Chương trình mục tiêu quốc gia vùng DTTS: Địa phương chủ động 'gỡ khó'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đoàn kiểm tra Bộ GD&ĐT đề nghị, UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành Chương trình.

Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 25/11, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 tại tỉnh Phú Thọ.

Vai trò quan trọng

Báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ khẳng định, Chương trình bao trùm các lĩnh vực của đời sống xã hội, có tác động rất lớn, quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sau gần một năm thực hiện, Chương trình đã tạo được niềm tin, sự ủng hộ trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sự đồng thuận của các cấp ủy chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành. Tính đến thời điểm báo cáo, Phú Thọ cơ bản hoàn thành các văn bản, cơ chế để triển khai thực hiện Chương trình.

Phú Thọ đang giao các đơn vị dự thảo các quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giao cho cộng đồng tự thực hiện xây dựng công trình theo định mức hỗ trợ; văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, cơ quan được giao chủ trì Tiểu dự án 1 - Dự án 5 đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ này trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 để các đơn vị liên quan và các địa phương triển khai tổ chức thực hiện.

Phú Thọ triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch các chỉ tiêu, mục tiêu, nội dung nhiệm vụ đã được phê duyệt và đã hoàn thành việc phân bổ vốn cho các dự án theo quy định. Sau khi kế hoạch vốn được phân bổ, các địa phương triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ kế hoạch.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhìn chung tiến độ giải ngân còn chậm. Hiện nay, UBND tỉnh Phú Thọ đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện được giao vốn khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, hỗ trợ để kịp thời giải ngân vốn kế hoạch năm 2022 theo quy định.

Đoàn kiểm tra đi kiểm tra một số công trình cơ sở vật chất đang được xây dựng tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ.

Đoàn kiểm tra đi kiểm tra một số công trình cơ sở vật chất đang được xây dựng tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ.

Những "điểm nghẽn" cần khai thông

Những vướng mắc được tỉnh Phú Thọ chỉ ra, bao gồm, công tác giải ngân thực hiện trong thời gian ngắn với khối lượng công việc lớn; chậm ban hành các cơ chế, tổ chức thực hiện Chương trình do liên quan với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Mặc dù Thông tư đã quy định phân cấp mạnh cho địa phương, nhưng một số nội dung chưa có tiền lệ nên nhiều nội dung chưa đủ điều kiện triển khai ngay.

Từ đó, Phú Thọ kiến nghị, Ban chỉ đạo trung ương tham mưu với Chính phủ thông báo kế hoạch vốn sự nghiệp ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở cho các địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm triển khai thực hiện Chương trình. Các bộ, ngành trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn (một số dự án, tiểu dự án chưa có văn bản hướng dẫn), để các địa phương có cơ sở triển khai.

Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đề nghị, UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành Chương trình; chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan khẩn trương tham mưu thể chế hóa các văn bản quy định của trung ương liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, UBND tỉnh Phú Thọ cần xây dựng ban hành cơ chế lồng ghép nguồn lực, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, các tổ chức chính trị, xã hội để đầu tư, hỗ trợ xây dựng các dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung nguồn lực cho địa bàn các xã, thôn, xóm đặc biệt khó khăn, các xã có khả năng thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn gắn với việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình cũng cần được tăng cường.

Tại tỉnh Phú Thọ, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã đến thăm và làm việc tại đơn vị thụ hưởng của Chương trình - Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ. Nơi đây đang tiến hành triển khai xây dựng các công trình thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 5. Hạng mục này nhằm thực hiện đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến trong thời gian tới, hơn 500 học sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ sẽ có phòng học bộ môn để đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.