức từ đó nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng vào công việc hướng dẫn học sinh NCKH; tìm ra phương pháp giảng dạy giúp học sinh dễ tiếp thu bài và phát huy năng lực sở trường. Do đó, không kiên nhẫn, thiếu ý thức tự bồi dưỡng chắc chắn sẽ tụt hậu, không thể hoàn thành tốt vai trò hướng dẫn học sinh NCKH…”, cô Thủy chia sẻ.

Cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai) nhận xét: Cô Hoàng Thị Thủy luôn đổi mới, sáng tạo và cống hiến hết mình trong hoạt động giáo dục. Từ những vật dụng đơn giản như chiếc lá khô, viên sỏi, quả trứng… cô có thể “biến” thành đồ chơi, đồ dùng dạy học. Cô Thủy còn phát huy tốt khả năng mĩ thuật vào việc trang trí lớp học, hướng dẫn học sinh tự tay làm đồ vật, vẽ tranh… để trưng bày trang trí lớp. Sự sáng tạo không ngừng về phương pháp giảng dạy, tận tụy và đổi mới trong hướng dẫn nghiên cứu khoa học đã giúp học sinh luôn hào hứng với học tập và áp dụng kiến thức vào thực tế.

Mong rằng với năng lực, trí tuệ, tâm huyết của mình cô giáo Hoàng Thị Thủy sẽ tiếp tục phát huy để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nhà trường và ngành giáo dục Lào Cai. Sẽ có thêm nhiều thế hệ học sinh dân tộc được cô Thủy hướng dẫn, giúp đỡ và gặt hái những thành công trong học tập và NCKH…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bảng xsmb 60 ngày liên tiếp