Chọn sữa học đường vì thương hiệu
Dù đã cho con tham gia chương trình sữa học đường từ đầu năm học nhưng chị Nguyễn Thị Hoài (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn còn băn khoăn vì những thông tin được lan truyền trên mạng về việc bổ sung các vi chất trong sữa học đường.
Chị Hoài cho biết: Mặc dù nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, dán công khai Quyết định 5450 của Bộ Y tế "Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường" lên bảng tin, thế nhưng vẫn không thể xóa tan mối lo của nhiều phụ huynh.
Những thắc mắc của phụ huynh liên quan đến việc sữa học đường có phải là sữa tươi không, sữa học đường bổ sung những vi chất nào, được phép bổ sung bao nhiêu loại, có quy định gì khi bổ sung những vi chất đó, việc bổ sung những vi chất khác nhau thế nào đối với học sinh mầm non và học sinh tiểu học. Nhất là thông tin cho rằng Sữa học đường không phải là sữa tươi khiến nhiều phụ huynh rất bất ngờ.
Còn chị Nguyễn Thị Hạnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nêu ý kiến: Nhiều phụ huynh lựa chọn tham gia chương trình sữa học đường vì tin vào chất lượng sản phẩm của một hãng sữa lớn trên thị trường. Khi được biết ở trường các con được uống sữa nhãn hiệu Vinamilk, nhiều phụ huynh đã không ngần ngại đăng kí vì tin tưởng vào thương hiệu của hãng sữa hàng đầu.
Tuy nhiên trên thực tế, quy chuẩn mà phụ huynh chờ đợi, nhà trường kỳ vọng - vẫn chưa thực sự rõ ràng. Bởi lẽ hiện sản phẩm sữa trong Đề án cũng mới chỉ được Bộ Y tế đưa ra quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường. Quy định này cũng chưa cụ thể về các vitamin, khoáng chất bổ sung vào sữa.
Đại diện của một hãng sữa lớn tham gia đấu thầu đề án sữa học đường của Hà Nội cũng thừa nhận: Nếu chúng ta có quy chuẩn rõ ràng về sữa học đường thì nhà trường và phụ huynh sẽ yên tâm hơn khi lựa chọn. Cũng vì chưa có quy chuẩn chính thức nên những băn khoăn của phụ huynh về chương trình sữa học đường là có cơ sở.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, toàn TP có hơn 1 triệu trẻ mầm non và học sinh tiểu học tham gia Chương trình sữa học đường, chiếm tỷ lệ 87,7%. Có 16 quận, huyện có tỷ lệ học sinh tham gia chương trình đạt hơn 90%, trong đó huyện Mỹ Đức có tỷ lệ trẻ mầm non và học sinh tiểu học tham gia cao nhất, với 99,4%.
Một trong những vướng mắc khi triển khai chương trình là chưa có quy chuẩn cụ thể về sữa. Những thông tin không rõ ràng về những vi chất được bổ sung trong sữa khiến nhiều người quan tâm, mặc dù lãnh đạo Bộ Y tế, Viện dinh dưỡng đều khẳng định những vi chất đó là rất cần thiết.
Khẩn trương hoàn thiện thủ tục ban hành Thông tư
Vào tháng 4/2018, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đăng tải công khai trên website về Dự thảo Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Ngày 13/5/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1783/QĐ-BYT quy định về logo cho sản phẩm sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường. Ngày 18/6/2019, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.
Sau đó, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Dự thảo 9/7 Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và đề nghị các doanh nghiệp liên quan góp ý trước ngày 12/7.
Thế nhưng giờ đã đến giữa tháng 8/2019, thời điểm năm học mới cũng sắp bắt đầu, trải qua nhiều cuộc họp nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin Dự thảo 9/7 này khi nào sẽ được ký ban hành. Dư luận đang đặt câu hỏi: Vì sao việc ban hành thông tư quy định đối với sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường lại chậm trễ một cách khó hiểu đến thế?
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Chương trình Sữa học đường bước đầu được các phụ huynh đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, quy chuẩn mà phụ huynh chờ đợi, nhà trường kỳ vọng vẫn chưa thực sự rõ ràng. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế mới đưa ra quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường nhưng quy định này cũng chưa cụ thể về các vitamin, khoáng chất bổ sung vào sữa.
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: Sau khi lấy ý kiến góp ý, Vụ đang làm việc khẩn trương và xin lịch làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế. Bộ Y tế sẽ mời Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường để cùng thống nhất về nội dung trong Thông tư này.
Với tư cách là cơ quan đầu mối xây dựng Thông tư, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế, sẽ đề xuất với Chính phủ, sau khi kết thúc Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 theo Quyết định 1340/QĐ-TTg sẽ chuyển Chương trình này cho các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai.