Giao lưu trực tuyến “Dịch Covid-19 bùng phát: Sẻ chia cùng thầy trò”

Giao lưu trực tuyến “Dịch Covid-19 bùng phát: Sẻ chia cùng thầy trò” sẽ diễn ra trên Báo Giáo dục & Thời đại điện tử từ 14h30-16h00, thứ sáu ngày 13/8/2021.

Giao lưu trực tuyến “Dịch Covid-19 bùng phát: Sẻ chia cùng thầy trò”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam;

PGS. TS Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM;

Sinh viên Lê Huỳnh Tâm, khoa Y học cổ truyền, Trường ĐH Y dược TPHCM.

Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến mọi kế hoạch giảng dạy, học tập của giảng viên, sinh viên các trường ĐH-CĐ cả nước bị đảo lộn khi buộc phải thực hiện giãn cách xã hội dài ngày.

Khi hàng chục tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều sinh viên vì hoàn cảnh, khó khăn riêng đã ‘mắc kẹt” không thể về quê đối mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn của sinh viên, Công đoàn ngành cùng Ban giám hiệu các trường ĐH-CĐ, giảng viên đã chung vai cùng sinh viên vượt khó giữa đại dịch.

Các hoạt động hỗ trợ cộng đồng chung tay chống dịch, giúp nhau vượt khó giữa tâm dịch, được thầy cô giáo, đội ngũ sinh viên tình nguyện triển khai thường xuyên và liên tục. Qua đó, không chỉ tiếp thêm ngọn lửa yêu thương, mà còn giúp lan tỏa mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái của dân tộc.

Những hoạt động thiết thực ấy đã mang đến cho những người yếm thế, những thầy cô giáo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn giữa đại dịch Covid-19 niềm tin lớn vào các chính an sinh xã hội của Đảng và Chính phủ.

Để hiểu hơn về các hoạt động sẻ chia, dự án hỗ trợ cộng đồng, giảng viên, sinh viên mà các trường ĐH-CĐ, đội ngũ tình nguyện viên ngày đêm lặng lẽ âm thầm triển khai, các khách mời đến từ Công đoàn ngành Giáo dục, đại diện các trường đại học, lực lượng sinh viên tình nguyện tham gia giao lưu sẽ chia sẻ những câu chuyện ấm áp tình đồng bào đến độc giả.

Độc giả có thể gửi câu hỏi tới các khách mời tại đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook: www.fb.com/giaoducthoidai.

Giao lưu trực tuyến “Dịch Covid-19 bùng phát: Sẻ chia cùng thầy trò” ảnh 1
SV Lê Huỳnh Tâm

SV Lê Huỳnh Tâm

Khoa Y học cổ truyền, Trường ĐH Y dược TPHCM

Ông Nguyễn Ngọc Ân

Ông Nguyễn Ngọc Ân

Phó chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam

PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM

Bạn đọc

Bạn Binhminhtran@...:

Thầy có thể cho biết kế hoạch học tập và tập trung cho năm học mới của nhà trường dự kiến ra sao? Hiện dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nếu phải học online, sinh viên có được hưởng chính sách hỗ trợ gì từ trường không ạ?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Việc giảng dạy trong năm học 2021 – 2022 của Nhà trường sẽ diễn ra bình thường theo kế hoạch đã thông báo trước. Theo đó, vào cuối tháng 8 này sinh viên sẽ bước vào năm học mới. Hiện nay, Nhà trường vẫn triển khai giảng dạy theo phương thức trực tuyến, qua phần mềm Zoom bản quyền và qua khai thác kho dữ liệu Elearning của Nhà trường. Giảng viên của Nhà trường cũng đã hoàn toàn thích nghi với phương thức dạy trực tuyến (online)  trong thời gian triển khai khá dài vừa qua và ngày càng có được những bài giảng chất lượng hơn thông qua phương thức online.

Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường hỗ trợ cung cấp các học liệu online đến tận nhà cho sinh viên, tổ chức các chương trình chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp học online hiệu quả, Nhà trường cũng sẽ tiếp tục xem xét thêm các phương án để hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên trong khả năng cân đối được của Nhà trường.

Bạn đọc

Bạn Bình Minh - TP.HCM:

Là người dân thành phố Hồ Chí Minh, tôi rất trân trọng sự tình nguyện và hỗ trợ của đội ngũ sinh viên, giảng viên tình nguyện đã lao vào tâm dịch bằng nhiều hoạt động thiết thực. Ở góc độ quản lý, thầy có thể chia sẻ những tâm tư, mong mỏi của mình với sinh viên, giảng viên và những hoàn cảnh khó khăn do Covid-19?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Tôi mong là dịch bệnh sớm được kiểm soát để các hoạt động của đời sống xã hội, các hoạt động sản xuất được khôi phục. Để dịch bệnh sớm được kiểm soát thì bên cạnh các giải pháp mạnh đang được Thành phố áp dụng cũng rất mong toàn bộ nhân dân Thành phố chung tay thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, duy trì 5K và tiêm vaccine để tạo ra các vùng xanh an toàn phòng chống dịch bệnh.

 

Bạn đọc

Bạn Ngobaominh@...:

Do dịch bệnh, người lao động mất việc rất nhiều, nỗi lo việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên là rất lớn. Thầy có thể cho biết nhà trường có giải pháp, chương trình gì nhằm hỗ trợ, giải tỏa lo lắng cho sinh viên không?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Nhà trường luôn tăng cường các chương trình kết nối với doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng để kết nối, giới thiệu việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Vừa qua, Nhà trường cũng tổ chức chương trình tư vấn “Sinh viên và việc làm thời Covid-19” để giải tỏa các nỗi lo về việc làm cho các em. Hiện nay, Nhà trường thường xuyên cập nhật, giới thiệu các thông tin tuyển dụng trên cổng thông tin việc làm tại địa chỉ www.tuyendung.hcmulaw.edu.vn và trên fanpage Cổng thông tin việc làm – Trường Đại học Luật TPHCM để các em sinh viên theo dõi và tìm kiếm việc làm phù hợp.

Hiện nay, Nhà trường đang xây dựng App Ulaw Alumni – là nền tảng kết nối trực tuyến giúp cựu sinh viên, sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM nâng cao hiệu quả tương tác với các cá nhân và tổ chức. Điểm đặc biệt của nền tảng này là kết nối trực tiếp với nền tảng của Talent link - một nền tảng công nghệ kết nối doanh nghiệp, với 800.000 doanh nghiệp hơn 400 hội, hiệp hội hiện có sẽ giúp sinh viên có thêm nhiều cơ hội việc làm và kết nối với nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, sinh viên có thể tranh thủ thời gian đang thực hiện giãn cách có thể tham gia các khóa chuyên đề do Trung tâm Đào tạo ngắn hạn của Trường tổ chức để có thể tích lũy thêm các kiến thức chuyên sâu phục vụ hiệu quả hơn cho công việc của mình.

Bạn đọc

Bạn Maithuha@...:

Năm học mới sắp đến gần với dự báo ngành GD sẽ gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Công đoàn Giáo dục Việt Nam có kế hoạch gì để triển khai các hoạt động hỗ trợ, chia sẻ cùng thầy trò vùng dịch?
Ông Nguyễn Ngọc Ân

Ông Nguyễn Ngọc Ân

Công đoàn Giáo dục Việt Nam dự kiến sẽ phối hợp với kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7 tổ chức cầu truyền hình: “Con đường đến trường” trong thời gian các trường học tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022. Hy vọng đây sẽ là hoạt động mở đầu cho một năm học mới, năm học đặc biệt mà bóng dáng của dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu.

Các nhà trường, các thầy cô và học sinh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Sự vào cuộc động viên, truyền năng lượng, truyền cảm hứng sẽ là một phần không thể thiếu của Công đoàn Giáo dục Việt Nam bên cạnh những sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần và năng lực nghề nghiệp để các thầy cô vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và giảng dạy của mình.

Bạn đọc

Bạn Phimanhcuong@...:

Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trao số tiền 4,5 tỷ đồng ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng Covid-19. Đây là kết quả đợt 1, cuộc vận động toàn ngành GD-ĐT cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh. Ông đánh giá thế nào về cuộc vận động này? Các cuộc vận động có tiếp tục được triển khai không, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Ân

Ông Nguyễn Ngọc Ân

Giao lưu trực tuyến “Dịch Covid-19 bùng phát: Sẻ chia cùng thầy trò” ảnh 15

 

Đến nay, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chuyển toàn bộ số tiền do nhà giáo, người lao động gửi về tài khoản Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ quỹ vacxin phòng chống Covid -19 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài kênh gửi về Công đoàn Giáo dục Việt Nam này, Công đoàn các trường học đã chủ động đóng góp quỹ tại địa phương với những khoản kinh phí rất lớn. tiêu biểu như Công đoàn các trường: trường Đại học Giao thông vận tải, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thái Nguyên, Đại học Quốc gia Hà Nội…

Cùng với đó, từng cán bộ nhà giáo, người lao động đã tự giác nhắn tin ủng hộ quỹ theo lời kêu gọi của Chính phủ một cách tự giác và trách nhiệm.

Bạn đọc

Bạn Vân Hà – Hà Nội:

Trong đại dịch Covid-19, ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có giáo viên mầm non ngoài công lập. Ngành giáo dục đã có kế hoạch gì để hỗ trợ đối tượng này?
Ông Nguyễn Ngọc Ân

Ông Nguyễn Ngọc Ân

Chương trình “Chuyến xe yêu thương” của ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông hỗ trợ TP Hồ Chí Minh
Chương trình “Chuyến xe yêu thương” của ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông hỗ trợ TP Hồ Chí Minh

 

Với các trường trực thuộc trực tiếp Công đoàn Giáo dục Việt Nam quản lý, trước mắt chúng tôi đã hỗ trợ từ quỹ Xã hội cho các cô giáo có hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn Giáo dục Việt Nam  cũng đang vận dụng nghiêm túc các hướng dẫn của Tổng Liên đoàn hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho các cô giáo và nhà trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức chương trình tư vấn, giúp đỡ giáo viên vượt qua đại dịch, trong đó có giáo viên mầm non. Thông qua hình thức livestream trực tiếp, các tư vấn viên sẽ hỗ trợ giáo viên ổn định tâm lý, tư vấn giải pháp vượt qua khó khăn về đời sống và công việc, tư vấn hỗ trợ việc làm giải quyết khó khăn trước mắt cho họ.

Về lâu dài, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục tham gia xây dựng, phản biện các chế độ chính sách liên quan đến đời sống việc làm của nhà giáo, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có giải pháp căn cơ lâu dài giúp đỡ giáo viên.

Bạn đọc

Bạn Gia Hưng, Hưng Yên:

Bạn nghĩ gì khi đăng ký tham gia đội hình tình nguyện viên chống dịch?
SV Lê Huỳnh Tâm

SV Lê Huỳnh Tâm

Các sinh viên tình nguyện Trường ĐH Y Dược TP.HCM tham gia lấy mẫu xét nghiệm truy vết phòng chống dịch Covid-19 tại các ổ dịch ở TP.HCM (Ảnh: NVCC)
Các sinh viên tình nguyện Trường ĐH Y Dược TP.HCM tham gia lấy mẫu xét nghiệm truy vết phòng chống dịch Covid-19 tại các ổ dịch ở TP.HCM (Ảnh: NVCC)

Em nghĩ ở đây là trách nhiệm của một sinh viên khối ngành về sức khỏe. Khi cả thành phố đang gặp phải đợt bùng dịch lần này, tất cả các sinh viên y dược bao gồm ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… đều đăng ký tham gia với mong muốn góp sức trẻ và trách nhiệm của mình hỗ trợ các anh chị bác sĩ tuyến đấu, để nhanh chóng đẩy lùi cơn dịch lần này, trả lại sự sống nhộn nhịp tiếng cười của thành phố.  

Bạn đọc

Bạn Thuỳ Linh – Vũng Tàu:

Để giúp sinh viên, giảng viên ổn định tâm lý khi bước vào năm học mới, thầy có thể chia sẻ đôi chút về giải pháp triển khai kế hoạch học tập trong năm học mới của nhà trường?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Nhà trường đã thông báo kế hoạch và lịch giảng dạy của học kỳ I, năm học 2021 – 2022, trong thời gian tới sinh viên vẫn yên tâm tham gia học online và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid- 19 tại TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước.

Nhà trường cũng đã xây dựng nhiều phương án tổ chức thi, đánh giá học kỳ. Tùy vào diễn biến của dịch bệnh, chúng tôi sẽ chọn một phương án phù hợp và thông báo sớm cho sinh viên được biết để thực hiện. Quan điểm của lãnh đạo Nhà trường là dù tổ chức đánh giá bằng cách thức nào thì cũng phải đảm bảo chất lượng, sự nghiêm túc, thực chất và tránh gian lận trong thi cử.

Trong quá trình học tập, sinh viên nếu khó khăn hoặc có vướng mắc gì cần liên hệ trực tiếp với giảng viên, cố vấn học tập hay các phòng, trung tâm chức năng của Nhà trường để được giải đáp, hỗ trợ một cách nhanh chóng và chính thống.

Bạn đọc

Bạn nguyenthaibinh@...:

Với sinh viên, có lẽ việc học tập và thi cử trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là quan trọng nhất. Trong bối cảnh dịch kéo dài, không thể đến giảng đường, việc triển khai hỗ trợ sinh viên thi, làm luận văn, đồ án tốt nghiệp thời gian qua được trường thực hiện thế nào, thưa thầy?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Đối với các sinh viên năm cuối, chúng tôi đã sớm tổ chức cho các em kết thúc chương trình thực tập và tổ chức bảo vệ khóa luận online cho các sinh viên làm khóa luận. Về cơ bản các em đã hoàn thành chương trình đào tạo của mình, hiện nay các phòng, khoa đang hoàn thiện công tác cho điểm, đánh giá và xét tốt nghiệp để sớm công nhận tốt nghiệp cấp bằng cho sinh viên.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Khánh:

Hiện nay một số KTX có sinh viên kẹt lại. Tình trạng sinh viên KTX bị nhiễm Covid-19 cũng đã diễn ra. KTX trường ĐH Y Dược TPHCM và các bạn sinh viên đang phòng dịch như thế nào?
SV Lê Huỳnh Tâm

SV Lê Huỳnh Tâm

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, Nhà trường đã tiến hành vệ sinh, phun khử khuẩn thường xuyên trong khuôn viên KTX, lắp đặt các kệ đặt dung dịch sát khuẩn, cồn tại những điểm cần thiết để rửa tay, sát khuẩn.

Ban hành các quy định về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như lên lịch ra khỏi phòng lấy cơm, đổ rác, vệ sinh… một cách cụ thể để tránh tập trung quá đông người cùng một thời điểm.

ThS Trương Văn Đạt – Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Y Dược TP.HCM trao hơn 500 phần quà gồm các nhu yếu phẩm giúp cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở ký túc xá, khu nhà trọ, khu cách ly... Tổng kinh phí: hơn 250 triệu đồng.

ThS Trương Văn Đạt – Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Y Dược TP.HCM trao hơn 500 phần quà gồm các nhu yếu phẩm giúp cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở ký túc xá, khu nhà trọ, khu cách ly... Tổng kinh phí: hơn 250 triệu đồng.

KTX tiến hành phục vụ sinh viên ăn uống tại chỗ, thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu “ai ở đâu, ở yên đấy”.

Nhà trường cũng đã tổ chức tiêm vắc xin Covid – 19 (mũi 1) cho toàn bộ SV đang ở KTX và đang lập danh sách để đề xuất tiêm mũi 2; lấy mẫu test Covid – 19 định kỳ và test đột xuất cho những SV có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao.

Những SV là tình nguyện viên đang hỗ trợ phòng chống dịch sẽ được ở 1 khu riêng, tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch và kiểm soát chặt chẽ thời gian ra vào KTX.

KTX tách SV có nguy cơ cao ra ở riêng tại phòng cách ly để tránh tình trạng lây nhiễm chéo. Tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống địch bệnh do Bộ Y tế ban hành, đặc biệt là thông điệp “5K”.

Bạn đọc

Bạn Thaithutrang@...:

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có biện pháp gì để những hỗ trợ của Chính phủ có thể đến được tận tay người lao động là những cán bộ, nhà giáo?
Ông Nguyễn Ngọc Ân

Ông Nguyễn Ngọc Ân

Các hoạt động hỗ trợ nhà giáo, người lao động của Công đoàn Giáo dục các cấp
Các hoạt động hỗ trợ nhà giáo, người lao động của Công đoàn Giáo dục các cấp

 

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện việc giám sát địa phương đơn vị triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ sao cho đúng đối tượng, đến được với các thầy cô đang khó khăn do bị chấm dứt hợp đồng lao động, bị tạm hoãn hợp đồng lao động..., các thầy cô không có thu nhập. Đặc biệt, theo Nghị quyết 68 lần này, gói hỗ trợ sẽ được triển khai tới người sử dụng lao động là các cán bộ quản lý các trường học bị tạm đóng cửa, bị giải thể do dịch covid.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng theo dõi việc triển khai Nghị quyết 68 và sẽ có những can thiệp kịp thời với các cấp có thẩm quyền để có thể mang lại quyền lợi tốt nhất cho cán bộ nhà giáo, người lao động đang công tác trong ngành giáo dục.

Bạn đọc

Bạn Dangvietanh@...:

Chào thầy, em là sinh viên năm 2 Khoa Luật dân sự của Trường. Hiện gia đình em đang rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn khi cả bố mẹ đều mất việc. Xin thầy cho biết, em có thể xin học bổng trợ cấp khó khăn đột xuất được không, em cảm ơn.
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Chào em. Tôi hết sức chia sẻ với khó khăn của gia đình em cũng như gia đình của nhiều sinh viên nhà trường. Lãnh đạo Nhà trường đã giao cho Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên của Nhà trường là đầu mối tiếp nhận, rà soát, thẩm định từng hoàn cảnh khó khăn cụ thể của sinh viên để trình Hiệu trưởng xem xét quyết định các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Quan điểm của lãnh đạo Nhà trường là “không ai bị bỏ lại phía sau” vì dịch bệnh Covid 19. Do đó, em liên hệ Trung tâm hỗ trợ sinh viên qua email: hotrosinhvien@hcmulaw.edu.vn hoặc số tổng đài 1900588814 để được xem xét hỗ trợ nhé.

Bạn đọc

Bạn Maithuyanh@....:

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nguồn lực của thành phố còn nhiều hạn hẹp, việc xã hội và các nhà trường chung tay ủng hộ, góp sức, tiếp thêm nguồn lực có vai trò rất quan trọng. Thầy có thể cho biết, nhà trường thời gian qua đã triển khai các hoạt động hỗ trợ gì với người dân và cộng đồng GV-SV trong tâm dịch?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Trường ĐH Luật TPHCM chuẩn bị nhu yếu phẩm hỗ trợ SV, người dân trong tâm dịch
Trường ĐH Luật TPHCM chuẩn bị nhu yếu phẩm hỗ trợ SV, người dân trong tâm dịch

 

Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động như vận động cán bộ giảng viên và người học tham gia nhắn tin, đóng góp cho quỹ vaccine với số tiền hàng trăm triệu đồng, lãnh đạo Nhà trường tham gia Tổ tư vấn chính sách của Thành phố để có những đóng góp trực tiếp vào công tác phòng chống dịch bệnh tại TP. Bên cạnh đó, Nhà trường chủ động triển khai chương trình “San sẻ yêu thương – Vượt qua Covid 19” để hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên, đặc biệt là sinh viên của Nhà trường tại các khu nhà trọ, khu cách ly, phong tỏa nhằm giảm áp lực cho các địa phương.

Lãnh đạo Nhà trường đã giao Đoàn, Hội sinh viên thành lập 3 đội sinh viên xung kích tham gia hỗ trợ các Quận Phú Nhuận, Quận 4 và TP. Thủ Đức với số lượng gần 100 sinh viên, các sinh viên này tham gia hỗ trợ công tác nhập liệu, hướng dẫn công tác tiêm ngừa và các hoạt động khác tại các địa phương.

Bên cạnh đó nhiều thầy, cô giáo của Nhà trường tham gia rất tích cực công tác xã hội như đứng ra vận động đóng góp các nhu yếu phẩm cho y bác sĩ, bệnh nhân tại các bệnh viện và trang thiết bị, máy thở oxy tại các bệnh viện dã chiến,…

Bạn đọc

Bạn Maithuoanh@...:

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào những tháng đầu năm 2021, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Công đoàn ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp với Sở GD&ĐT kêu gọi đoàn viên công đoàn trong ngành có những việc làm thiết thực chung tay cùng với các ngành, các cấp trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những việc làm này?
Ông Nguyễn Ngọc Ân

Ông Nguyễn Ngọc Ân

Đây là việc làm thể hiện vai trò của tổ chức công đoàn chăm lo cho đội ngũ đoàn viên trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sự vào cuộc của chuyên môn cùng với các cuộc vận động của công đoàn là hết sức cần thiết bởi vì đoàn viên sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm cá nhân với đồng nghiệp với xã hội, việc làm của họ được ghi nhận, tôn vinh và có tác động tốt tới mọi lực lượng xã hội, có ý nghĩa giáo dục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của một nhà giáo – một đoàn viên công đoàn.

Bạn đọc

Bạn Thùy Chi, Sài Gòn:

Tình hình dịch bệnh, giãn cách ảnh hưởng như thế nào đến tiến độ học tập, bảo vệ luận án của sinh viên năm cuối ?
SV Lê Huỳnh Tâm

SV Lê Huỳnh Tâm

Do ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh kéo dài, hầu như tất cả sinh viên không chỉ sinh viên năm cuối chúng em đều ảnh hưởng. Tất cả các lịch thi đều bị dời liên tục và các môn học thực tập lâm sàng đều phải dời qua học online.

Nắm được nhiều vấn đề khó khăn từ sinh viên, Nhà trường cũng như các khoa đã có hướng giải quyết tốt nhất, sắp xếp và tạo điều kiện cho các sinh viên năm cuối có thời gian học tập và bảo vệ luận án.

Bạn đọc

Bạn Lan Anh – Bắc Giang:

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều địa phương, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã kịp thời động viên, hỗ trợ Công đoàn Giáo dục các tỉnh vùng dịch. Sự hỗ trợ này đã giúp đỡ các giáo viên thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Ân

Ông Nguyễn Ngọc Ân

Công đoàn Giáo dục Việt Nam Việt Nam đã thành lập nhóm “Ứng phó với đại dịch Covid-19” trên Zalo bao gồm các cán bộ chủ chốt của cơ quan Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các cán bộ công đoàn các đầu mối vùng cung cấp lương thực thực phẩm, các cán bộ công đoàn đầu mối nơi tiếp nhận. Tất cả đều thông tin kịp thời, nắm bắt tình hình, điều phối công việc, động viên nhau vượt qua mệt mỏi, khó khăn, tính toán các phương án để sự hỗ trợ đến được với nhà giáo, người lao động đang gặp khó khăn một cách kịp thời nhất.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam Việt Nam cũng tổ chức giao lưu trực tuyến với cán bộ công đoàn giáo dục vùng có dịch để động viên, trấn an tinh thần, nắm rõ nhu cầu cần hỗ trợ... Trên cơ sở đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trích quỹ Xã hội để chuyển về các địa phương, đơn vị giải quyết những khó khăn trước mắt mà cán bộ nhà giáo, người lao động đang gặp phải.

Bạn đọc

Bạn Khánh Hà, Lạng Sơn:

Vượt qua những khó khăn cá nhân, lại còn tích cực tình nguyện tham gia phòng chống dịch, bạn có thể chia sẻ bí quyết vững vàng đi qua mùa dịch, lan toả thêm năng lượng tích cực cho mọi người?
SV Lê Huỳnh Tâm

SV Lê Huỳnh Tâm

Bí quyết thì em không có, nhưng em nghĩ có 2 thứ quan trọng nhất là sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần.

Về sức khoẻ thể chất: Em luôn cố gắng tập các bài thể dục ở nhà, đặc biệt với ưu thế là một bác sĩ Y học Cổ truyền nên em đã được học và tập các bài tập dưỡng sinh giúp nâng cao sức khoẻ. Ngoài ra, chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ cũng rất quan trọng nhằm duy trì thể chất thật tốt, giúp phòng ngừa bệnh tật.

Thầy cô và bạn bè luôn động viên, hỗ trợ giúp cho các sinh viên có thêm động lực vượt qua khó khăn và chiến thắng dịch bệnh (Ảnh: NVCC)
Thầy cô và bạn bè luôn động viên, hỗ trợ giúp cho các sinh viên có thêm động lực vượt qua khó khăn và chiến thắng dịch bệnh (Ảnh: NVCC)

Về tinh thần: Luôn giữ tinh thần ở trạng thái tốt nhất, cập nhật các kiến thức khoa học chính xác và hạn chế các nguồn tin tiêu cực. Ngoài ra, em nghĩ mình phải có niềm tin là “không bị bỏ lại phía sau”, vẫn có rất nhiều người luôn bên cạnh và sẵn sàng giúp đỡ. Bản thân em nghĩ mình đã rất may mắn khi được tất cả thầy cô, anh chị y bác sĩ, bạn bè quan tâm và động viên, giúp tinh thần em lạc quan và có niềm tin mình sẽ hồi phục. Em nghĩ tinh thần là quan trọng nhất. Em mong mọi người giữ vững tinh thần và niềm tin là chúng ta sẽ thắng đại dịch lần này.

Bạn đọc

Bạn Hải Hà – Đồng Tháp:

Được biết, hiện nay ngoài việc quan tâm, chăm lo cho sinh viên “mắc kẹt” về đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều trường đại học còn triển khai các hoạt động, dự án hỗ trợ tương tác với sinh viên về sức khỏe tinh thần. Xin thầy cho biết trường mình hiện có các hoạt động trên không?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Có thể nói, Trường ĐH Luật TP. HCM là một trong những trường sớm tổ chức các hoạt động tương tác, hỗ trợ sinh viên về sức khỏe tinh thần. Đối với các sinh viên F0, F1 ngay khi nhận được thông tin của sinh viên thì các bác sĩ của Trạm Y tế đã liên hệ hỏi thăm tình hình sức khỏe, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe, cũng như hỗ trợ một số thuốc cơ bản cho sinh viên.

Bên cạnh, đó Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên đã xây dựng và tổ chức chuỗi Tư vấn tâm lý mùa dịch cho sinh viên với các chủ đề cân bằng cuộc sống và công việc mùa dịch, giải quyết nỗi lo việc làm sau tốt nghiệp, tư vấn chăm sóc sức khỏe và tạo động lực, tâm lý tích cực cho sinh viên trong mùa dịch…

Các hoạt động này được tổ chức thông qua hình thức trực tiếp trên phần mềm Zoom và livestream trên fanpage, youtube của Trường ĐH Luật TP.HCM thu hút hơn hàng ngàn sinh viên theo dõi trực tiếp trong từng chương trình - cho thấy sự quan tâm, chia sẻ của thầy cô với sinh viên là rất đúng lúc và kịp thời. 

Hoạt động Tư vấn tâm lý mùa dịch cho sinh viên của Trường ĐH Luật TPHCM
Hoạt động Tư vấn tâm lý mùa dịch cho sinh viên của Trường ĐH Luật TPHCM 

 

Bạn đọc

Bạn Mai Anh, Hà Nội:

Đến nay sức khỏe của bạn đã hồi phục, vậy dự định tiếp theo của bạn là gì?
SV Lê Huỳnh Tâm

SV Lê Huỳnh Tâm

Hiện sức khỏe SV Lê Huỳnh Tâm cũng đã ổn và hồi phục và sẽ tiếp tục tham gia tình nguyện hỗ trợ bệnh nhân F0 trong thời gian tới (Ảnh:NVCC)
Hiện sức khỏe SV Lê Huỳnh Tâm cũng đã ổn và hồi phục và sẽ tiếp tục tham gia tình nguyện hỗ trợ bệnh nhân F0 trong thời gian tới (Ảnh:NVCC)

Hiện nay sức khỏe em cũng đã ổn và hồi phục. 1-2 tuần nữa em sẽ quay lại tham gia cùng các bạn, lần này em không tham gia công việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng nữa. Em dự định tham gia cùng các bạn chăm sóc và theo dõi các bệnh nhân F0 tại nhà với mong muốn động viên và giúp bệnh nhân sớm hồi phục. Vì bản thân em cùng từng là F0 nên cũng hiểu tâm lý và mong muốn phần nào của các bệnh nhân F0.

Bạn đọc

Bạn Tranthianh(@...:

Thời gian qua, Công đoàn Giáo dục các cấp đã có sự quan tâm động viên, hỗ trợ cán bộ nhà giáo, người lao động đang gặp khó khăn tại các vùng có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp. Ông có thể cho biết những hoạt động cụ thể của các địa phương, đơn vị mang lại hiệu quả cao?
Ông Nguyễn Ngọc Ân

Ông Nguyễn Ngọc Ân

Quan tâm, hỗ trợ, sẻ chia là truyền thống của tổ chức công đoàn trong ngành giáo dục từ lâu. Bất kể khi có tỉnh nào, đơn vị nào gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ thì ngay lập tức sẽ nhận được những lời hỏi thăm động viên, những sự hỗ trợ về tiền và hiện vật kịp thời.

Trong điều kiện kinh phí hoạt động công đoàn gặp nhiều hạn chế, việc các đơn vị gom góp, chắt chiu để có những khoản tiền hỗ trợ đồng nghiệp trong lúc hoạn nạn không chỉ thể hiện ý thức trách nhiệm mà còn mang đến sự động viên to lớn, giúp đồng nghiệp vững vàng đương đầu với khó khăn, ổn định cuộc sống.

Các hoạt động hỗ trợ nhà giáo, người lao động của Công đoàn Giáo dục các cấp
Các hoạt động hỗ trợ nhà giáo, người lao động của Công đoàn Giáo dục các cấp

 

Trong đợt dịch bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 năm 2021 này, Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ gần 400 triệu đồng mua rau xanh. Ví dụ: Công đoàn Giáo dục  Hải Phòng hỗ trợ 50 triệu, Công đoàn Giáo dục Nghệ An hỗ trợ 30 triệu, Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa 30 triệu; Công đoàn Giáo dục Thừa Thiên Huế 20 triệu, Công đoàn Giáo dục Bắc Giang 10 triệu; Công đoàn Giáo dục Hưng Yên 10 triệu; Công đoàn Giáo dục Lâm Đồng 50 tấn rau trị giá 100 triệu đồng, Công đoàn Trường Đại học Đà Lạt 39 triệu đồng và nhiều đơn vị khác như Công đoàn Giáo dục Bình Phước, Công đoàn Giáo dục Đắk Nông đã hỗ trợ trực tiếp nhiều chuyến rau xanh.

Ngoài ra, cán bộ công đoàn giáo dục các địa phương đã đến tận nơi hoặc trích quỹ gửi vào tài khoản kinh phí hỗ trợ hỗ trợ kịp thời cho cán bộ nhà giáo, người lao động bị tử vong vì dịch Covid-19, cán bộ nhà giáo, người lao động  diện F0, F1, cán bộ nhà giáo, người lao động bị cách ly, có hoàn cảnh khó khăn…

Nhiều cán bộ công đoàn không quản nguy hiểm đến tính mạng đã bốc vác, vận chuyển hàng hóa cung cấp đến tận nơi các thầy cô bị cách ly. Chúng tôi cảm phục và tự hào vì đội ngũ cán bộ công đoàn nơi tuyến đầu chống dịch. Họ thực sự truyền cảm hứng cho cán bộ nhà giáo, người lao động chiến thắng trong trận chiến chống dịch đầy gian nan này.

Bạn đọc

Bạn Giang Thanh, Hải Hương:

Được biết, không chỉ gặp những khó khăn bình thường như các sinh viên khác, bạn còn gặp khó khăn đặc biệt hơn- bị nhiễm Covid-19. Tâm trạng của bạn khi biết bị nhiễm ra sao? Trong thời gian điều trị, bạn đã nỗ lực cũng như được thầy cô bạn bè, các y bác sĩ hỗ trợ ra sao để chiến thắng bệnh?
SV Lê Huỳnh Tâm

SV Lê Huỳnh Tâm

SV Lê Huỳnh Tâm - Khoa Y học cổ truyền, Trường ĐH Y dược TPHCM
SV Lê Huỳnh Tâm - Khoa Y học cổ truyền, Trường ĐH Y dược TPHCM

Khi thấy TP.HCM bùng dịch ngày càng căng thẳng, bản thân em và các bạn là sinh viên Y Dược đã đăng ký tham gia làm tình nguyện viên để góp một chút trách nhiệm và sức trẻ trong phòng chống dịch.

Bản thân em khi làm nhiệm vụ đã không may phơi nhiễm với Covid-19. Lúc đầu khi biết bị nhiễm em vô cùng lo lắng, lo cho các bạn trong đồng đội mình không biết có bị nhiễm giống mình không, lo cho sức khỏe bản thân vì không biết sẽ sắp xếp thời gian học và thi cử như thế nào. Bản thân em là sinh viên năm cuối và chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp…

Ngay từ khi mới phát hiện bệnh, trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Củ Chi, bản thân em cũng có một vài kiến thức về Covid nên luôn giữ tinh thần bình tĩnh thư giãn và lạc quan trong các ngày nằm viện điều trị. Ngoài ra, các thầy cô và các anh chị bên Đoàn trường, bác sĩ điều trị và đặc biệt thầy cô Khoa Y học cổ truyền đã luôn động viên, hỗ trợ cung cấp những vật dụng thiết yếu khi em nằm viện (thực phẩm, thuốc, tài liệu học tập, laptop hỗ trợ cho việc thi cử ). Nhờ vậy em giữ vững tinh thần thoải mái tốt nhất để điều trị.

Bạn đọc

Bạn Sơn Nguyên, Phú Thọ:

Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà trường, sự nỗ lực của bản thân sinh viên là rất quan trọng để vượt qua khó khăn trong học tập cũng như đời sống. Bạn có thể chia sẻ về những cách mà số đông sinh viên trường Y khắc phục trong mùa dịch, để giữ được sức khoẻ tinh thần, thể chất và học tập tốt?
SV Lê Huỳnh Tâm

SV Lê Huỳnh Tâm

Hơn 200 sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Y Dược TPHCM được tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ đầu tháng 6/2021 (Ảnh: Nhật Tiên)
Hơn 200 sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Y Dược TPHCM được tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ đầu tháng 6/2021 (Ảnh: Nhật Tiên)

Chúng em luôn cố gắng giữ tinh thần lạc quan, cập nhật các kiến thức từ các trang tin chính thống như HCDC, Bộ Y tế,… để không bị mất tinh thần với các nguồn tin giả trên mạng xã hội.

Tranh thủ các group học tập, các group lớp,… để thường xuyên kết nối với bạn bè và hỏi thăm lẫn nhau.

Cố gắng điện thoại về cho gia đình mỗi ngày để cập nhật tình hình ở nhà và hỗ trợ gia đình các tin tức chính thống.

Bạn đọc

Bạn Trấn Thành, Hà Nam:

Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng như thầy cô đã có những hỗ trợ động viên và giúp đỡ các bạn ra sao trong mùa dịch, nhất là những sinh viên kẹt lại ở KTX?
SV Lê Huỳnh Tâm

SV Lê Huỳnh Tâm

Trong mùa dịch hầu như tất cả sinh viên của các trường Đại học ở lại hoặc bị kẹt ở KTX đều gặp khó khăn nói chung. Sinh viên Trường ĐH Y Dược TPHCM  nói riêng cũng bị ảnh hưởng khi thành phố áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Gian hàng 0 đồng do Phòng Công tác sinh viên, Đoàn Thanh niên và Hội Thầy thuốc của ĐH Y Dược TP.HCM triển khai nhằm giúp cho sinh viên, giảng viên, viên chức nhà trường gặp khó khăn do dịch Covid-19. (Ảnh: NTCC).

Gian hàng 0 đồng do Phòng Công tác sinh viên, Đoàn Thanh niên và Hội Thầy thuốc của ĐH Y Dược TP.HCM triển khai nhằm giúp cho sinh viên, giảng viên, viên chức nhà trường gặp khó khăn do dịch Covid-19. (Ảnh: NTCC).

Biết được khó khăn của sinh viên, nhà trường cùng các thầy cô luôn động viên chúng em giữ vững tinh thần và niềm tin vào công tác phòng chống dịch của thành phố. Ngoài ra trường đã hỗ trợ sinh viên bằng cách tạo điều kiện thuận lợi tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, trao những phần quà cho các bạn sinh viên khó khăn hoặc trong các khu phong toả, khu ký túc xá. Mô hình gian hàng 0 đồng đã hỗ trợ khá nhiều cho các sinh viên gặp khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay.

Đặc biệt các thầy cô cố vấn học tập và quản lý khối thường xuyên thăm hỏi và động viên. Em cảm thấy tự hào khi mình là sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM

Bạn đọc

Bạn Lethuhang@...:

Được biết thời gian vừa qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có những hoạt động ý nghĩa để hỗ trợ các địa phương vùng dịch. Xin ông cho biết về chương trình "Chuyến xe yêu thương" của Công đoàn Giáo dục Việt Nam được thực hiện trong thời gian gần đây?
Ông Nguyễn Ngọc Ân

Ông Nguyễn Ngọc Ân

Chương trình “Chuyến xe yêu thương” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động
Chương trình “Chuyến xe yêu thương” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động

 

Chương trình “Chuyến xe yêu thương” là sáng kiến đặc biệt mùa dịch nằm trong chuỗi hoạt động: “Trường giúp trường, tỉnh giúp tỉnh” mà Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo triển khai trong nhiều năm qua nhằm kết nối, chia sẻ khó khăn trực tiếp giữa các thầy cô, các trường học với nhau.

Xuất phát từ một buổi gặp gỡ trực tuyến giữa cán bộ công đoàn đang trong tâm dịch với các đơn vị chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đầu tháng 7/2021, sáng kiến tổ chức ngay những “Chuyến xe yêu thương” đã giúp hỗ trợ kịp thời cho nhà giáo và người lao động đang thiếu thực phẩm, rau xanh tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang được hơn 100 tấn rau củ quả.

Số thực phẩm này thật quý giá khi nó đang thực sự khan hiếm trong vùng dịch. Đồng thời thể hiện quan điểm: hỗ trợ những thứ cần thiết, tránh hình thức phô trương trong công tác hỗ trợ.

“Chuyến xe yêu thương” của chúng tôi xuất phát từ ngày 30/7 và đến nay vẫn hàng ngày xuất bến từ Lâm Đồng, Đắk Nông chở những niềm hy vọng của nhà giáo cả nước gửi về các thầy cô giáo khó khăn nơi vùng ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.

Bạn đọc

Bạn Minh Hằng – Thái Bình:

Xin ông cho biết, thời gian vừa qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã triển khai, thực hiện những chính sách nào để hỗ trợ cán bộ, giáo viên, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19?
Ông Nguyễn Ngọc Ân

Ông Nguyễn Ngọc Ân

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam

 

Thời gian qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã triển khai, thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ cán bộ nhà giáo, người lao động. Cụ thể là:

+ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

+ Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

+ Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021.

+ Công văn số 2558/LĐTBXH-VP ngày 05/8/2021 cảu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc phối hợp triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ

+ Và gần đây nhất là Quyết định 3022/QĐ-TLĐ ngày 9/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị công đoàn ở các trường học tổ chức giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Tổng Liên đoàn đến cán bộ nhà giáo, người lao động, nhất là các trường học khu vực ngoài công lập.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam nắm tình hình đội ngũ bị ảnh hưởng do dịch thông qua các mẫu báo cáo cập nhật hàng ngày trên Zalo, biểu báo cáo trên Google form. Trên cơ sở đó, ngay lập tức trích quỹ Xã hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ kịp thời cho cán bộ nhà giáo, người lao động bị dịch bệnh và ảnh hưởng bởi dịch bệnh bằng kinh phí và hiện vật.

Cụ thể: Các trường hợp nhà giáo, người lao động diện F0 được hỗ trợ 2 triệu đồng; F1 được hỗ trợ 1 triệu đồng; Công đoàn Giáo dục các tỉnh/ TP bị ảnh hưởng nặng nề được hỗ trợ từ 20 triệu đến 50 triệu đồng; mua và cung cấp thẻ điện thoại kết nối internet phục vụ giáo viên vùng cách ly đang trong quá trình hướng dẫn học sinh ôn thi tốt nghiệp, thi học kỳ....  Hỗ trợ cán bộ nhà giáo, người lao động và sinh viên các trường Y Dược tham gia hỗ trợ vùng dịch với tổng số tiền là 120 triệu đồng.

Bạn đọc

Bạn Tuệ Đăng, Bình Dương:

Những khó khăn mà cá nhân bạn và các sinh viên khác của trường thường gặp phải trong mùa dịch là gì?
SV Lê Huỳnh Tâm

SV Lê Huỳnh Tâm

Bản thân em và các bạn sinh viên khác của trường thường gặp phải khó khăn trong mùa dịch với việc học tập online. Thời gian đầu, chúng em tạm hoãn lại tất cả các lịch thi và đi thực tập lâm sàng; sau đó các thầy cô đã cố gắng tạo điều kiện cho chúng em học và thi online.

Sinh viên Lê Huỳnh Tâm cùng các bạn tình nguyện viên của Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. (Ảnh: NVCC).

Sinh viên Lê Huỳnh Tâm cùng các bạn tình nguyện viên của Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. (Ảnh: NVCC).

 

Ngoài ra còn có một số khó khăn khác như về nhà ở. Sinh viên trường y nhiều bạn tham gia các đội hình tình nguyện phòng chống Covid-19. Thực tế có một số bạn bị chủ nhà trọ đề nghị chuyển chỗ khác vì họ lo sợ các bạn lây nhiễm dịch bệnh khi tham gia công tác tình nguyện…

Bạn đọc

Bạn Vanhado@...:

Tôi là một phụ huynh tại Quảng Ngãi, gia đình tôi thuộc diện khó khăn và bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (nhà có người bị nhiễm). Xin thầy cho biết con tôi đang theo học tại trường có được hưởng các chính sách hỗ trợ gì không?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

SV trường Trường ĐH Luật TPHCM tham gia hỗ trợ phòng chống Covid-19
SV trường Trường ĐH Luật TPHCM tham gia hỗ trợ phòng chống Covid-19

 

Chào quý phụ huynh, việc thực hiện chính sách hỗ trợ sinh viên sẽ căn cứ và khả năng của Nhà trường và tùy vào từng trường hợp cụ thể, tránh cào bằng, ưu tiên hỗ trợ cho các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hơn trước, các sinh viên ít khó khăn sau. Vì vậy, sinh viên thuộc các đối tượng khó khăn như các thông báo của Nhà trường thì sẽ được xem xét hỗ trợ phù hợp.

Lãnh đạo Nhà trường cũng đã giao cho Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên của Nhà trường là đầu mối tiếp nhận, rà soát, thẩm định từng hoàn cảnh khó khăn cụ thể của sinh viên để trình Hiệu trưởng xem xét quyết định chính sách hỗ trợ phù hợp. Vì vậy, quý phụ huynh có thể trao đổi để sinh viên liên hệ Trung tâm hỗ trợ sinh viên qua email: hotrosinhvien@hcmulaw.edu.vn hoặc số tổng đài 1900588814 để được hỗ trợ.

Bạn đọc

Bạn Haquangtoan@...:

Ngoài quỹ học bổng của nhà trường, hiện Trường ĐH Luật TPHCM còn quỹ học bổng nào từ doanh nghiệp, cựu sinh viên không thưa thầy? Để giúp sinh viên vượt khó, các chính sách tín dụng hỗ trợ học tập cho sinh viên hiện đang được triển khai gồm những chính sách gì?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Bên cạnh Quỹ hỗ trợ sinh viên của Nhà trường, hằng năm Ban liên lạc Hội Cựu sinh viên trường và Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên cũng huy động, tìm kiếm thêm được nhiều đóng góp của cựu sinh viên, cũng như từ các doanh nghiệp để trao các học bổng, các hỗ trợ cho sinh viên khó khăn. Hàng năm các suất học bổng được kêu gọi cũng từ 1 đến 2 tỉ đồng.

Bên cạnh, đó trong đợt giãn cách hiện nay, để kịp thời hỗ trợ sinh viên bị kẹt lại tại Thành phố, các Khoa của Nhà trường và các cựu sinh viên, mạnh thường quân cũng đóng góp, tài trợ bằng tiền mặt và hiện vật được gần 1 tỉ đồng. Toàn bộ các phần kêu gọi này đã và sẽ được Nhà trường hỗ trợ toàn bộ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhân đây cũng thay mặt Nhà trường, xin gửi lời cám ơn và tri ân đến tất cả sự chung tay, đồng hành của các thế hệ cán bộ, giảng viên... cựu sinh viên, học viên, các tổ chức, cá nhân để cùng Nhà trường chăm lo hỗ trợ kịp thời cho các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Bạn đọc

Bạn Hà Anh – Cần Thơ:

Khi dịch bệnh kéo dài, các chính sách về miễn giảm học phí, gia tăng học bổng nhằm giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh, sinh viên có ý nghĩa rất thiết thực, thầy có thể chia sẻ các chính sách trên hiện nay của nhà trường.
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Nhà trường tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm học phí đối với các sinh viên thuộc diện chính sách theo quy định của Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Về mức học phí của năm học mới thì thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16/4/2021. Để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh và sinh viên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 và các đợt thiên tai bão lũ ở nhiều địa phương trong thời gian qua, Nhà trường quyết định chưa áp dụng mức thu học phí mới mà vẫn giữ nguyên mức thu học phí của năm học 2020-2021. Sinh viên có thể đóng học phí vào cuối học kỳ, trước khi thi môn đầu tiên 2 tuần.

Đối với các sinh viên khó khăn, bên cạnh việc hỗ trợ sinh hoạt phí là tiền mặt, nhu yếu phẩm như thời gian vừa qua, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, thống kê các trường hợp thực sự khó khăn để hỗ trợ thông qua các suất học bổng như tiếp sức đến trường, thắp sáng ước mơ từ nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên của Nhà trường, cũng như thực hiện các chính sách gia hạn, giãn thời gian đóng học phí cho sinh viên.

Bên cạnh đó, vì là trường tự chủ tài chính hoàn toàn, nên như mọi năm chúng tôi vẫn phải thực hiện cấp bù cho quỹ học bổng khuyến khích học tập của Nhà trường, mỗi năm chúng tôi chi gần 15 tỷ để trao học bổng này cho sinh viên với mức xuất sắc tương đương 150% học phí, mực Giỏi là 100% học phí và mức Khá là 50% học phí.

Đồng thời, bắt đầu từ học kỳ I, năm 2021 – 2021, Nhà trường sẽ triển khai cấp học bổng cho sinh viên chính quy văn bằng 1, cụ thể: tại thời điểm sinh viên nộp chứng chỉ MOS, sinh viên được nhận học bổng tương ứng khi đang học năm thứ 1 (nhận 1.000.000 đồng), khi đang học năm thứ 2 (nhận 800.000 đồng), khi đang học năm thứ 3 (nhận 500.000 đồng).

Bạn đọc

Bạn Huongthuyvu@...:

Dịch bệnh kéo theo nguy cơ lây nhiễm cho giảng viên và sinh viên của nhà trường, Thầy có thể chia sẻ những quy định, chính sách và cả giải pháp mà trường triển khai nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho đội ngũ CB-GV-SV?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Nhà trường chuyển sang giảng dạy trực tuyến, nhân viên phòng ban được bố trí làm việc tối đa không quá 30% số lượng của đơn vị tại cơ quan. Yêu cầu thực hiện giãn cách và khai báo y tế hằng ngày tại cơ quan. Cán bộ, đảng viên, giảng viên thực hiện nghiêm túc 5K.

Thường xuyên tiến hành xịt khử khuẩn toàn trường. Khi có thông tin báo cáo của viên chức, người lao động là F0, F1 thì tiến hành truy vết nhanh, đồng thời, phối hợp với bệnh viện Quận 1 tổ chức test nhanh Covid - 19 cho viên chức, người lao động thường xuyên làm việc tại Trường.

Nhà trường đã tiến hành phối hợp, tổ chức tiêm vaccine mũi 1 cho: 347 người (bao gồm cả lực lượng bảo vệ, tạp vụ hợp đồng với dịch vụ từ bên ngoài). Hiện nay đang tiến hành liên hệ để tiêm vaccine mũi 2.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang phối hợp các cơ quan có liên quan để tìm kiếm đa dạng các nguồn vaccine để lên kế hoạch tổ chức thực hiện việc tiêm vaccine cho người học trên nguyên tắc tự nguyện và xã hội hóa.

Có thể nói các hoạt động của Nhà trường vẫn diễn ra một cách bình thường, thay vì như trước đây đến trường làm việc thì giảng viên của chúng tôi tăng cường làm việc tại nhà nhiều hơn, các hội thảo khoa học hay các hoạt động họp, trao đổi về chuyên môn, giải quyết công việc hành chính được duy trì thường xuyên và liên tục, trung bình hàng tuần chúng tôi đều có các hội thảo khoa học do các khoa tổ chức.

Bạn đọc

Bạn Trường Hải – Bình Dương:

Không chỉ sinh viên, nhiều giảng viên cũng đối mặt khó khăn trong cuộc sống giữa bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Các giải pháp mà Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai nhằm đồng hành với khó khăn của giảng viên là gì, thưa thầy?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Có thể nói việc lãnh đạo Nhà trường đánh giá, dự liệu tình hình diễn biến của dịch bệnh một cách tương đối chính xác đã giúp Nhà trường có nhiều quyết sách phù hợp để vừa duy trì hoạt động bình thường vừa đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho sinh viên, giảng viên gặp khó khăn. Chúng tôi đã thành lập và duy trì các Tổ phản ứng nhanh bao gồm các thành viên là tập thể lãnh đạo; lãnh đạo tất cả các đơn vị, đoàn thể đã kịp nắm bắt nhanh tất cả các trường hợp giảng viên, chuyên viên của nhà trường gặp khó khăn; Nhà trường cũng đã xây dựng chính sách hỗ trợ cho viên chức là đoàn viên công đoàn, người lao động đang làm việc tại trường; Con đoàn viên công đoàn, người lao động; Cán bộ công đoàn cơ sở. Mức hỗ trợ tùy từng đối tượng cụ thể, được quy định như sau:

+ Đoàn viên công đoàn, người lao động là F0 đang điều trị bệnh tại các bệnh viện, được hỗ trợ 5.500.000 đồng/người và một phần nhu yếu phẩm gồm thuốc men và các vật dụng cần thiết. Trường hợp đang điều trị tại nhà thì được hỗ trợ 4.500.000 đồng/người.

+ Đối với con của đoàn viên công đoàn, người lao động trường hợp là F0, F1 thì được hỗ trợ từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng/cháu.

+ Đoàn viên công đoàn, NLĐ là F1 thuộc diện đang áp dụng biện pháp cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người. Trường hợp, đoàn viên công đoàn, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu có khó khăn trong việc mua lương thực, thực phẩm hoặc hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt, Ban Chấp hành Công đoàn và các tổ công đoàn hỗ trợ muagiúp các mặt hàng này.

 + Đối với Cán bộ công đoàn cơ sở (từ tổ trưởng trở lên) tham gia chống dịch tại trường theo quyết định; tham gia trực tiếp vào việc tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát; tham gia truy vết, xét nghiệm theo yêu cầu của Nhà trường được hỗ trợ từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/người/ngày (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ) tùy theo tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch, nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người.

Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ một lần từ nguồn kinh phí công đoàn hoặc từ nguồn hỗ trợ của Nhà trường. Đoàn viên công đoàn, người lao động thuộc nhiều đối tượng được hưởng các mức hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất. Trường hợp đã được hỗ trợ ở mức thấp, sau đó lại chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa 2 mức hỗ trợ.

Bạn đọc

Bạn huonganhnd@...:

Dịch bệnh kéo dài, các hoạt động giảng dạy, làm việc của giảng viên và sinh viên gần như chuyển hoàn toàn sang online, nhà trường đã thực hiện các chính sách hỗ trợ gì cụ thể cho 2 đối tượng trên và đảm bảo chất lượng dạy học?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM
PGS. TS Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM

Kể từ ngày 10/5/2021, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát,  trường đã có ngay thông báo thay đổi hình thức học tập và hoãn thi kết thúc học phần cho sinh viên các lớp hệ Chính quy và hệ Vừa làm vừa học. Đảng ủy Nhà trường đã ban hành Nghị quyết và Hiệu trưởng đã có kế hoạch triển khai các hoạt động tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh. Theo đó, mục tiêu của Nhà trường là thực hiện quyết liệt, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa mục tiêu phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe viên chức, người lao động, người học và mục tiêu duy trì hoạt bình thường của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh trong điều kiện dịch bệnh.

+ Đối với sinh viên Nhà trường chuyển sang dạy học trực tuyến và hỗ trợ ngay cho mỗi người học 200.000 đồng để nâng cao chất lượng đường truyền học trực tuyến, tổ chức phát hành sách, tài liệu học theo hình thức online, chuyển phát nhanh đến tận nhà cho sinh viên, thư viện của trường cũng được yêu cầu chuyển đổi phương thức, phát huy tối đa hình thức khai thác học liệu điện tử, tăng cường các bài giảng trên kho dữ liệu elearning,… Bên cạnh, đó Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên cũng liên kết với FPT shop để triển khai chương trình ưu đãi, giảm giá cho sinh viên khi mua laptop, điện thoại thông minh phục vụ học trực tuyến, gói ưu đãi này chỉ dành riêng cho sinh viên Trường Đại học Luật TP. HCM

Ngoài ra, các đơn vị trong trường cũng tăng cường tổ chức các chương trình tư vấn trực tuyến các phương pháp học trực tuyến hiệu quả cho sinh viên nói riêng và người học của trường nói chung.

         + Đối với giảng viên, chuyên viên và người lao động thì Nhà trường bố trí nhân viên phòng ban làm việc tối đa không quá 50% rồi 30% số lượng của đơn vị tại cơ quan. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc và xây dựng các chính sách hỗ trợ cho giảng viên, chuyên viên và con của thầy/cô nếu không may rơi vào trường hợp F0, hay các thầy/cô là F1 trong các khu cách ly, khu phong tỏa với mức hỗ trợ từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng tùy từng trường hợp cụ thể.

Chúng tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo các đơn vị và các trưởng khoa chịu trách nhiệm phân công, phân nhiệm cho giảng viên và viên chức của đơn vị để thực hiện hiệu quả, sáng tạo trong công việc, trong đó người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trước Ban Giám hiệu về việc thực hiện các chức trách, nhiệm vụ và hoạt động của đơn vị mình; Để trang bị các trang thiết bị làm việc tại nhà, Nhà trường triển khai việc cho vay ưu đãi với lãi suất 0% cho các Thầy/Cô của trường mua máy tính phục vụ công việc.

Bạn đọc

Bạn Binhminhle@...:

Thầy có thể cho biết, khi dịch bùng phát và thành phố thực hiện giãn cách xã hội, Trường có bao nhiêu sinh viên không thể về quê và bị “mắc kẹt” lại? Để giúp đỡ sinh viên, nhà trường đã triển khai hỗ trợ gì?
PGS. TS Trần Hoàng Hải

PGS. TS Trần Hoàng Hải

Theo thống kê của các đơn vị chức năng của Nhà trường thì hiện có 1064 em sinh viên có hộ khẩu tại các tỉnh đang bị kẹt lại tại các khu nhà trọ (trường không có ký túc xá) chưa thể về quê. Để kịp thời hỗ trợ số sinh viên này, Nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các em như:

Hỗ trợ 391 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang kẹt lại TPHCM, mỗi sinh viên được hỗ trợ sinh hoạt phí 1,5 triệu đồng (tổng số tiền gần 600.000.000 đồng);

Phát động chương trình “San sẻ yêu thương – Vượt qua Covid-19”, kịp thời hỗ trợ 300 phần nhu yếu phẩm cho 300 em sinh viên tại các nhà trọ, mỗi phần trị giá từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng, gồm gạo, đồ hộp, mì tôm, rau củ quả, gia vị,…

Các khoa của trường cũng thực hiện nhiều hoạt động kêu gọi các cựu sinh viên, mạnh thường quân để hỗ trợ tiền sinh hoạt phí cho các sinh viên của khoa, đến hiện nay số sinh viên được nhận các hỗ trợ là hơn 400 em.

Ngoài ra, trường còn giới thiệu các kênh thông tin, địa chỉ các hội đồng hương để sinh viên liên lạc đăng ký về nhà theo diện địa phương tổ chức đưa đón.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.