Chương trình và SGK lịch sử THPT ở Trung Quốc thay đổi như thế nào?

GD&TĐ - Tham khảo mô hình SGK cũng những thành công, thất bại trong đổi mới chương trình và SGK lịch sử của các quốc gia khác, nhất là Trung Quốc sẽ là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong quá trình định hình diện mạo SGK lịch sử THPT hiện nay.

Chương trình và SGK lịch sử THPT ở Trung Quốc thay đổi như thế nào?

Theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy- Giảng viên khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, những nội dung mới trong cuộc cải cách chương trình và sách giáo khoa lịch sử trung học ở Trung Quốc đầu thế kỉ XXI có giá trị tham khảo cho Việt Nam trong việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới hiện nay.

Vào đầu thế kỉ XXI, việc biên soạn SGK Trung học ở Trung Quốc đã có cải tiến rất lớn, từ hình thức nhất cương nhất bản (một đề cương, một bộ sách) chuyển thành “nhất cương đa bản” (một đề cương, nhiều bộ sách), không còn do Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân độc quyền nữa.

Ở hệ thống chương trình mới, “giáo học đại cương” bị “chương trình tiêu chuẩn” thay thế, việc biên soạn SGK tuy vẫn dựa theo chương trình tiêu chuẩn, song đã bị hạn chế ở chỗ, một bộ sách có thể nhiều nhà xuất bản cùng lưu hành.

Chương trình tiêu chuẩn môn Lịch sử THPT do nhà xuất bản Giáo dục nhân dân xuất bản chính thức được công bố vào tháng 4.2003, được cấu trúc gồm 4 phần: Lời nói đầu, Mục tieu chương trình, Nội dung tiêu chuẩn, Kiến nghị thực hiện.

Trong đó, nội dung tiêu chuẩn là quan trọng nhất, cung cấp những định hướng về nội dung cho các bộ SGK. Nội dung tiêu chuẩn được thiết kế thành 2 bộ phận: Nội dung bắt buộc và nội dung tự chọn.

Nội dung bắt buộc được chia thành: Lịch sử I, Lịch sử II, Lịch sử III, gồm 25 chủ đề học tập liên quan đến Lịch sử Trung Quốc và Lịch sử Thế giới cổ đại đến hiện đại, phản ánh những nội dung lịch sử quan trọng của xã hội loài người trên 3 lĩnh vực chủ yếu là chính trị, kinh tế, văn hóa tư tưởng và khoa học kĩ thuật.

Đây là nội dung học tập cơ bản bắt buộc đối với mọi học sinh Trung Quốc phổ thông. Với cách tiếp cận như vậy, nội dung lịch sử bắt buộc được thiết kế thành 3 module, mỗi module là 36 tiết, tổng cộng là 108 tiết.

Thông qua nội dung bắt buộc, học sinh học được nhìn nhận từ các góc độ khác nhau mối quan hệ giữa lịch sử quốc gia, khu vực và thế giới, mối quan hệ biện chứng giữa tri thức lịch sử và hiện thực, giữa lịch sử Trung Quốc và lịch sử thế giới.

Qua đó bồi dưỡng các năng lực phát hiện, phân tích và giải quyết vấn đề, bồi dưỡng cảm xúc lành mạnh và tình cảm cao quý, rồi đến tinh thần dân tộc, từ đó là cơ sở để nâng cao hơn nữa tinh thần nhân văn, hình thành nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan đúng đắn.

Nội dung lịch sử tự chọn được thiết kế nhằm thúc đẩy sự quan tâm của học sinh trong việc học hỏi, mở rộng những chân trời lịch sử của học sinh và tạo động lực phát triển cá nhân học sinh.

Nội dung lịch sử được thiết kế thành 6 module: Nhìn lại các cuộc cách mạng lớn trong lịch sử; Tư tưởng dân chủ và thực tiễn xã hội cận đại; Chiến tranh và hòa bình trong thế kỉ XX; Bình luận về các nhân vật lịch sử Trung Quốc và thế giới; Khám phá những điều kì diệu của lịch sử; Những di sản văn hóa thế giới tuyệt mĩ.

Mỗi module tự chọn là 36 tiết, tổng cộng là 214 tiết. Học sinh có thể căn cứ vào sở thích của cá nhân để lựa chọn các module học tập.

Đối với học sinh có xu hướng phát triển về khoa học xã hội nhân văn được khuyến khích ít nhất nên lựa chọn 3 module. Trong quá trình biên soạn SGK và giảng dạy, căn cứ vào tình hình thực tế có thể tăng thêm các nội dung học tập khác để tạo sự hấp dẫn.

Mô hình “một chương trình, nhiều bộ sách” là xu thế tất yếu để tạo ra sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng của sách giáo khoa. Cách sắp xếp mạch nội dung kiến thức lịch sử Trung Quốc và lịch sử Thế giới theo chuyên đề, chủ đề là một bước đột phá lớn trong biên soạn SGK Lịch sử THPT.

Mỗi chuyên đề, lịch sử Trung Quốc và lịch sử thế giới được giảng dạy đan xen nhau qua các chủ đề nhỏ. Việc đổi mới chương trình sách giáo khoa lịch sử đã giúp cho học sinh Trung Quốc thời gian qua đã rất hào hứng với môn học này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ