Giúp nâng cao thể lực
Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ. Cụ thể, chúng ta vẫn nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi cao trên phạm vi toàn cầu. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, năm 2015, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi là 24,6%, đến nay, con số này vẫn ở mức 24,3%. Tỷ lệ này tương ứng, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi, thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi và có sự khác biệt giữa các vùng miền (một số tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi lên đến hơn 30%).
Nguyên nhân dẫn tới việc trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng là do khẩu phần ăn chưa cân đối về lượng và chất. Để khắc phục những thiếu hụt về khẩu phần và dinh dưỡng trong bữa ăn, chương trình sữa học đường sẽ là chìa khóa giúp chúng ta giải quyết vấn đề này. Ở một số quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, sau 5 năm triển khai chương trình sữa học đường, các nước này giảm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Chiều cao của trẻ cũng đã tăng, ở trẻ Trung Quốc là 2 cm và 5 cm với trẻ em Thái Lan.
Như vậy, sữa học đường là chương trình ưu việt nhằm mục đích tăng cường thể lực cho trẻ. Tuy nhiên, khi đưa chương trình này vào học đường vẫn còn không ít phụ huynh băn khoăn. Chị Nguyễn Thu Trang (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: Hàng ngày tôi vẫn cho con uống sữa đều đặn, vì mong con được cải thiện về chiều cao. Gần đây gia đình tôi được biết, trẻ uống sữa tại trường sẽ có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp. Nhưng cũng có không ít thông tin bàn về thành phần trong sữa tăng thêm 3 thậm chí 18 vi chất khiến phụ huynh chúng tôi cũng hoang mang. Vì vậy, chúng tôi mong muốn, các bộ ngành liên quan sớm có quy chuẩn mới về sữa học đường để bảo đảm sức khỏe cũng như sự phát triển cân đối các con.
Bên cạnh đó, cũng không ít phụ huynh lo ngại việc chưa có quy định cụ thể về số lượng vi chất dinh dưỡng cần thêm vào trong các sản phẩm sữa sẽ khiến các phụ huynh khó kiểm soát về chế độ dinh dưỡng của trẻ.
Chưa có quy định về bổ sung vi chất
Trao đổi về những quy chuẩn sữa học đường, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế cho biết: Tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế và Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT cũng như các hướng dẫn của Bộ Y tế đã quy định rất rõ yêu cầu về tiêu chuẩn đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình Sữa học đường. Trong khi Bộ Y tế chưa ban hành quy định mới, các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn cần được thực hiện nghiêm túc như trong thời gian qua. Qua công tác giám sát của Bộ Y tế và báo cáo của các địa phương, hiện có 15 tỉnh đã và đang triển khai chương trình bằng các nguồn kinh phí của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân... Đặc biệt, có tỉnh rất khó khăn như Sơn La vẫn dành kinh phí của địa phương ưu tiên triển khai chương trình.
Ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình Sữa học đường. Đồng thời, ngay sau đó, ngày 28/9/2016 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi của Chương trình Sữa học đường cùng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình Sữa học đường. Trong hướng dẫn, Bộ Y tế nhấn mạnh: Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ NN&PTNT. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.
Trao đổi với Báo GD&TĐ về việc tại sao đến thời điểm này Bộ Y tế chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc sẽ bổ sung bao nhiêu vi chất dinh dưỡng vào trong sữa học đường, ông Nguyễn Đức Vinh giải thích: “Việc bổ sung các loại vi chất trong sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cần có cơ sở khoa học. Bổ sung loại vi chất nào, hàm lượng bao nhiêu phải căn cứ vào tình trạng thiếu hụt vi chất của trẻ, khả năng hấp thu, chuyển hóa... Song song với đó, việc bổ sung này cũng phải bảo đảm tính thực tiễn, tính khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế và quan trọng hơn cả là thực hiện chỉ tiêu trong Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đó là đáp ứng thêm 30% nhu cầu sắt, Vitamin D, canxi của trẻ đến năm 2020). Vì vậy, Bộ Y tế cũng đang khẩn trương hoàn thiện quy định về sản phẩm sữa tươi để phục vụ Chương trình Sữa học đường bảo đảm: Công khai, minh bạch trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp và cơ quan quản lý”.
Như vậy, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình Sữa học đường, đến nay đã hơn 3 năm nhưng Bộ Y tế vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc sẽ bổ sung bao nhiêu vi chất vào sữa học đường. Với các giải thích như của lãnh đạo Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em có thể thấy không riêng gì các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và cung ứng sữa mà hàng triệu trẻ em cả nước vẫn phải chờ đợi để có thể được uống loại sữa đúng tiêu chuẩn, đủ dinh dưỡng phục vụ cho mục tiêu nâng cao thể trạng, tầm vóc người Việt. Câu hỏi đặt ra là liệu có gì khuất tất hay năng lực cán bộ, chuyên viên có vấn đề mà các em phải chờ lâu đến thế?