Hà Tĩnh sẽ linh hoạt triển khai dạy học trực tuyến

GD&TĐ - “Việc tổ chức dạy online đối với 2 bậc mầm non, tiểu học tại Hà Tĩnh sẽ tạm thời lùi lại trước tình hình dịch bệnh. Đối với bậc THCS, THPT sẽ phân nhóm để có giải pháp tổ chức dạy học phù hợp”.

Trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) hội nghị trực tuyến về công tác dạy học năm học mới 2021-2022.
Trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) hội nghị trực tuyến về công tác dạy học năm học mới 2021-2022.

Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết như trên.

Đảm bảo các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến

Theo kế hoạch ngay sau lễ khai giảng tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho 2 cấp THCS và THPT theo hai khung giờ khác nhau. Đối với cấp THCS: từ 7h đến 11h hàng ngày và  cấp THPT: từ 14h đến 17h.

Tuy nhiên, xung quanh việc dạy học trực tuyến cũng đang có những băn khoăn, đặc biệt khi hiện nay điều kiện dạy học của các nhà trường và của nhiều phụ huynh ở các vùng miền cũng có sự khác biệt.

Qua trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó đốc Sở GD&ĐT nhìn nhận còn nhiều khó khăn trong dạy học trực tuyến: Một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay là phương tiện, thiết bị. Hiện nay, với các huyện miền xuôi qua năm học vừa rồi đã vừa hoàn thiện, vừa bổ sung và hiện đã có khoảng 90% học sinh có thể học trực tuyến. Riêng các huyện miền núi, ước tính có thể có 60% học sinh theo học.

Hà Tĩnh sẽ tổ chức dạy học trực tuyến đối với THCS và THPT.
Hà Tĩnh sẽ tổ chức dạy học trực tuyến đối với THCS và THPT.

Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Việc dạy học trực tuyến cho học sinh từ khối lớp 6 đến lớp 12 là phương án tối ưu nhất hiện nay và trước đó Sở cũng đã tổ chức từ năm học trước. Để chuẩn bị cho việc triển khai trên toàn tỉnh, trong hơn 1 tuần qua Sở đã làm việc với các nhà mạng để hoàn thiện hệ thống LMS – Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh và điều này sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo dục Hà Tĩnh thực hiện tốt dạy học trực tuyến và đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, để dạy học trực tuyến thì điều quan trọng là phải có máy chủ với băng thông rộng, đảm bảo được đường truyền ổn định. Vì thế, Sở GD&ĐT đã có kế hoạch chia khung giờ học giữa các bậc học để hạn chế nghẽn mạng và đảm bảo đường truyền có chất lượng, độ an toàn trong quá trình giảng dạy, học tập.

Tinh giản bộ môn, đề cao tự học

Trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Quốc Anh cũng cho biết: So với dạy học trực tiếp thì việc dạy học trực tuyến chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn và thực tế chỉ hỗ trợ các thầy, cô giáo và nhà trường trong hoàn cảnh chống dịch với những kiến thức ở phần tinh giản và những phần học sinh tự học có sự hướng dẫn của giáo viên.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT cũng nói rõ: Để triển khai dạy học hiệu quả, hiện Ngành giáo dục cũng đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo yêu cầu các nhà trường phải nắm bắt tình hình, đặc điểm hoàn cảnh của học sinh và của gia đình các cháu để có phương án hỗ trợ.

Trao đổi về điều này, lãnh đạo Ngành giáo dục cũng nói thêm: Trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, nhà trường nắm rõ hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, từ đó phân thành 3 nhóm để có giải pháp tổ chức dạy học phù hợp, đạt hiệu quả; đảm bảo không để bất kỳ học sinh nào không được học tập.

Các trường học đã lên kế hoạch sẵn, chỉ tiết về dạy học trực tuyến, trong đó tinh giản các bộ môn phụ.
Các trường học đã lên kế hoạch sẵn, chỉ tiết về dạy học trực tuyến, trong đó tinh giản các bộ môn phụ.

Cụ thể, nhóm 1 có phương tiện học tập, các trường học chủ động xác định các môn học, nội dung dạy học trực tuyến phù hợp; hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập. Thời lượng mỗi tiết dạy học khoảng 40 - 45 phút; mỗi buổi dạy không quá 4 tiết. Thời gian học được thực hiện hằng ngày (từ thứ 2 đến thứ 7), trong đó, cấp THPT học từ 7 giờ đến 11 giờ; cấp THCS học từ 14 giờ đến 17 giờ hằng ngày.

Nhóm 2: Đối với học sinh không thể học được trực tuyến nhưng phụ huynh kèm cặp được, hiệu trưởng các trường chỉ đạo giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm chuyển giao nhiệm vụ học tập cho các em thông qua tin nhắn SMS, Vnedu, qua Zalo, Facebook hoặc gửi tài liệu đến các em học sinh.

Nhóm 3: Học sinh không học được trực tuyến và phụ huynh không kèm cặp được, nhà trường sẽ tham mưu với chính quyền địa phương để huy động sự giúp đỡ của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, ban công tác mặt trận thôn... và phân công giáo viên kèm cặp; phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến” để giúp đỡ các em học tập.

Sau khi học sinh trở lại học trực tiếp, nhà trường sẽ tổ chức đánh giá chất lượng học sinh, bổ sung, ôn tập kiến thức cho các em chưa đạt yêu cầu, nhất là các em thuộc nhóm 2, nhóm 3.

Sở GD&ĐT cũng giao hiệu trưởng các trường hướng dẫn và hỗ trợ giáo viên xây dựng, phát triển kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử; xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học trực tuyến, tổ chức dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy học trực tuyến; tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.