Chưa mặn mà…?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong khi các trường sư phạm sẵn sàng chờ “đơn đặt hàng” đào tạo giáo viên thì nhiều địa phương vẫn chưa thực sự mặn mà với cơ chế này.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Đào tạo giáo viên theo đơn đặt hàng được cho là giải pháp hữu hiệu, nhất là trong bối cảnh thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Mới đây, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022 – 2026. Nhiều người kỳ vọng, đây sẽ là cú “hích” để các địa phương thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên với trường sư phạm.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116) có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 và áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai, áp dụng phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên. Hiện có khoảng 40/63 tỉnh, tức là mới có khoảng 1/3 tỉnh, thành phố đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên cho địa phương mình.

Dự báo đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở tất cả khối lớp, sẽ phải bổ sung hơn 24.000 giáo viên ở 3 môn học mới gồm: Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ cấp tiểu học; môn Nghệ thuật cấp THPT. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung trên 94.700 biên chế trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Thiếu giáo viên là thực trạng đang hiện hữu ở hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó có những địa phương thiếu đến hàng nghìn thầy, cô. Dù thiếu nhưng thực tế việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 còn chậm. Lý giải việc này, một số chuyên gia cho rằng, có thể do các địa phương chưa nhận thức được tính nghiêm trọng của tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn. Thứ nữa, phần vì kinh phí còn eo hẹp, chưa tự cân đối được ngân sách để có thể thực hiện cơ chế đặt hàng với các trường sư phạm.

Song cũng có ý kiến phản biện rằng, nếu đã đặt hàng đào tạo giáo viên thì sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, không có chuyện thực hiện theo kiểu dập khuôn, máy móc. Vì thế, các tỉnh, thành phố cần rà soát, tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo giáo viên tại địa phương ở từng cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh. Sau đó, gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 31/1 hằng năm và công khai trên phương tiện thông tin, truyền thông.

Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện tuyển sinh.

GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, nếu chậm thực hiện Nghị định này, trong vài năm nữa sẽ báo động về thiếu đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, để triển khai Nghị định 116 có hiệu quả, không chỉ Bộ GD&ĐT, mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ GD&ĐT cần có thêm văn bản hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện Nghị định 116 được rõ ràng, hiệu quả; đảm bảo kết hợp hài hòa giữa các địa phương và trường sư phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.