Thầy Nguyễn Trung Quân nhìn nhận: Những điểm mới, những thay đổi này là hết sức phù hợp với mục tiêu của giáo dục và đào tạo hiện nay; đồng thời, tạo cơ sở, động lực để giáo viên đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Nội dung chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử về cơ bản đã khắc phục được những bất cập, hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Chương trình mới được xây dựng trên cơ sở chuyển đổi từ mục tiêu tiếp cận kiến thức sang mục tiêu phát triển năng lực. Cụ thể là phát triển năng lực chuyên môn Lịch sử cho học sinh trên nền tảng hệ thống kiến thức cơ bản về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam; giúp học sinh kết nối lịch sử với cuộc sống hiện tại.
“Chương trình mới đã thể hiện tính hệ thống, khoa học rất tốt. Theo đó, chương trình có một số nội dung mới, hết sức quan trọng, cần thiết như: Chủ đề định hướng nghề nghiệp (Lịch sử và Sử học; vai trò của Sử học); Làng xã Việt Nam; Chiến tranh biên giới, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo...”, thầy Nguyễn Trung Quân nhấn mạnh.
Góp ý về nội dung môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông, thầy Nguyễn Trung Quân bày tỏ: Cả nội dung cốt lõi và chuyên đề học tập đều không đề cập đến Liên Xô sau Chiến tranh Thế giới thứ hai (những thành tựu trong xây dựng CNXH, vai trò quốc tế của Liên Xô…). Cả nội dung cốt lõi và chuyên đề học tập đều không đề cập đến Phong trào giải phóng dân tộc ở Á, Phi, Mĩ Latinh sau Chiến tranh Thế giới thứ hai (một nhân tố quan trọng làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới và quan hệ quốc tế).
Về nội dung này, Chương trình mới chỉ đưa vào “Quá trình giành độc lập dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á” ở Lịch sử 11, tức là chỉ học về phong trào giải phóng dân tộc ở một khu vực (Đông Nam Á). Ở nội dung “Một số cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam” (Lịch sử 12), trong Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt (trang 56, 57 của Dự thảo chương trình), chúng tôi không thấy đề cập đến Phong trào Duy tân đầu thế kỉ XX ở Việt Nam. Nên chăng bổ sung thêm nội dung này.
Ở nội dung “Hồ Chí Minh: Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn” (Lịch sử 12), trong Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt (trang 61 của Dự thảo chương trình), cần bổ sung thêm vào mục (2) Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam nội dung “soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng” (là một đóng góp hết sức quan trọng của Nguyễn Ái Quốc đối với Cách mạng Việt Nam).
“Mặc dù các sách giáo khoa được viết dựa trên cơ sở chương trình (có tính pháp lệnh), đều được thẩm định trước khi sử dụng nhưng có thể có những kiến thức khác nhau, những cách lí giải, nhận định khác nhau về cùng một sự kiện, hiện tượng lịch sử. Nếu điều đó xảy ra, khi thực hiện dạy theo các bộ sách giáo khoa khác nhau, sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xác định kiến thức chuẩn, khó khăn khi ra đề kiểm tra, đánh giá chung (đề kiểm tra, đề thi của Sở GD&ĐT, của Bộ GD&ĐT). Vì vậy, cần lưu ý điều này trong quá trình thẩm định sách giáo khoa trước khi đưa vào sử dụng” - thầy Nguyễn Trung Quân đề xuất.