Đây là vấn đề được nhiều nhà trường và thầy cô được phân công dạy lớp 6 trong năm học tới quan tâm.
Có thể cơ cấu 2 đầu điểm
Liên quan đến băn khoăn của giáo viên: Theo công văn 2613, môn Lịch sử và Địa lý kiểm tra thường xuyên thì theo từng phân môn; còn kiểm tra định kì chung 2 phân môn. Vậy tỉ lệ câu hỏi, điểm cho từng phân môn như thế nào? Giáo viên chấm và lấy điểm ra sao (đối với trường chưa có giáo viên dạy tích hợp mà 2 giáo viên Lịch sử và Địa lý riêng?
Trả lời câu hỏi này, PGS. TS Trần Xuân Bách cho biết: Ở cấp THCS, Lịch sử và Địa lí là một môn học, giống như các môn học bình thường khác, nên các cột điểm định kì sẽ là điểm của môn chứ không phải là phân môn.
Đối với điểm thường xuyên, môn Lịch sử và Địa lí tổng số tiết là 105 tiết (như vậy lớn hơn 70 tiết/năm học theo Thông tư 26) nên một học kì có 4 điểm thường xuyên. Như vậy, có thể cơ cấu 2 đầu điểm cho phân môn Địa lí và 2 đầu điểm cho phân môn Lịch sử.
Đối với đánh giá định kì, môn học này mỗi kì có 1 bài giữa kì, một bài cuối kì, thời gian có thể từ 45-90 phút (chọn bao nhiêu phút có thể do hiệu trưởng quyết định). Với mỗi bài hiện có hai phương án như sau:
Phương án ra chung 1 đề kiểm tra. Với phương án này, tỉ lệ có thể do nhà trường xác định và tùy theo cách phân bổ số tiết cho học kì đó. Ví dụ học kì 1 - 2 tiết Lịch sử, 1 tiết Địa lý - thì tỉ lệ điểm có thể là 70% Sử, 30% Địa. Học kì 2 ngược lại.
Phương án 2, hai phân môn ra 2 đề riêng, điểm cộng lại chia đôi hoặc chia theo tỉ lệ như trên. Tuy nhiên phương án 1 được đồng ý nhiều hơn.
“Bên cạnh chương trình, thầy cô cần quan tâm cập nhật các quy định mới về đánh giá của Bộ GD&ĐT” - PGS.TS Trần Xuân Bách lưu ý.
Xây dựng tiêu chí đánh giá phù hợp
Với môn Khoa học tự nhiên, theo PGS.TS Trần Xuân Bách, chương trình có tổng số tiết 140 tiết/1 năm, trong đó có 10% tương ứng 14 tiết dành cho ôn tập, kiểm tra đánh giá. Ở mỗi học kỳ sẽ có 2 tiết ôn giữa kỳ, 1 tiết thi giữa kỳ, 2 tiết ôn cuối kỳ và 2 tiết thi cuối kỳ. Hoặc có thể tổ chức ôn tập sau mỗi chủ đề, miễn sao số tiết ôn tập và kiểm tra đánh giá là 14 tiết/ 1 năm
Với hoạt động thực hành và trải nghiệm có sử dụng dạy học dự án và đánh giá theo dạy học dự án. Đối với học sinh lớp 6 mới tiếp cận với loại hình này nên có thể khó khăn cho học sinh và giáo viên khi đưa ra bảng tiêu chí đánh giá và các mức độ. Nhiều thầy cô mong muốn được hướng dẫn về số lượng tiêu chí khi đánh giá (giáo viên đánh giá học sinh, các nhóm học sinh đánh giá lẫn nhau, học sinh đánh giá cá nhân).
Liên quan đến nội dung này, PGS. TS Trần Xuân Bách cho rằng, khi đánh giá mà sử dụng phương pháp đánh giá là sản phẩm dự án, giáo viên sẽ xây dựng các tiêu chí đánh giá sản phẩm đó phù hợp với yêu cầu sản phẩm khi giao cho học sinh. Về năng lực đánh giá và xây dựng công cụ đánh giá thì giáo viên đã được tập huấn trong mô đun 3.
Tuy nhiên PGS. TS Trần Xuân Bách cũng lưu ý: Không có yêu cầu cụ thể về số lượng tiêu chí đánh giá; tùy vào sản phẩm và yêu cầu khi giáo viên giao cho học sinh mà giáo viên sẽ xây dựng công cụ và tiêu chí đánh giá phù hợp.
Do đó không có khuôn mẫu, mà giáo viên sẽ dựa vào: Yêu cầu sản phẩm khi học sinh thực hiện; Đặc điểm học sinh (khả năng, năng lực, đặc điểm tâm lý); Mục tiêu khi đánh giá để xây dựng các tiêu chí và mức độ đánh giá cho phù hợp.