Chuyển đổi số để giảm thuyết giảng

GD&TĐ - Theo chuyên gia, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đang là xu hướng tất yếu, diễn ra nhanh, giúp đổi mới giáo dục theo hướng giảm thuyết giảng và truyền thụ kiến thức sang phát huy năng lực của người học.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề An Giang tích cực tham gia học tập trên máy.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề An Giang tích cực tham gia học tập trên máy.

Biến những điều không thể thành có thể

Đánh giá về vai trò của chuyển đổi số quốc gia, ông Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Cần phải thực hiện đột phá thể chế bằng việc thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý.

Cần chuyển cơ chế, đối tượng quản lý từ xin phép khai báo trước với cơ quan quản lý sang cơ chế đối tượng quản lý tự lựa chọn quyết định, tự công khai thông tin. Cơ quan quản lý từ nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và tiền kiểm sang nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập thông tin và thực hiện hậu kiểm.

Phương thức quản lý này chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi số toàn bộ thông tin và quy trình quản lý. Đây phải là khâu đột phá tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Nếu chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý thành công thì tất cả những yêu cầu về đột phá trong cải cách thể chế sẽ giúp chúng ta biến những điều không thể thành có thể và mang lại những nguồn lực vô cùng to lớn cho đất nước.

Ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: Việc chuyển đổi số sẽ làm thay đổi hoàn toàn thói quen và vị trí của người quản lý trong bộ máy Nhà nước. Người quản lý không còn ngồi chờ doanh nghiệp đến để yêu cầu giải quyết mà phải dựa vào thông tin được số hóa của doanh nghiệp để phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh, hoặc phải giải quyết để đáp ứng những yêu cầu cho doanh nghiệp. Đó chính là cơ sở để chuyển đổi từ “Chính phủ quản lý” sang “Chính phủ phục vụ”, tạo đột phá về thể chế trong quản lý.

“Chúng ta có thể hình dung trong tương lai rằng, nếu như chúng ta chuyển đổi số thành công. Với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngồi ở Việt Nam, chúng ta có thể tương tác, giải quyết những công việc như đang ngồi trong văn phòng ở bất kể một công ty nào ở một quốc gia trên thế giới. Và khi đó thì Việt Nam chúng ta không chỉ là “cái bếp” mà có thể trở thành công xưởng ngành công nghệ điện tử - tin học của cả thế giới” - ông Hoàng Văn Cường chia sẻ.

Giảng viên Nguyễn Đức Tài - Trường Cao đẳng nghề An Giang cho rằng: Từ khóa 4.0, chuyển đổi số được nhắc đến nhiều. Chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi lĩnh vực xã hội nên không có nghĩa chỉ làm việc ở các cơ sở chuyên về công nghệ thông tin mới cần thiết với mục tiêu chuyển đổi số. Ở mỗi ngành nghề cần phải có hiểu biết kiến thức chuyên ngành, những đòi hỏi mang tính đặc thù của mỗi ngành nghề với mục tiêu chuyển đổi số, nhất là với lĩnh vực đào tạo nghề.

Bắt kịp xu thế giáo dục toàn cầu

Giảng viên Nguyễn Đức Tài cho biết thêm, nếu như bức tranh hoạt động nghề nghiệp của năm 2020 gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, thì năm 2021 lại liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển dịch vụ logistics… Những mục tiêu phát triển của Nhà nước sẽ là định hướng quan trọng cho học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề.

Công nghệ giáo dục với cốt lõi là công nghệ số đang trở thành một xu hướng lớn trong giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học. Chuyển đổi số tạo ra thay đổi tư duy dạy và học, thay đổi tư duy quản lý. Đồng thời, tạo cơ hội cho người dân dễ dàng tiếp cận với giáo dục, giảm chi phí quản lý đồng thời tăng hiệu quả và chất lượng của quá trình dạy và học.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng gặp nhiều khó khăn như nguồn kinh phí còn hạn hẹp cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT. Chưa kể đến, giai đoạn đầu phải thực hiện song song cả hai loại hồ sơ văn bản giấy và văn bản điện tử. Đồng thời, cơ chế số hóa chưa đồng bộ ở các mảng lĩnh vực khác nhau. Nhưng thách thức lớn nhất, rào cản lớn nhất cũng chính là thay đổi tư duy của nhà quản lý, thay đổi tư duy của người thầy. Cán bộ, giảng viên, người học chưa quen với thực hiện chuyển đổi số trong công việc gây nhiều trở ngại.

Giảng viên Nguyễn Đức Tài cho biết: “Nhà trường xác định, chuyển đổi số không chỉ là việc triển khai các hạ tầng công nghệ tự động hóa mà là việc thay đổi cả về chiến lược, tư duy, văn hóa của nhà trường. Thay đổi quy trình, cách thức quản lý vận hành nhà trường theo hướng năng động hơn và tập trung vào tương tác, trải nghiệm của người học, doanh nghiệp….” – Giảng viên Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh.

Từ những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, chuyển đổi số đã cho thấy những lợi thế lớn, trở thành xu thế tất yếu trong giáo dục đào tạo. Với GDNN, chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết để các trường nghề thích ứng với mọi hoàn cảnh. Đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, bắt kịp xu thế của giáo dục toàn cầu.

Tuy nhiên, một số sinh viên cho rằng, việc học trực tuyến chỉ phù hợp với HSSV không thuộc ngành kỹ thuật. Sinh viên ngành kỹ thuật gặp khó do học lý thuyết đến đâu sẽ thực hành đến đó. Trong khi học online chỉ học được lý thuyết, còn thực hành theo dõi qua video của các thầy làm mẫu. Do vậy, nhiều sinh viên không tự tin là sẽ thực hành tốt như khi được học tại xưởng.

Giảng viên Nguyễn Đức Tài cho biết, hiện, các nhà trường đẩy mạnh hoạt động bằng cách đưa ứng dụng CNTT vào giảng dạy, kết nối, chuyển đổi số trong đào tạo, xây dựng “trường học thông minh”. Việc đa dạng hóa gắn với doanh nghiệp, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức đào tạo gắn với mô hình giáo dục mở, gắn với thị trường lao động đang là yêu cầu hết sức cấp thiết.

Được biết, dự thảo khung đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, toàn bộ hệ thống GDNN như một quốc gia thu nhỏ. Hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở GDNN, giáo viên, HSSV sẽ chuyển lên môi trường số. Đến năm 2030, hoạt động GDNN Việt Nam đạt trình độ các nước ASEAN-4.

Cụ thể, đến năm 2030, 100% dịch vụ công liên quan đến hoạt động GDNN là dịch vụ trực tuyến mức độ 4, được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Đặc biệt, khoảng 600 cơ sở GDNN (chiếm 30%) phải thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn; 100% các trường nghề triển khai nền tảng dạy nghề trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ