Hội nghị được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức trực tuyến ngày 12/3 tại Vĩnh Phúc, với sự tham gia của các chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và 50 Hiệu trưởng các trường cao đẳng trên cả nước.
Trước yêu cầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, việc phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận và công bằng được khẳng định là mục tiêu cụ thể trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các chuyên gia tại hội nghị đều cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu này cần phải tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, mà trước tiên đội ngũ cán bộ quản lý cũng như lãnh đạo các trường được quy hoạch là trường chất lượng cao là giải pháp đột phá.
Dự báo với sự phát triển của khoa học công nghệ, vấn đề kỹ năng lao động cần được nâng cao, với khoảng 10-30% công việc thay đổi, sẽ có đến 40% lực lượng lao động không đáp ứng được nhu cầu thay đổi của công việc. Tự động hoá, song song với việc đối phó với dịch bệnh COVID sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, do đó dự báo 85 triệu việc làm thay đổi do phân công lại việc làm giữa người và máy, 97 triệu việc làm mới sẽ xuất hiện và do đó có đến 40% người lao động cần đào tạo lại, các nhân viên cần đào tạo, bổ sung các kỹ năng mới.
Đây chính là những thách thức cũng như cơ hội để đổi mới tư duy, đón đầu xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát biểu tại hội nghị, TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh vị trí, vai trò kỹ của năng nghề trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy hiệu quả đầu tư.
Thực tế đã cho thấy các quốc gia thịnh vượng phát triển là các quốc gia có nguồn lao động có kỹ năng nghề cao. Chính vì vậy, các quốc gia đều có xu hướng chuyển dịch, quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp, tái thiết lập hệ thống giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề cao phục vụ cho sự phát triển.
giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cũng đã từng bước hội nhập và nắm bắt kịp xu thế phát triển giáo dục nghề nghiệp của các nước phát triển, nhiều mô hình được vận dụng thành công như đào tạo kép, chuyển giao đào tạo theo các chương trình của Úc, mô hình 9+...
Tại hội nghị các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận sâu các nội dung về mô hình, tình hình giáo dục nghề nghiệp trên thế giới và trong nước, các vấn đề thực tiễn, và yêu cầu của giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Các nội dung trao đổi nhằm giúp cán bộ quản lý phát huy kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện thành công mục tiêu giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030.