Chuyện 'phẫn chí'

GD&TĐ - Chúng ta có thể cùng nhau can đảm tin rằng còn có cơ hội để thay đổi cuộc sống, để đón được những điều ta muốn thấy, muốn có...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong giờ giải lao, tôi tán chuyện với các đồng nghiệp. Vì là người khá vui vẻ, trước những sự kiện, dù thế nào, tôi vẫn thường tìm được một điều gì đó tích cực. Thế nên, mọi người nói với tôi về những sự kiện buồn, trong đó có trường hợp cô bé tự tử để thử cảm xúc của tôi.

Thực ra tôi buồn lắm. Tôi run run kể với đồng nghiệp chuyện tôi từng chứng kiến, từng trải qua.

Tôi từng chứng kiến bạn học tôi tự tử lần đầu khi tôi học cấp 2, rồi cấp 3 lại chứng kiến.

Tôi từng nghĩ mình nên chết đi, không nên sống ở cuộc đời này khi không tìm thấy tiếng nói chung, những điều làm mình thích thú, say mê ở những người xung quanh. Cái tuổi, cái thời của chúng tôi phải trải qua có lẽ đều giống nhau. Sẽ lặng lẽ khóc, căm thù khi người ta cứ trì chiết mình khi mình mắc một lỗi lầm nào đó. Sẽ đau khổ tột cùng khi gia đình mình tan vỡ, vì những định kiến xã hội mà mãi mãi mình không thể thay đổi. Sẽ chán chường vì không biết làm thế nào để cải thiện, để tìm thấy nguồn sáng với những khát vọng lớn lên từng ngày, từng phút trong khi sự hiểu biết, năng lực chống đỡ của bản thân chưa đủ để giải quyết.

Phẫn chí đến “tự tử”, chắc là một hành vi đã chọn đúng điểm rơi khi mà sự cùng quẫn về tâm lí bản thân cùng với không có sự hỗ trợ của người khác. Thế nên ai thoát được bẫy “tự tử” chính là đã có được sự hỗ trợ của một người nào đó.

Làm sao để những đứa trẻ mới lớn đều có được ân huệ cuộc đời để thoát khỏi cái bẫy đau khổ?

Tôi nhớ lại bạn học cùng lớp. Khi học cấp 2, tôi đọc được bức thư trong ngăn bàn của bạn. Bạn viết lại những cảm xúc đầy đau thương khi biết bố mẹ mình ly hôn. Bạn đã chọn cắt tay để thoát ra khỏi nỗi buồn đau ấy. Tôi chẳng biết làm gì hơn là tìm mọi cách, thật nhanh để đi tìm bạn. Lúc ôm được bạn, nghe bạn khóc; nghe bạn kể về những gì trải qua, tôi khóc cùng bạn. Tôi cũng kể cho bạn nghe những điều tôi cảm thấy. Tôi chỉ nói rằng, nếu chết đi, chúng mình chẳng bao giờ thấy được những gì mình mong muốn.

Rồi khi học cấp 3, một bạn cũng ở hoàn cảnh giống tôi, gia đình có con một bề. Tôi đã từng nghe suốt ngày, ai gặp cũng hỏi: Bố cháu có lấy vợ hai không? Mẹ cháu bao giờ sinh em trai?… Bạn không chịu được khi thấy bóng gió việc dòng họ, gia đình ép bố bạn phải có con nối dõi. Bạn thấy bất công với cuộc đời trọng nam khinh nữ, nên bạn muốn thoát ra. Rất may tôi kịp thời bắt gặp để không mất đi một người bạn. Thế nhưng, chúng tôi không ngừng “xả” với nhau. Vì sao chúng tôi phải chịu đựng những bất công đó, về những điều mãi mãi không thể thay đổi được như vậy? Tôi lại nói với bạn: “Nếu chết đi, chúng mình chẳng phải mãi mãi không bao giờ thấy được những gì tốt đẹp”.

Nhân đây kể lại câu chuyện mà tôi luôn nhớ:

“Một người chán đời, muốn tự tử. Anh ta đi xuống sông, giơ một ngón tay lên trời. Người trên bờ nhìn thấy liền hỏi: “Này anh, sao anh lại đi xuống sông, sẽ chết đấy!”. Người kia trả lời: “Thực là tôi muốn chết đây.”. “Vậy sao anh lại giơ ngón tay lên trời?”. “Vì ngón tay này bị đinh râu, gặp nước bẩn, nó sẽ bị nhiềm trùng.”.!!!

Các bạn của tôi, chúng ta phải đối mặt với một thực tiễn rằng những đau khổ, những nỗi buồn vẫn tồn tại, cũng như thỉnh thoảng chúng ta muốn rời xa cõi này. Nhưng chúng ta có thể cùng nhau can đảm tin rằng còn có cơ hội để thay đổi cuộc sống, để đón được những điều ta muốn thấy, muốn có. Và khi còn sống, chúng ta có thể truyền cho nhau biết những điều khiến chúng ta sợ chết, cũng là một cách để cứu vãn một cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.