Phát triển kỹ năng số và chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức

GD&TĐ - Tại Hội nghị UNICEF – ASEAN về “Chuyển đổi kỹ năng số trong lĩnh vực GD-ĐT trong khu vực ASEAN”, các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN chia sẻ nhiều vấn đề quan trọng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và bà Karin Hulsof - Giám đốc Khu vực UNICEF đồng Chủ tọa Hội nghị. Ảnh: Thế Đại
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và bà Karin Hulsof - Giám đốc Khu vực UNICEF đồng Chủ tọa Hội nghị. Ảnh: Thế Đại

Tầm nhìn khu vực

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Phùng Xuân Nhạ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên khắp thế giới. Đột phá về công nghệ làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất kinh doanh, kéo theo sự thay đổi hàng loạt về mô hình tổ chức, quản lý và dịch vụ, cơ cấu ngành lao động. Kết quả là chúng ta ngày càng phải đối mặt với nghịch lý của thị trường lao động: Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động trình độ thấp tăng cao, do không theo kịp tiến bộ của khoa học công nghệ. Đồng thời, vẫn tồn tại tình trạng thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao.

“Câu hỏi mà chúng ta luôn đặt ra là, làm thế nào nâng cao hiệu quả giáo dục, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng nguồn nhân lực trong khu vực, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lực lượng lao động của chúng ta trong tương lai. Thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục đang gia tăng cũng là một vấn đề đáng quan tâm và cần có biện pháp can thiệp kịp thời”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Bộ trưởng chia sẻ: “Một trong những mục tiêu của chúng tôi là, trang bị cho học sinh kỹ năng kỹ thuật số ở tất cả các cấp học. Đặc biệt, môn Tin học đã được đưa vào giảng dạy ngay từ bậc tiểu học, tập trung vào 3 lĩnh vực: Kỹ năng số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và khoa học máy tính, bao gồm các chủ đề mới nổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và người máy. Giáo dục STEM cũng được đẩy mạnh thông qua mô hình học tập dựa trên dự án và phát triển trung tâm đổi mới trong trường học. Chương trình học không chỉ giới hạn trong việc truyền tải kiến thức, mà còn chú trọng đến khả năng tiếp thu, khả năng tư duy kỹ thuật số cùng khả năng làm chủ công nghệ của người học”. 

Bộ trưởng cho biết, việc ứng dụng CNTT trong thực hành giảng dạy và chia sẻ kiến thức đã sớm được hình thành ở Việt Nam. Bộ GD&ĐT hàng năm tổ chức các cuộc thi quốc gia về thiết kế bài học điện tử, nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của giáo viên, góp phần xây dựng kho dữ liệu số để chia sẻ trong toàn ngành (đến nay, đã có hơn 7.000 bài học chất lượng cao được chia sẻ trên Internet). Để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai từ năm học này, giáo viên trên cả nước đã được tập huấn trực tuyến liên tục dựa trên hệ thống LMS.

Chia sẻ về quản lý quy mô lớn cấp quốc gia, Bộ trưởng cho hay, ngành Giáo dục đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh, từ mầm non đến THPT, trong đó không chỉ coi trọng kỹ năng sử dụng, kiến thức công nghệ, mà còn hướng đến năng lực tư duy, khả năng tạo ra sản phẩm sáng tạo và thích ứng với thế giới số. “Mới đây, vào tháng 8, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư quy định về kiểm tra, đánh giá và công nhận kết quả của chương trình giáo dục trực tuyến. Chúng tôi đã triển khai thành công Hệ thống thông tin quản lý giáo dục cho phép theo dõi dữ liệu phục vụ công tác quản lý và nghiên cứu trong ngành Giáo dục” – Bộ trưởng cho biết; đồng thời mong muốn lắng nghe ý kiến, kinh nghiệm của các quốc gia trong việc nâng cao năng lực kỹ thuật số cho giới trẻ. 

Nhấn mạnh đến tính cấp thiết của hạ tầng công nghệ, hệ thống giải pháp số đồng bộ trên cơ sở của phát triển công nghệ hiện nay; Bộ trưởng cho rằng, đây là cách để chúng ta có thể xây dựng tinh thần trách nhiệm cộng đồng cũng như tầm nhìn khu vực. “Chúng ta đã đồng hành một chặng đường dài, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách như các thành viên trong cùng một cộng đồng. Với ý chí kiên định và cam kết vững chắc, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực và đạt được thành công, cùng nhau xây dựng một cộng đồng ASEAN bền vững trong tương lai” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tin tưởng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Đại
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Đại

Đổi  mới không gian học tập 

TS Leonor Magtolis Briones - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Philippines cho rằng, chúng ta cần nhìn vào chuyển đổi số và mong muốn nó trở thành nền tảng, để tất cả người học có thể phát triển và có khả năng đạt được những mục tiêu của mình, dù bất kể hoàn cảnh học tập có khó khăn tới đâu. Qua đó, giúp người học có thể phát triển thông qua chuyển đổi số và tất cả những cải cách khác. Đồng thời, người học có thể được tham gia một cách chủ động và sẵn sàng với tất cả vấn đề từ cấp địa phương cho đến quốc gia, khu vực và thế giới.

TS Leonor Magtolis Briones chia sẻ, Covid-19 đã thúc đẩy chúng ta phải tập trung vào ứng dụng các công nghệ khác nhau để có thể bảo đảm học tập trực tuyến hiệu quả. Tiếp đến cần phải tăng cường các dịch vụ từ cấp cơ sở, đặc biệt là tiếp cận các thiết bị để đảm bảo học tập trực tuyến. “Chẳng hạn, việc xây dựng nội dung vi mô có thể giúp người học được tiếp cận những học liệu một cách hiệu quả hơn. Qua đại dịch Covid-19, chúng ta nhận ra rằng, cần tập trung hơn nữa vào những giải pháp này. Bên cạnh vấn đề về học liệu, thì các phương tiện học tập, hình thức kiểm tra đánh giá cũng cần thay đổi để ngày càng tốt hơn” -TS Leonor Magtolis Briones nói.

Cũng theo TS Leonor Magtolis Briones, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu là một trong những thứ mà chúng ta cần tập trung trong tương lai. Đương nhiên việc này sẽ phải kết hợp với việc thay đổi phương pháp sư phạm. Ngoài ra, cần tập trung thay đổi chương trình học để bảo đảm rằng, trẻ em được chuẩn bị sẵn sàng để có thể thích ứng với những công nghệ và những yêu cầu đòi hỏi của thị trường. Đã đến lúc, chúng ta cần đổi mới nội dung chương trình học tập, đổi mới không gian học tập, thậm chí là thích nghi với môi trường sống ảo. Từ đó chúng ta thấy rằng, đào tạo, nâng cao năng lực cho giáo viên là vô cùng quan trọng. Theo đó, cần có những chiến lược đồng bộ; để chúng ta có được sự chuyển đổi một cách toàn diện trên nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có y tế, giáo dục các ngành kinh tế khác nhau, lao động việc làm.

Theo TS Leonor Magtolis Briones, cần nhìn nhận rằng, mỗi quốc gia ASEAN có xuất phát điểm khác nhau nhưng dù xuất phát điểm như thế nào thì chuyển đổi số có thể đưa chúng ta lên một tầm cao mới. Ví dụ tại Philippines, có trường hợp lần đầu tiên được dùng máy tính bảng và lần đầu tiên biết đến kết nối mạng Internet. Vì thế, nếu như không có sự can thiệp hỗ trợ từ phía GD-ĐT thì rất khó để những trẻ em vùng sâu, vùng xa có được cơ hội tiếp cận với công nghệ số. “Tuy nhiên, tôi nhắc lại, chúng ta không bao giờ được bỏ qua các môn như: Lịch sử, văn hóa nghệ thuật” - TS Leonor Magtolis Briones nói.

Hội nghị hướng tới mục tiêu xây dựng một bộ tiêu chuẩn kỹ năng số thống nhất. Ảnh: Thế Đại
Hội nghị hướng tới mục tiêu xây dựng một bộ tiêu chuẩn kỹ năng số thống nhất. Ảnh: Thế Đại

Chủ động kết nối

Nhấn mạnh việc cần tập trung vào xây dựng học liệu số, ông Dato Seri Setia Awang Hj Hamzah bin Hj        Sulaiman - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Brunei khẳng định, đây là điểm quan trọng để chúng ta có thể chủ động kết nối học tập trực tuyến và trực tiếp. Đại dịch Covid-19 khiến giáo viên không còn cách nào khác là phải sử dụng học liệu số, để có thể chuyển tải các bài giảng của mình đến học sinh. 

“Chúng tôi cảm thấy may mắn khi đã thiết lập được Trung tâm Chuyển đổi số trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Đại dịch xuất hiện, chúng tôi đã có sẵn trung tâm này để có thể thúc đẩy dạy – học trực tuyến; đồng thời trang bị cho giáo viên, học sinh năng lực, kỹ năng số. Trung tâm này cũng hiện thực hóa những khóa đào tạo, trau dồi năng lực cho giáo viên. Đại dịch Covid-19 bùng phát, trung tâm này lại càng thể hiện rõ hơn nữa vai trò của mình. Tôi nghĩ rằng, hậu Covid-19, trung tâm sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng về chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục của Brunei” – Bộ trưởng Bộ Giáo dục Brunei trao đổi.

Ngành Giáo dục của Brunei đã xây dựng những diễn đàn dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là các hiệu trưởng hiệu phó các nhà trường. Đây là nền tảng để họ chia sẻ và trao đổi những mô hình tốt, cách làm tốt, những học liệu hay để có thể áp dụng cho nhà trường. Còn đối với học sinh, Bộ Giáo dục sẽ tiến hành rà soát và sửa đổi chương trình giáo dục. Hiện nay, đang trong giai đoạn xây dựng khung năng lực số dành cho học sinh. Trung tâm đổi mới sáng tạo giáo dục sẽ có nhiệm vụ thúc đẩy những sáng kiến nhằm nâng cao kỹ năng số cho toàn dân, nhưng tập trung chủ yếu với những học sinh đang học trong nhà trường.

“Có thể nói, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục có nhiều thách thức mang tính đặc thù. Chẳng hạn như: Trẻ em vùng sâu, vùng xa không được tiếp cận với mạng Internet và thiết bị công nghệ. Tôi nghĩ rằng, điều này sẽ ra làm gia tăng khoảng cách số giữa các nhóm (có nhóm may mắn hơn nhưng cũng có những nhóm thiệt thòi). Chính vì thế, chúng ta cần bảo đảm cơ hội học tập, để có thể bảo đảm tiếp cận công bằng với nền tảng học tập số. Học sinh cần được trang bị hành trang để làm việc và học tập với các thiết bị thông minh. Để làm được điều này, cần trang bị năng lực cho các em ngay trên ghế nhà trường. Theo đó, phương pháp sư phạm cũng phải thay đổi” – ông Dato Seri Setia Awang Hj Hamzah bin Hj Sulaiman nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kêu gọi các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN cùng chung tay xây dựng một bộ tiêu chuẩn kỹ năng số thống nhất trong khu vực, hướng tới hình thành một khuôn khổ công dân số được các nước thành viên công nhận. Theo Bộ trưởng, chìa khóa để có thể “cùng nhau đi xa”, đạt được mục tiêu dài hạn là: Thúc đẩy chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau, huy động linh hoạt, phân bổ hiệu quả nguồn lực trong khu vực. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ