Theo đó, từ 863 đề tài đăng ký dự thi cấp thành phố, trong đó có 395 đề tài của học sinh bậc THCS và 485 đề tài của học sinh bậc THPT, 4 đề tài của các đơn vị Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-Trung tâm GDTX của gần 1.600 học sinh thực hiện, hội đồng giám khảo đã chọn ra 50 đề tài dự thi vòng chung kết.
Sau vòng thi chung kết, hội đồng giám khảo, ban tổ chức sẽ chọn ra 6 đề tài tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Được biết, ban giám khảo sẽ lựa chọn đề tài thi quốc gia và xét giải cấp thành phố dựa trên các tiêu chí chủ đạo như: Tính mới của đề tài; Tính khoa học, logic của đề tài và phương pháp nghiên cứu đề tài... Đồng thời, trong vòng chung kết, học sinh phải thể hiện năng lực, bản lĩnh của mình trong NCKH.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, cuộc thi là sân chơi bổ ích, nhằm kích thích sự sáng tạo trong học sinh, phát triển năng lực tự học, giúp học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học, rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.
Ngoài ra, cuộc thi cũng tạo cơ hội khởi nghiệp cho học sinh, góp phần đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động dạy và học, đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.
Cuộc thi đã giúp học sinh có cơ hội gắn kết với các môi trường xã hội (như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, địa phương…), là cơ hội để học sinh có những sản phẩm sáng tạo giúp ích xã hội.
Bên cạnh đó, cuộc thi cũng là sân chơi cho học sinh giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ đam mê nghiên cứu khoa học.
Những đề tài lọt vào vòng chung kết cấp thành phố năm nay đều có sự đầu tư công phu, có nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao, bám sát đời sống thực tiễn; tính nhân văn…
Cụ thể như, đề tài phương án điều chỉnh thời gian cho đền tín hiệu để giảm ùn ứ giao thông trong giờ cao điểm; Nón bảo hiểm thông minh hay máy lật sách hỗ trợ người khuyết tật cả hai tay;
Sản xuất nước giải khát từ thanh long ruột đỏ và kombucha; Robot hỗ trợ người bị liệt sử dụng giọng nói tiếng Việt; Rotbot hỗ trợ thu gom rác nổi nhỏ và vừa trên sông, hồ; Ô nhiễm tiếng ồn-hiệntrạng và giải pháp…
Ngoài ra cũng có rất nhiều dự án bám sát đời sống thực tiễn như Robot lọc và điều hoà không khí, Robot hỗ trợ phòng chống Covid-19;
Ở lĩnh vực KHXH và hành vi những đề tài nổi bật như V.I.S Ứng dụng hỗ trợ du học sinh Việt Nam; Cách thức giải quyết khó khăn tâm lý của học sinh THPT tại TP.HCM và sự trợ giúp của gia đình, nhà trường; Thực trạng Monday blues ở học sinh THPT và một số giải pháp...
Theo các em học sinh tham gia cuộc thi, đây là một sân chơi vô cùng bổ ích để học sinh thể hiện đam mê với NCKH, vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn.
Nhóm học sinh Lê Minh Dũng, Nguyễn Khắc Sơn của Trường THPT Trần Văn Giàu (Quận Bình Thạnh) với dự án Robot hỗ trợ phòng chống Covid-19. Theo đó, robot sẽ tích hợp việc đo thân nhiệt, rửa tay, khử khuẩn toàn thân, điểm danh học sinh…
Nếu học sinh có thân nhiệt bất thường, nó sẽ chuyển dữ liệu tên, lớp của học sinh về máy chủ và nhà trường sẽ nắm được em nào có thân nhiệt cao, thay vì việc đo thân nhiệt khá thủ công như hiện nay.
Ngoài ra máy cũng có thể phục vụ được việc điểm danh học sinh (qua một thẻ từ). Các em hoàn thành dự án trong vòng hơn nửa năm, khởi động từ cuối tháng 7/2020. Các em đã có trên 50 lần chạy thử, với các trường hợp khác nhau.
Theo Minh Dũng, "trong quá trình thực hiện dự án, tụi em có thêm nhiều kiến thức khác, biết vận dụng các kiến thức mình đã học ở các môn như Toán, Vật lý, Tin học… để ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó là sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ niềm đam mê NCKH".