Giải quyết thừa, thiếu giáo viên cục bộ từ cơ chế đào tạo “đặt hàng”

GD&TĐ - Một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên và sử dụng giáo viên sát với nhu cầu thực tế là cần xây dựng cơ chế đào tạo theo “đặt hàng” hoặc giao nhiệm vụ.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Đào tạo sát với nhu cầu 

Theo lộ trình, năm học 2021-2022, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và lớp 6. Bên cạnh công tác chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, yêu cầu chuẩn bị về đội ngũ được đặt lên hàng đầu.

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc xây dựng cơ chế đào tạo giáo viên theo “đặt hàng”, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu, nhằm giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Mặt khác, việc sử dụng giáo viên sẽ sát với nhu cầu thực tiễn hơn, hạn chế tình trạng thừa – thiếu cục bộ.

Theo thầy Nguyễn Hữu Tuyến – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, hiện nhiều địa phương thiếu khoảng 2.000-3.000 giáo viên. Các địa phương cần xác định nhu cầu tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Trên cơ sở đó, có thể “đặt hàng” với các trường sư phạm để đào tào, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên sát với nhu cầu, qua đó bổ sung nguồn lực cho ngành Giáo dục, góp phần vào thực hiện thành công chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất, Bộ GD&ĐT cần dự báo nhân lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trên cơ sở đó, các địa phương đăng kí nhu cầu theo từng giai đoạn với số lượng cụ thể.

Ngoài ra, Bộ cần có hướng dẫn để sinh viên được quyền đề xuất nguyện vọng trên cơ sở yêu cầu của địa phương cần; nếu sinh viên không thực hiện đúng cam kết sẽ phải bồi hoàn chi phí.

Một lớp học tại Trường THCS Thanh An (Thanh Hà, Hải Dương)
Một lớp học tại Trường THCS Thanh An (Thanh Hà, Hải Dương)

Tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ 

Viện dẫn Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Phạm Như Nghệ cho biết, Nghị định này có nhiều điểm mới, trong đó có việc đào tạo sinh viên sư phạm gắn chặt với nhu cầu sử dụng và tuyển dụng giáo viên tại các địa phương.

Việc này sẽ được thực hiện dựa trên cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm của các địa phương với các cơ sở đào tạo.

Đồng thời quy định gắn trách nhiệm của các địa phương từ nhu cầu đến đặt hàng đào tạo; bố trí, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thực trạng sinh viên sư phạm ra trường làm trái ngành nghề đang diễn ra.

Bộ GD&ĐT đã dự thảo hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

Theo đó, các thông tin liên quan đến giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên phải được công khai tại các trang thông tin điện tử của các địa phương, bộ/ngành có liên quan và các cơ sở đào tạo giáo viên; đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người học tham khảo, lựa chọn, cam kết tham gia học tập, công tác theo nhu cầu đào tạo và sử dụng giáo viên của địa phương.

Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tổng hợp và công khai danh sách, năng lực đào tạo trong năm tuyển sinh của các cơ sở đào tạo giáo viên; chỉ tiêu, điểm trúng tuyển theo ngành (2 năm liền kề năm tuyển sinh) của các cơ sở đào tạo giáo viên để UBND cấp tỉnh, người học tham khảo, lựa chọn ngành, cơ sở đào tạo trong nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu của địa phương.

Dự thảo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nêu rõ kế hoạch thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên:

Bộ GD&ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên trước ngày 15/5/2021.

Bộ GD&ĐT công khai danh sách, năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên trên Cổng tin của Bộ GDĐT trước ngày 15/5/2021.

Bộ GD&ĐT thông báo các thông tin hỗ trợ tới các địa phương và các cơ sở đào tạo giáo viên trước ngày 30/5/2021.

UBND cấp tỉnh hoàn thành giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên đối với cơ sở đào tạo giáo viên trước ngày 15/6/2021.

Các cơ sở đào tạo giáo viên báo cáo Bộ GD&ĐT kết quả thực hiện việc đào tạo giáo viên theo NĐ 116 trước ngày 31/12/2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.