Cuộc họp ngày 18/6/2019 với đầy đủ các thành phần Cục, Vụ, Viện có liên quan của Bộ Y tế cùng các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ngành sữa dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã thống nhất bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường.
Cụ thể, vào ngày 18/6/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chủ trì cuộc họp góp ý Dự thảo Thông tư với các thành phần tham dự gồm Cục, Vụ, Viện có liên quan của Bộ Y tế cùng với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sữa khác như TH Truemilk, Vinamilk, Nuti, Cô Gái Hà Lan, Ba Vì, Đà Lạt milk, đã thống nhất và có sự đồng thuận cao về các loại sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và hai mươi mốt (21) vi chất dinh dưỡng bắt buộc bổ sung. Trên cơ sở đó, ngày 27/6/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông báo số 690/TB-BYT thông báo Kết luận của Thứ trưởng Trương Quốc Cường với các nội dung chính cho biết:
Quán triệt Kết luận của Thứ trưởng Trương Quốc Cường, đến ngày 10/7/2019, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã gửi Công văn số 3963/BYT-BMTE v/v góp ý Dự thảo Thông tư (đề Hỏa tốc) gửi cho các các đơn vị đề nghị các đơn vị cho ý kiến đóng góp Dự thảo Thông tư nêu trên trước ngày 12/7/2019. Hầu hết các thành viên Hiệp hội Sữa được xin ý kiến đã đóng góp đúng thời gian quy định tại công văn số 3963/BYT – BMTE. Các công ty sữa tham dự cuộc họp đều thống nhất về việc bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường.
Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ được Bộ Y tế giao theo Điều 2, Quyết định 5450/QĐ-BYT, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã đề xuất bổ sung 21 loại vi chất dinh dưỡng và hàm lượng cụ thể theo Văn bản số 363/VCDD-VDD ngày 03/7/2019 về việc đề xuất các loại vi chất dinh dưỡng và hàm lượng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, đã được thống nhất theo tinh thần cuộc họp do Thứ trưởng Trương Quốc Cường chủ trì vào ngày 18/6/2019.
Tuy nhiên, trả lời báo chí sáng 15/8 về vấn đề chậm trễ ban hành Quy chuẩn sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em lại cho biết: Bổ sung 3 vi chất hay bổ sung thêm 18 vi chất theo khuyến nghị thành 21 vi chất, phải có cơ sở nghiên cứu khoa học... Đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau trong việc bổ sung vi chất vào sữa học đường, như tranh cãi nên bổ sung 3, 18 hay 21 vi chất nên Bộ Y tế chưa có quyết định cuối cùng
Phản ứng về cách trả lời "tiền hậu bất nhất" của Bộ Y tế, một số ý kiến cho rằng, trong khi tất cả các doanh nghiệp sữa đã đồng thuận về số lượng vi chất, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng đã đưa ra kết luận cuộc họp ngày 18/6, vậy tại sao vẫn có cuộc "đảo chiều" như vậy, phải chăng việc trì hoãn đưa ra tiêu chí cụ thể sẽ làm lợi cho một đơn vị nào đó khi tham gia đấu thầu?
Theo PGS. TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam: Với quy trình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp sữa hiện nay, họ sẽ “không kịp trở tay” nếu như Thông tư ban hành sát nút năm học mới.
“Các nhà máy sản xuất phải căn cứ vào quy chuẩn Sữa học đường mà Thông tư ban hành gồm cả về bổ sung bao nhiêu vi chất, mẫu mã, bao bì, thiết kế nhãn như thế nào để bảo đảm sản xuất theo đúng quy chuẩn về nguyên liệu, công thức. Sữa học đường cũng cần phải được nghiên cứu và thử nhiều lần trước khi đưa vào chương trình, mất thời gian cả tháng.
Việc bổ sung vi chất vào Sữa học đường là rất cần thiết, phù hợp với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam và rất cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em. Hàm lượng các vi chất bổ sung trong sữa cũng nằm trong hàm lượng mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi. Theo đó, bổ sung 21 vi chất là hết sức cần thiết”, ông Trung khẳng định.