GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học XH Việt Nam đã có kiến giải, lời khuyên để hạn chế những câu chuyện đau lòng tương tự xảy ra.
- Ông suy nghĩ gì khi biết tin về cái chết của hai nữ sinh vừa qua? Quan điểm của ông về sự việc liên quan đến 2 nữ sinh?
- Tự sát ở thanh thiếu niên luôn là vấn đề đáng báo động. Các nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự sát ở thanh thiếu niên là lo âu, trầm cảm. Nó là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển của thanh thiếu niên. Đây là độ tuổi rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường, xã hội do những thay đổi về tâm sinh lý ở lứa tuổi này.
Hai cô gái trẻ (16 tuổi) đang là học sinh cấp 3 tại một trường THPT ở Quận 3 tử vong ở Quận 12 là một vấn đề rất đau lòng. Chúng tôi xin chia sẻ và đồng cảm, nhất là nỗi đau mà phụ huynh và gia đình gặp phải.
Tuy nhiên, nếu thầy cô và phụ huynh sát cánh nhiều hơn, cởi lòng hơn với các em và chấp nhận các em dù là tạm thời, có thể vấn đề sẽ được giải quyết ở một mức độ nào đó. Chúng ta không có quyền hay không trách cứ nhưng có lẽ cần nhìn xa hơn và khái quát nếu đây là hiện tượng.
- Một số nguồn tin cho rằng cái chết của các em có liên quan đến chuyện yêu đồng giới. Theo ông, nói như vậy có thỏa đáng?
- Tại Việt Nam hiện nay không có luật cấm quan hệ tình dục đồng tính. Mặc dù hôn nhân đồng tính chưa được hợp pháp hóa nhưng Việt Nam là nước dẫn đầu ở Đông Nam Á trong công nhận quyền lợi của LGBT. Do đó, chúng ta cần có góc nhìn cởi mở hơn về cộng đồng LGBT. Đây không phải là vấn đề muốn hay không mà vấn đề chúng ta cần nhìn nhận một cách văn minh.
Nhưng trong sự việc này không thể khẳng định đây là tình cảm đồng giới một cách chắc nịch. Vì mọi biểu hiện của tình cảm chưa ổn định, xúc cảm còn quá phong phú, thiếu sự ổn định mà lại rất dạt dào và mãnh liệt.
Lẽ nhiên, rung động là tự nhiên và chúng ta cần nhìn nhận một cách thực tế… Và bất kỳ sự kết luận nào lúc này đều rất chủ quan bởi chúng ta không phải là người trong cuộc. Rất mong chúng ta sẽ gác vấn đề này và nhìn một cách xa hơn để hiện tượng này sẽ được xem xét khoa học. Quan trọng hơn là cha mẹ cần điều chỉnh để tránh đi những biểu hiện đáng buồn về cuộc đời của con cái…
- Các bậc phụ huynh nên ứng xử như thế nào để không xảy ra những trường hợp tương tự?
- Mâu thuẫn trong cuộc sống là một trong những nguyên nhân khiến thanh thiếu niên tự sát. Những mối quan hệ bất hòa, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết.
Thanh thiếu niên dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát. Họ xem việc tự sát như là một cách để giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống. Chính vì lẽ đó, gia đình cần là chỗ dựa tinh thần vững chắc để đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ thanh thiếu niên vượt qua khủng hoảng tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Nói khác đi, những gia đình có con cái rơi vào trường hợp như hai bạn trẻ này thì nên có những ứng xử, nên có sự gắn kết với con cái, chấp nhận con cái và nếu cần ngay lập tức nhận sự hỗ trợ của chuyên gia. Phòng tham vấn học đường cần phát huy tác dụng và các nhà quản lý phải đánh giá lại một cách nghiêm túc về hiệu quả hoạt động, cơ chế quản lý và đánh giá nhằm khắc phục dần các vấn đề này…
- Về phía nhà trường thì việc giáo dục giới tính nên như thế nào thưa ông?
- Một số trường ở Việt Nam hiện nay vẫn còn tâm lý “ngại dạy” giáo dục giới tính cho học sinh. Đây là việc hết sức nguy hiểm. Bởi lẽ các bậc phụ huynh thường tránh đề cập đến việc giới tính với con em mình vì quan niệm không vẽ đường cho hươu chạy.
Do đó, vai trò của nhà trường trong việc giáo dục giới tính càng đặc biệt quan trọng. Trong thời đại Internet phát triển mạnh mẽ, các em dễ dàng tiếp cận đến các nội dung liên quan đến giới tính, người lớn. Chính vì lẽ đó, thà chúng ta vẽ đường cho hươu chạy đúng còn tốt hơn để hươu tự tìm đường chạy sai.
Quan trọng hơn, không phải chỉ là việc giáo dục giới tính mà xa hơn là giáo dục kỹ năng sống nhất là giải quyết mâu thuẫn, xung đột và xa hơn là sự khủng hoảng. Những khủng hoảng tâm lý, khủng hoảng giao tiếp gia đình là điều cần được chuẩn bị.
Chúng ta có quan tâm nhưng hình thức hóa hiện nay đang có dấu hiệu khá rõ; chúng ta có hành động nhưng khâu đánh giá, giám sát và cải tiến vẫn chưa thật hiệu quả… Nói khác đi, chúng ta cần nhìn nhận và đổi thay với những gì trong thực tiễn đời sống của con cái… mà đừng nghĩ và làm theo kiểu: Con phải, vì sao con không mà lại…
- Từ góc độ một nhà tâm lý học, ông khuyên giới trẻ nên ứng xử thế nào với tình yêu và giới tính của mình?
- Cảm xúc giới tính có thể tạo nên mối quan hệ yêu đương lành mạnh, dẫn đến tình yêu hạnh phúc. Mặt khác, những cảm xúc giới tính cũng có thể ảnh hưởng xấu đến nhân cách, kích thích những nhu cầu sinh lý mang tính bản năng, tạo nên dục vọng, những thói hư tật xấu, sự ăn chơi sa đọa của con người.
Do đó, giới trẻ cần trang bị cho mình những kĩ năng sống cần thiết như kĩ năng ứng xử với cảm xúc giới tính, kĩ năng vượt qua cám dỗ… để tỉnh táo, bản lĩnh, tự tin ứng xử với tình yêu và giới tính của mình một cách phù hợp.
Từ cái nhìn cá nhân, tôi nghĩ chúng ta đã và đang đầu tư cho giáo dục và cần thêm sự đột phá. Nhà trường, gia đình cần tiếp tục cải tiến mối quan hệ kết nối và hơn hết là đồng hành với học sinh sao cho hỗ trợ học sinh có thể trưởng thành một cách đúng nghĩa…
Hơn thế nữa, bầu không khí tập thể, xã hội cần tạo cho các em một lối sống phát triển tích cực, có cơ hội trải nghiệm và điều chỉnh để đi vào đời sao cho hạnh phúc…
Và cần nhất phải hiểu hạnh phúc của các em phải do các em hiểu, cảm nhận và quyết định. Chúng ta cần đồng hành nhưng không thể thay thế nghĩ suy và cảm xúc…
- Xin cám ơn ông.