Gỡ khó đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu

GD&TĐ - Theo quy định, các cơ sở đào tạo giáo viên được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội... Tuy nhiên, thực tế đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Tại Hội nghị triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương – sáng 29/4, các đại biểu khẳng định: quy định trên là một trong những điểm nhấn và tiến bộ của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, cái khó khi thực hiện là “đầu ra” cho giáo viên, bởi “định biên” do Bộ Nội vụ quyết định.

Cần đổi mới về tư duy

Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết, hiện địa phương này thiếu khoảng 5.000 giáo viên, nhiều nhất là giáo viên mầm non. Tuy nhiên, nếu xác định xong chỉ tiêu theo Nghị định 116 thì cũng khó thực hiện vì biên chế cho giáo viên do Bộ Nội vụ quản lý, trong khi chúng ta đang thực hiện chủ trương chung là tinh giảm biên chế.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi, mục đích của hội nghị không phải giải quyết được mọi vấn đề của đào tạo, tuyển dụng, sử dụng giáo viên, mà làm sao thống nhất đuợc nhận thức, quan điểm và bàn cách triển khai hiệu quả nhất.

Theo đó, Hội nghị thống nhất cao và quyết tâm triển khai những nội dung của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP vào thực tế. Yêu cầu đào tạo giáo viên, nhu cầu tuyển dụng, phát triển đội ngũ giáo viên với nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và bám sát nhu cầu sử dụng là nội dung mà Nghị định này hướng tới.

Cho nên, cần thống nhất rõ trách nhiệm của các bên liên quan như: cơ sở đào tạo, địa phương, bộ ngành khác. Có thể có những vấn đề không thuộc phạm vi Nghị định này, nhưng chúng ta cũng đề cập tới, bởi nếu chỉ ngành Giáo dục thì không thể giải quyết được.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương – sáng 29/4
Toàn cảnh Hội nghị triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương – sáng 29/4

Theo Thứ trưởng, cần đổi mới về tư duy. Cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu không nhìn nhận từ góc độ thị trường, nhưng cũng không nhìn nhận từ góc độ theo cách: Kinh tế kế hoạch, hay bao cấp… Ở đây, trách nhiệm của các trường, địa phương cần chủ động hơn trong xác định nhu cầu, làm việc và công bố công khai nhu cầu, năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo; từ đó các bên gặp nhau, nhưng trên nguyên tắc: lấy chất lượng làm hàng đầu.

Nhấn mạnh đến nguyên tắc đảm bảo cân đối cung - cầu; Thứ trưởng trao đổi: Các giải pháp kỹ thuật mà Bộ GD&ĐT đề xuất nhằm nhằm tối ưu hóa, cân đối tốt nhất giữa nhu cầu tuyển dụng, sử dụng và chỉ tiêu đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên.

Nghị định này không thể giải quyết triệt để, hay bảo đảm cân đối cung - cầu tuyệt đối; chúng ta cần tôn trọng cơ chế thị trường, sự lựa chọn của người học và quy trình tuyển dụng sau này. Nhưng chúng ta nhìn nhận rằng, các chính sách của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP tốt hơn trước kia khi chưa có Nghị định này.

Cũng theo Thứ trưởng, các trường cần công khai rất rõ tiêu chí, nhu cầu tuyển sinh, năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo… để địa phương và người học cùng đánh giá, lựa chọn. Quan trọng nhất cần có sự điều phối giữa các bên liên quan, đặc biệt trong những quy trình giao nhiệm vụ, đặt hàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ