(GD&TĐ) - Từ những đồng tiền làm thêm khi còn là sinh viên và quá trình đi thu gom sách cũ, vận động mọi người cùng chung tay góp sức, sau 2 năm Đặng Thị Hơn (sinh năm 1985, Thanh Trì, Hà Nội) đã lập được 5 tủ sách cộng đồng cho trẻ em ở những vùng khó khăn.
Trong những chuyến đi thực tế vùng cao, Hơn đã được chứng kiến rất nhiều cảnh các em nhỏ sống trong sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt văn hóa đọc là một khái niệm rất mới lạ với các em. Thậm chí nhiều nơi sách giáo khoa cũng là món đồ “xa xỉ” với cá nhân nhiều bạn.
Từ đó, Hơn nung nấu ước mơ mang sách tới với các bản làng vùng sâu vùng xa, những nơi mà để mua được 1 cuốn sách, các em phải đôi chân trần vượt quãng đường hàng chục km. Chỉ một nụ cười mãn nguyện của các em cũng khiến Hơn thấy quãng đường của mình dù gian khó nhưng lại thấm đượm biết bao niềm vui.
|
Đặng Thị Hơn chụp ảnh lưu niệm tại tủ sách cộng dồng được đặt tại nhà văn hóa xã Tân Thọ, Nông Cống, Thanh Hóa. |
Đầu năm 2009, cô sinh viên năm thứ 3 khoa Thư viện, trường Đại học Văn hóa bắt đầu cuộc hành trình đi khảo sát nhu cầu của các địa phương nơi mình hướng tới để bắt đầu những kế hoạch “dài hơi” và đặt tủ sách tại chính những địa điểm đó. Nội dung của những cuốn sách Hơn hướng tới phần nhiều là sách tham khảo, truyện tranh, sách văn học phù hợp từng đối tượng, các tấm gương giáo dục,… để qua đó phần nào bổ sung được lượng kiến thức các em đang vừa thiếu vừa yếu.
Tủ sách đầu tiên ra đời tháng 5 – 2009 tại trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ. Đây là ngôi trường cấp 3 của học sinh nội trú các dân tộc, các em học sinh nhà đều cách trường 20 – 30 cây số. Việc lo bữa ăn và tiền học cho các em đã gặp nhiều khó khăn chứ chưa nói tới việc lo thêm sách tham khảo. Mất hơn 1 tháng đi đi về về giữa Hà Nội – Phú Thọ để khảo sát, nắm bắt được tình hình, Hơn bắt đầu thu gom sách.
“Bản thân mình từ những ngày còn là sinh viên đi làm thêm, mặc dù học thư viện nhưng mình lại làm nhiều về truyền thông. Mình đã tận dụng các trang xã hội như: tầm tay, facebook, yahoo để kêu gọi bạn bè ủng hộ sách cũ, rồi tìm kiếm mail của các nhà sách gửi mail cho họ, phục vụ cho công tác tuyên truyền. Số lượng ủng hộ không nhiều, mình phải bỏ tiền ra mua sách và thuê xe chở lên Phú Thọ. Lần đầu lập tủ sách, khó khăn rất nhiều nhưng mỗi khi nhìn các em cầm trên tay quyển sách, đọc say sưa mình lại thấy rất vui” – Hơn chia sẻ.
Từ những thành công ban đầu đó, Hơn nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía cộng đồng cũng như bạn bè, trong đó có cả những người chưa một lần gặp mặt. Khi “gõ cửa” các nhà sách, Hơn cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của họ khi dành cho Hơn giá “ưu đãi” khi mua sách tại đây. Đó cũng là một trong những động lực giúp Hơn lập thêm 3 tủ sách ở Thái Nguyên và 1 tủ sách ở Nông Cống (Thanh Hóa).
Vì sợ gia đình phản đối nên hơn 1 năm đầu thực hiện dự án Tủ sách cộng đồng, bố mẹ mới biết việc làm của Hơn. Thay vì phản đối, bố của Hơn còn xin theo con gái để thực hiện những tủ sách tiếp theo. Đón nhận tình cảm từ phía gia đình, cộng đồng “Mình thấy mình là người may mắn” – Hơn cười. Tới nay, khi đã có gia đình và làm việc tại Viện Công nghệ thông tin – Thư viện Y học Trung Ương, những sự ủng hộ ấy vẫn đến với Hơn và hoạt động quyên góp sách báo cũ xây dựng tủ sách cộng đồng tại vùng cao vẫn được Hơn duy trì. Cứ đều đặn 3 tháng 1 lần, các tủ sách lại tổng kết để báo cáo kết quả hoạt động cho Hơn, thỉnh thoảng Hơn cũng bắt xe về kiểm tra đột xuất.
Những thông tin và hình ảnh mới nhất về tủ sách cũng như đời sống văn hóa cộng đồng được Hơn đăng tải trên website: tusachcongdong.com. Đây là website do Hơn bỏ tiền ra lập và tự mình quản lý, tự mình biên tập, đăng tải bài.
Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian tới, Hơn chỉ có ước mơ nhận được sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ phía cộng đồng để mình có thể xây dựng thêm nhiều tủ sách ở các vùng khó khăn, mang tới cho các em những nguồn tri thức mới.
Nguyễn Huệ