Tuy còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng theo nhiều cán bộ quản lý, chuyển đổi số sẽ dần thay đổi phương thức quản trị, học tập.
Chủ động chuyển đổi số để tương thích
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM được xem là đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi số tại phía Nam khi từ 10 năm trước đã xây dựng được nền tảng dạy học số theo mô hình Blended Learning và Trung tâm Dạy học ảo (UTEx). Ngoài việc xây dựng trung tâm dữ liệu lớn (Big data center) và nhiều chương trình chuyển đổi số khác như hệ thống phần mềm quản lý, KPIs, E-Portfolio, Social Media và UTE-TV… trường còn thành lập Trung tâm Dạy học ảo (UTEx) để tổ chức các khóa học trực tuyến hoàn toàn (Online Courses) trong môi trường mạng Internet.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường, 10 năm theo đuổi và chuyển đổi mạnh mẽ, hiện nhà trường đã sẵn sàng cho việc dạy học 100% bằng hình thức online. Để chuyển đổi số thành công, nhà trường không chỉ trang bị cơ sở hạ tầng mạng với những thiết bị hiện đại như hệ thống mạng lõi và máy chủ, quan trọng hơn là việc tư duy và định hướng của người lãnh đạo phải xuyên suốt cả quá trình.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM từ khi thí điểm cơ chế tự chủ tài chính cũng đã không ngừng thực hiện các giải pháp hiện đại hóa phương pháp giảng và giáo trình cũng như đưa ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin (CNTT), AI vào mọi khâu của quá trình học, nghiên cứu của sinh viên.
GS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết: Chuyển đổi số về căn bản là việc sử dụng Internet of Things (IoT), Big Data, Clouding và AI để nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, quản trị công… Do đó, số hóa giáo dục ở phương thức giảng dạy, nghiên cứu trực tuyến, sách điện tử, tài nguyên học liệu mở... chỉ là một phần của công tác chuyển đổi số nhằm mang lại các giá trị tốt hơn, tiện ích, chủ động hơn cho người học.
“Trường ĐH Kinh tế TPHCM đưa vào vận hành thư viện thông minh là để phục vụ cho quá trình đó. Thư viện được đầu tư hạ tầng hiện đại và tự động trong các khâu. Người dùng có thể dễ dàng tìm sách, mượn sách, đặt phòng học… chỉ với chiếc điện thoại thông minh. Đặc biệt, thư viện còn kết nối cơ sở dữ liệu với hơn 90 nhà xuất bản các trường đại học danh tiếng của Mỹ. Người học có thể đăng ký các phòng tự học, tra cứu tài liệu online trên website” - GS Phong cho biết.
Lợi ích cho sinh viên, giảng viên
Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, chuyển đổi số trong giáo dục mang lại những lợi ích rất rõ nét cho sinh viên và giảng viên. Chuyển đổi sẽ chuyển việc dạy học theo hướng thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học. Đặc biệt, sự bùng nổ của nền tảng công nghệ IoT, Big Data, AI, SMAC (mạng xã hội - di động - phân tích dữ liệu lớn - điện toán đám mây) đã và đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số.
“Nhiều mô hình giáo dục thông minh được phát triển trên nền tảng ứng dụng CNTT, hỗ trợ đắc lực việc cá nhân hóa học tập (mỗi người học một giáo trình và một phương pháp học tập riêng), làm cho việc truy cập kho kiến thức khổng lồ trên môi trường mạng nhanh chóng, dễ dàng, giúp việc tương tác giữa gia đình, nhà trường, giáo viên, học sinh gần như tức thời và tất nhiên kết quả học tập nghiên cứu của sinh viên sẽ chủ động và hiệu quả hơn” - TS Lý nói.
Theo TS Tô Hồng Nam - Học viện Cảnh sát Nhân dân, số hóa và chuyển đổi số trong các trường đại học có nhiều điểm thuận lợi. Đầu tiên là việc ứng dụng CNTT là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Ngoài ra, kho học liệu số toàn ngành đã tương đối khi giảng viên đóng góp lên Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử E-Learning có chất lượng, kho luận văn tiến sĩ với gần 7.000 luận văn, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm với trên 31.000 câu hỏi…
Quan trọng nhất, các trường đại học đang có cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực CNTT, qua đó gia tăng cơ hội hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực CNTT; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng nhân lực ở các doanh nghiệp và nhu cầu xã hội.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhìn nhận: Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, giảng viên và nhà trường nhưng thách thức cho công cuộc chuyển đổi cũng không hề nhỏ. Ngoài tiềm lực tài chính, đội ngũ thì yếu tố công nghệ và sở hữu công nghệ đóng vai trò quan trọng.