Các tổng chủ biên, nhà giáo, nhà tâm lý giáo dục đã chia sẻ kinh nghiệm DHTT hiệu quả để nhà trường, thầy cô cùng tham khảo.
Cần khiến trẻ thích học
Thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nội Hợp B (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) trao đổi: Đối với HS lớp 1 vừa chuyển từ hoạt động chơi sang học, bỡ ngỡ kĩ năng học trên mạng…, để DHTT hiệu quả không dễ dàng nhưng vẫn có thể thành công nếu GV phát huy cùng lúc nhiều yếu tố.
Trước hết, GV phải làm cho trẻ thích học. Ở tuổi nhỏ, sự tập trung của trẻ khi học chưa cao, khó duy trì lâu trạng thái học tập tại chỗ, do đó GV nên chia nhỏ bài giảng để phân bố dạy học phù hợp với đối tượng HS.
Ở phần tập viết, nên hướng dẫn cụ thể cách đưa nét bút từng âm. Để phần viết hứng thú với HS, GV có thể tăng cường các phần mềm hỗ trợ, hoặc thường xuyên khen, thưởng bằng hình thích ghi nhớ (sao hoa...) sau đó tặng quà.
Phần viết đối với HS lớp 1 đòi hỏi hướng dẫn cầu kỳ, tỉ mỉ nên giai đoạn này không thể đặt kỳ vọng quá lớn hoặc đòi hỏi HS hoàn thành như dạy học trực tiếp.
GV nên hướng dẫn kinh nghiệm dạy học cho bố mẹ bởi họ chính là thầy cô của trẻ khi ở nhà và hỗ trợ đắc lực cho GV trong DHTT. Có thể “tận dụng”, kéo phụ huynh vào cuộc, biến họ thành những trợ giảng thì DHTT vô hình chung sẽ có thêm thêm hàng chục GV trợ giảng tại gia đình…
Ở góc độ tâm lý, Tiến sĩ tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh (Tổng giám đốc Học viện Thành Công) cũng đưa ra lời khuyên: Khi trẻ ở độ tuổi Mầm non vào lớp 1 với cách thức và phương pháp học tập khác hẳn thì việc ngay lập tức gò ép HS trong một khuôn mẫu mới ngay lập tức là điều khó khăn.
Nếu GV để áp lực dạy học đọc thông viết thạo nhanh và từ đầu cũng đồng nghĩa sẽ tạo ra áp lực lớn trong học tập với cả thầy, trò và phụ huynh.
Thời gian đầu của DHTT, nhà trường, GV nên tập trung rèn thói quen và phong cách học tập mới; đẩy mạnh cho các hoạt động vừa học vừa chơi và có sự tương tác giữa thầy cô với HS. Ví như, có thể cho HS xem video hoạt hình, học đọc theo hát a, b, c; Cho HS chơi các trò chơi để sử dụng công cụ phương tiện học tập thành thạo, an toàn…
TS Vũ Việt Anh nhấn mạnh, khi cho trẻ học trực tuyến bố mẹ cần chuẩn bị chu đáo trong vấn đề thiết bị, máy móc. Kiểm tra thiết bị điện, đường dây máy tính, sạch điện thoại. Chủ động hoặc yêu cầu con sạc điện thoại, máy tính đầy đủ tránh vừa sạc vừa học;
Nên cài phần mềm tránh spam, phần mềm bảo mật… vào điện thoại của mình để tránh con nhỡ tay bấm nhầm cũng không bị hack tài khoản...
Về phía GV, trong quá trình DHTT nên tránh áp lực học tập cho HS bằng cách không dùng hình phạt, quát nạt mà thay vào đó là khích lệ, khuyến khích. Mọi hình thức giáo dục hà khắc đều phản tác dụng đối với HS, thậm chí khiến HS không hợp tác học tập, sẵn sàng tắt camera, mic, tìm các trò chơi khác, xem tik tok, youtube…
Đối với HS tiểu học, thời lượng học tập ra sao cho hợp lý cũng cần được GV tính đến. Theo thực tế cho thấy, DHTT từ 10-15 phút thì HS có thể tập trung cao; 25 phút độ tập trung giảm xuống. Vì vậy, nếu tiết học diễn ra trong 30p thì nên có hoạt động giải lao, tương tác sau đó tiếp tục quay trở lại.
Không trừ trường hợp, thầy cô cũng có thể dùng thủ thuật giải vờ “thoát” khỏi room sau đó đăng nhập, điểm danh lại thì sẽ lôi kéo sự tập trung chú ý của HS nhiều hơn.
Phát huy sáng tạo, linh hoạt từ giáo viên
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng – Phó tổng Chủ biên CTGDPT 2018; Tổng chủ biên kiêm chủ biên bộ sách Tiếng Việt 1 “Kết nối tri thức với cuộc sống” chia sẻ:
DHTT nói chung có những mặt ưu và hạn chế, đặc biệt với lớp 1 thì đây là phương án bất đắc dĩ bởi đặc thù tâm lý, lứa tuổi, đòi hỏi sự sự tương tác cao trong quá trình dạy học. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch giã thì “học còn hơn không”. Tuy nhiên, để DHTT đạt hiệu quả ít nhiều thì GV cần lưu ý một số vấn đề về kĩ thuật chung.
Trước hết, cần tiết chế làm sao để HS không ngồi học trước màn hình quá lâu, tránh ảnh hưởng tới mắt, sức khỏe tâm lý...
Ở môn Tiếng Việt, hoạt động chủ yếu là luyện viết, luyện đọc. Dù DHTT ảnh hưởng nhiều nhưng có thể khắc phục được nhờ công nghệ và có sự phối hợp với phụ huynh (PH). GV hãy phát huy vài trò của phụ PH, trao đổi, hướng dẫn để PH có thể hỗ trợ thêm cho trẻ trong quá trình DHTT.
Mặt khác, nên tận dụng các phiên bản điện tử có ứng dụng hỗ trợ HS của các NXB để luyện đọc và viết cho HS ngoài thời gian DHTT với thầy cô.
Đối với GV khi DHTT cần lưu ý: Hãy thay đổi hoạt động bài dạy, không bắt HS ngồi học quá lâu. Cần tăng cường sáng tạo đa dạng, linh hoạt trong DHTT từ các thầy cô để tăng cường sự tương tác trong quá trình dạy học.
Quá trình soạn giáo án DHTT, các nội dung được thiết kế trong SGK, GV có thể lựa chọn, giản lược. Ví như ở SGK Tiếng Việt 1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” thiết kế đọc, viết, nói, nghe trong một bài học nhưng GV có thể giản lược để dạy nội dung cốt lõi, cơ bản;
Chỉ cần tập trung vào đọc viết còn nói và nghe trong quá trình HS nghe giảng, phát biểu cũng là quá trình rèn, luyện. Do đó không cần tổ chức hoạt động nói và nghe theo chủ điểm trong SGK…
Một phần quan trọng trong hoạt động nói đó là rèn luyện cách giao tiếp (xin lỗi, cảm ơn, chào hỏi…) thì có thể tạm lược và để sau khi hết giãn cách HS trở lại học trực tiếp thì GV luyện bù…
PGS.TS Đỗ Tiến Đạt- Chủ biên môn Toán tiểu học bộ SGK “Cánh diều” bày tỏ quan điểm: DHTT cũng là 1 hình thức dạy học vì vậy dù dạy ở cấp bậc nào GV cũng phải tìm ra mục tiêu, đối tượng sau đó kết cấu nội dung, tổ chức tiến trình dạy học và cần sự hỗ trợ của công nghệ.
Cùng đó, lưu ý thêm DHTT đối với HS lớp 1 để đạt hiệu quả phải đảm bảo các yếu tố: DHTT trong điều kiện có thể trực tuyến, nếu chất lượng đường truyền yếu, máy móc kém… sẽ giảm chất lượng.
Mặt khác, DHTT với HS cần căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng. Ví như: HS lớp 1 cả năm học chỉ học 100 số đầu, cộng trừ thành thạo thì GV có thể chia làm 3 chặng: cộng trừ phạm vi 10; cộng trừ tính nhẩm trong phạm vi 20 và các số sau đó
DHTT cần phong phú các hoạt động, tập trung vào những điểm then chốt, cốt lõi nhất. Cần tính đến các nội dung, giá trị cốt lõi trong thời gian dự phòng, xác định trọng tâm, thời lượng hợp lý.
Ví như, trong tiến trình dạy Toán trực tiếp có thể 1 tiết là 35 phút nhưng DHTT chỉ nên tiến hành trong 25 -30 phút. Còn lại 5-10 phút GV giao bài tập cho HS làm và nhờ phụ huynh quay clip, chụp kết quả để sửa và lưu ý HS.
PGS.TS Đỗ Tiến Đạt cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phụ huynh đối với DHTT bởi khi “co lại” về thời lượng, chương trình (vì HS không thể ngồi trước màn hình quá lâu, không học 2 buổi/ngày) nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh thêm tại nhà thì trẻ cũng không thể nắm và vững vàng hết kiến thức.
Trong việc soạn giáo án DHTT, PGS.TS Đỗ Tiến Đạt cho rằng đây là thách thức lớn với GV khi chuyển từ giáo án trực tiếp sang trực tuyến bởi đòi hỏi kĩ thuật cao, sán tạo ứng dụng chuyên môn vào CNTT, biết cách làm powerpoint...
Do đó để thuận tiện và nâng cao chất lượng giáo án DHTT các trường trong 1 cụm, địa bàn có thể liên kết nhau đảm nhiệm. Mỗi trường tập trung xây dựng giáo án 1 chủ đề sau đó cùng trao đổi giảng dạy và góp ý, hoàn thiện…