Hà Nội: Giúp học sinh làm quen với đề thi trắc nghiệm tại kì thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức đợt kiểm tra, khảo sát cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố trong các ngày 14 - 17/3, nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Hà Nội: Giúp học sinh làm quen với đề thi trắc nghiệm tại kì thi THPT quốc gia

Giúp học sinh quen làm bài thi trắc nghiệm

Ông Chử Xuân Dũng- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Đợt kiểm tra khảo sát này sẽ tập huấn cho học sinh kĩ năng khi làm bài, đặc biệt là kĩ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Các thầy cô cũng đồng thời hướng dẫn học sinh nắm vững kiến thức, tránh học tủ, học vẹt, dành nhiều thời gian cho việc tự học. Qua đó, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Các trường, các trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn cho tất cả giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia về dạy học, kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn học sinh, học viên làm quen với hình thức thi trắc nghiệm khách quan.

Có thể mời các chuyên gia hoặc giáo viên đã tham gia tập huấn để làm báo cáo viên. Thực hiện dạy đúng và đủ chương trình, bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng môn học, nghiêm cấm việc cắt xén chương trình đã quy định.

Các tổ, nhóm chuyên môn tổ chức cho giáo viên thảo luận để đưa ra các phương án giảng dạy phù hợp với học sinh, bám sát bộ đề thi tham khảo kì thi THPT quốc gia năm 2018 do Bộ GD&ĐT ban hành.

Thi thử như thi thật

Trong học kì 2 năm học 2017-2018, cụ thể là trong 4 ngày từ 14 đến 17/3/2018, học sinh lớp 12 trên địa bàn toàn thành phố sẽ làm bài kiểm tra khảo sát với hình thức giống với kì thi THPT quốc gia, trong đó có 1 buổi phổ biến quy chế thi và 5 buổi làm các bài thi: Ngữ văn, Toán, KHTN, Tiếng Anh, KHXH.

Sở GD&ĐT sẽ ra đề chung, tổ chức kiểm tra khảo sát cho học sinh lớp 12 THPT và GDTX trên toàn thành phố. Mỗi học sinh dự kiểm tra 4 bài, trong đó có 3 bài kiểm tra bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và 1 bài kiểm tra tự chọn KHTN (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc KHXH (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

Riêng học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc (toán, ngữ văn) và một bài tự chọn KHTN (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc KHXH (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý).

Môn ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận, các bài kiểm tra còn lại kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm.

Đối với các môn ngoại ngữ khác, hiệu trưởng các trường THPT căn cứ vào tình hình thực tế của trường chủ động giao cho giáo viên bộ môn kiểm tra, khảo sát, đảm bảo khách quan, phù hợp với nội dung hướng dẫn ôn thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.

Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ ra đề kiểm tra khảo sát theo nội dung chương trình quy định, bám sát cấu trúc, mức độ đề thi của kỳ thi THPT quốc gia.

Phạm vi kiến thức kiểm tra khảo sát gồm chương trình giáo dục lớp 11, và lớp 12. Trong đó, chủ yếu ở chương trình lớp 12 theo kế hoạch dạy học tính đến hết ngày 10/3.

Việc tổ chức coi thi, chấm khảo sát được yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy chế Kỳ thi THPT quốc gia. Bài khảo sát được rọc phách, chấm tập trung theo đơn vị Cụm, bảo đảm chính xác, khách quan. Sở GD&ĐT cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện in sao đề, chấm khảo sát, tổ chức chấm thẩm định.

Các trường không bắt buộc phải lấy điểm khảo sát làm điểm chính thức của học sinh. Tùy theo điều kiện từng trường, trung tâm, có thể sử dụng kết quả làm điểm kiểm tra thường xuyên, tuyệt đối không lấy vào điểm kiểm tra định kỳ.

Kinh phí tổ chức khảo sát tại các trường, trung tâm được trích từ nguồn ngân sách của trường, trung tâm chi trả theo quy định hiện hành. Các đơn vị tuyệt đối không được thu tiền của học sinh để tiến hành khảo sát.

Chậm nhất ngày 31/3, sẽ có kết quả khảo sát từ các trường gửi về Sở GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.