Bắc Ninh: Thị xã Từ Sơn dạy học trực tuyến cho hơn 30 nghìn học sinh

GD&TĐ - Ngay sau Lễ khai giảng năm học mới, ngành GD&ĐT Từ Sơn (Bắc Ninh) đã triển khai dạy học trực tuyến cho hơn 30 nghìn học sinh trong bối cảnh thị xã thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15...

Học sinh thị xã Từ Sơn triển khai học trực tuyến phòng dịch Covid-19.
Học sinh thị xã Từ Sơn triển khai học trực tuyến phòng dịch Covid-19.

Chủ động trước dịch bệnh

Sau khi ghi nhận những ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn vào ngày 31/8, một số khu dân cư bị cách ly y tế; toàn thị xã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Phòng GD&ĐT thị xã Từ Sơn đã lên kịch bản để đảm bảo việc dạy và học trực tuyến sau khi khai giảng năm học mới.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ ông Nguyễn Văn Dũng – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Từ Sơn cho biết, Phòng đã chủ động tập huấn, hướng dẫn các đơn vị giáo dục (gồm 14 trường THCS và 18 trường Tiểu học) khai thác nhiều phần mềm học trực tuyến như: VNPT-ELearning, ViettelStudy, Zoom Cloud Meetings trên PC, Google meet…

Bên cạnh việc hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện dạy học qua internet, trên truyền hình, Phòng GDĐT đã tổ chức khảo sát, thống kê điều kiện (trực tiếp, trực tuyến) dạy học đối với các trường TH, THCS để lựa chọn và sử dụng hình thức dạy học phù hợp với thực tế.

Đồng thời, Phòng đã yêu cầu các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp thực hiện rà soát, phân loại các điều kiện học tập trực tuyến theo các Phương án:

Nhóm 1: Học sinh có đủ thiết bị để học trực tuyến, luôn có phụ huynh hỗ trợ; giáo viên thành lập nhóm Zalo, Facebook… kết nối, tương tác và hướng dẫn cha mẹ cùng học với con; Sau đó tiến hành dạy học trực tuyến.

Nhóm 2: Học sinh có đủ thiết bị để học trực tuyến nhưng cha mẹ không có thời gian cùng học với con, giáo viên thành lập nhóm cha mẹ qua Zalo, kết nối, tương tác, xây dựng, thiết kế hoặc lựa chọn các video, clip trong kho học liệu, phối hợp với cha mẹ để hướng dẫn học sinh tự học.

Nhóm 3: Nhóm học sinh không thể học trực tuyến: giáo viên lập danh sách; thiết kế nội dung bài học thành các “bước” để giúp cha mẹ hướng dẫn con học; in gửi bài hoặc gặp trực tiếp hướng dẫn học sinh các nội dung học tập; Với các học sinh THCS có thể phối hợp 2-3 học sinh ở gần nhà nhau đến 1 nhà bạn có đủ điều kiện học trực tuyến để cùng học chung…

Triển khai đồng bộ theo từng cấp học

Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Từ Sơn cũng cho biết, toàn bộ kế hoạch, kịch bản được triển khai đồng bộ, chi tiết theo từng cấp học cụ thể ngay sau Lễ khai giảng năm học mới.

Theo đó, đối với Tiểu học, giáo viên thực hiện dạy học trực tuyến với các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh (dạy nội dung bài học theo phân phối chương trình từ tuần 1) theo thời khóa biểu nhà trường xây dựng.

Học sinh học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Học sinh học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Với học sinh lớp 1 và lớp 2: Tổ chức không quá 1 tiết học/ngày, mỗi tiết không quá 30 phút, đầu giờ có phần khởi động, giữa các tiết có thời gian nghỉ giải lao để học sinh hứng thú học tập. Nội dung học tập chủ yếu là các hoạt động làm quen, giao lưu giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh…

Với học sinh lớp 3, 4, 5: Tổ chức không quá 2 tiết học/ngày, mỗi tiết không quá 40 phút, giữa các tiết có thời gian nghỉ giải lao, các hoạt động dạy học củng cố, ôn tập những kiến thức cơ bản đã học theo chủ đề…

Đối với THCS, xây dựng thời khóa biểu: 14/14 trường THCS đã có sự chỉ đạo vận dụng hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của địa phương; giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên các bộ môn hướng dẫn học sinh các khối lớp học theo thời khóa biểu,.

“Việc lựa chọn hình thức dạy học được thực hiện theo điều kiện, hoàn cảnh. Các trường đã vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học khác nhau như: Zalo, Zoom, Google meeting, học trên Website của trường (giáo viên đưa bài lên website, học sinh lấy bài xuống học có điểm danh), giáo viên đưa bài lên địa chỉ email của lớp, Phụ huynh và học sinh lấy bài tập làm và gửi cho giáo viên chấm đánh giá…”, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Từ Sơn thông tin thêm.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT thị xã Từ Sơn, đến ngày 8/9, hơn 30 nghìn học sinh của 2 cấp: Tiểu học và THCS đã tham gia học trực tuyến với ý thức học tập tốt dưới sự giảng dạy, tổ chức, chỉ đạo của giáo viên, nhà trường và Phòng GD&ĐT. Trong đó, cấp Tiểu học là 18.084 em; cấp THCS là 12.410 học sinh.

Còn những khó khăn

Mặc dù việc chuẩn bị kế hoạch, phương án để dạy và học trực tuyến rất chu đáo, nhưng lãnh đạo Phòng GD&ĐT thị xã Từ Sơn thẳng thắn chỉ ra rằng việc dạy học trực tuyến, học qua mạng còn gặp nhiều khó khăn phải khắc phục.

Có thể thấy, trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc dạy học trực tuyến được các nhà trường triển khai để đảm bảo cho học sinh được duy trì học tập, đảm bảo học kiến thức, kỹ năng các bộ môn, nhất là học sinh cuối cấp. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện, khá nhiều giáo viên lúng túng về kỹ thuật thực hiện.

Mặc dù hầu hết học sinh đều khá năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác bài giảng của thầy cô giáo nhưng hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất của gia đình học sinh chi phối nhiều đến hoạt động học trực tuyến. Bởi lẽ, không phải gia đình nào cũng trang bị được mạng, máy tính, điện thoại thông minh để cho con em mình học tập.

Hơn nữa, do đặc thù của học trực tuyến nên việc quản lý nền nếp, ý thức học tập của học sinh không được trực tiếp nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Một số em chưa quen với việc thay đổi cách học nên chưa biết cách tổng hợp, ghi chép kiến thức bài học hiệu quả, dẫn tới việc ôn bài gặp khó khăn.

Khi dạy và học thì sự tương tác giữa giáo viên và học sinh là yếu tố rất quan trọng. Nếu ở bài giảng trên lớp, sự tương tác phát huy hiệu quả thì học trực tuyến, giáo viên chủ yếu là thực hiện bài giảng một chiều, học sinh tiếp nhận qua các phương tiện, sự tương tác cần thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập sau đó chứ không trực tiếp. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng.

Bên cạnh những khó khăn về phương tiện phục vụ cho học trực tuyến, nhiều phụ huynh không có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để trợ giúp cho con em mình; vẫn phải đi làm hằng ngày, không có thời gian để tổ chức, quản lý việc học của các em ở nhà…

Một số phụ huynh không dám giao máy tính, điện thoại cho con hoặc chưa quan tâm đến việc học tập của con, chưa có tinh thần hợp tác với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.