Thực trạng đáng suy ngẫm
Giáo viên là những người có tác động quan trọng về xây dựng và phát triển nhân cách, tâm sinh lý của học sinh. Nếu giáo viên có tình trạng sức khỏe tâm thần (SKTT) tốt, có thái độ, nhận thức và năng lực tốt, sẽ tạo ra những thế hệ học trò hạnh phúc, có tác động lâu dài đến sự phát triển của hàng nghìn học sinh.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục thuộc Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội chỉ ra rằng, thầy cô phải mang việc về nhà, ban giám hiệu, phụ huynh soi xét và thiếu ủng hộ, lớp học quá tải, sợ bị ghi âm, ghi hình đưa lên mạng xã hội... đều ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của giáo viên. Sau đại dịch Covid-19, chúng ta đã chứng kiến nhiều tổn thương về sức khỏe tâm thần, nhất là với đội ngũ giáo viên.
Theo các chuyên gia, khi thầy cô giáo có một sức khỏe tâm thần tốt thì sẽ tạo ra thế hệ học sinh hạnh phúc trong một trường học hạnh phúc. |
Các khảo sát của CDC, Hoa Kỳ cho thấy, 52% giáo viên báo cáo rằng sức khỏe tâm thần của họ suy giảm sau đại dịch Covid-19. Có khoảng 27% giáo viên sàng lọc bằng trầm cảm bằng thang PHQ-9 đáp ứng trầm cảm. Khảo sát này cũng cho thấy khoảng 53% giáo viên nghĩ nhiều hơn đến việc rời khỏi vị trí công tác so với trước đại dịch.
Tương tự, ở Việt Nam trong một nghiên cứu khảo sát tình trạng sức khỏe tâm thần của giáo viên THCS tại Quảng Trị, Huế và TP Hồ Chí Minh cho thấy, có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương SKTT cao và khoảng 6,1% giáo viên có SKTT không tốt. Trong đó, hầu hết mọi người không nghĩ đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ, và một số người muốn tìm kiếm sự giúp đỡ thì lại không tiếp cận được các dịch vụ cần thiết.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng điểm qua một số nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này bao gồm quá tải về các nhiệm vụ công việc, không cảm thấy được ghi nhận với các nhiệm vụ đã hoàn thành; không cân bằng được giữa thời gian dành cho cuộc sống và công việc…
"Ngoài ra ở Việt Nam, một yếu tố gây áp lực lớn với giáo viên là việc học sinh, phụ huynh sẵn sàng ghi âm, ghi hình và đưa các thông tin đó lên mạng xã hội một cách thiếu cân nhắc. Điều này khiến nhiều giáo viên cảm thấy bị căng thẳng vì ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần" - PGS.TS Trần Thành Nam.
Có nhiều nguyên nhân khác như phải thực hiện các nhiệm vụ giấy tờ không cần thiết, phải thu thập quá nhiều số liệu phục vụ công tác quản trị, những yêu cầu không hợp lý từ các cấp quản lý, thiếu các thiết bị hỗ trợ làm việc, những hành vi không thân thiện từ học sinh và phụ huynh, sự thay đổi quá nhanh về yêu cầu đổi mới và đòi hỏi về năng lực mới.
Còn nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên thường không chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần là vì còn nhiều niềm tin thành kiến về vấn đề này. Giáo viên thường tự cho mình ở vị trí phải giáo dục người khác vượt qua những khó khăn về tâm lý nên thể hiện lo lắng là một biểu hiện của sự thiếu năng lực, kém cỏi và yếu đuối; vấn đề trầm cảm là thiếu ý chí, thể hiện sự lười nhác. Nhiều giáo viên vẫn tin rằng cách để chữa bệnh tâm lý chỉ là ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung vitamin, đi ra ngoài chơi là khỏi bệnh.
Cần các giải pháp từ xa
Hội thảo "Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc" vừa được Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội phối hợp tổ chức tại Hà Nội. |
Trên cơ sở những phân tích về thực trạng và nguyên nhân của tình trạng trên, PGS.TS Trần Thành Nam đã đề xuất về một cơ chế để tận dụng các nguồn lực chăm sóc SKTT, nhất là với đội ngũ giáo viên.
Ví dụ, cần tích hợp và chuyên nghiệp hóa 3 vị trí hỗ trợ SKTT trong trường học là nhà tham vấn tâm lý, nhà tâm lý học đường và nhân viên công tác xã hội học đường. Từ đó mới có "bản vẽ" của ngôi trường hạnh phúc nhằm "chữa lành" cho đội ngũ nhà giáo bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thành Nam cũng kêu gọi sự hợp tác để xây dựng một hệ thống đánh giá sàng lọc các vấn đề tổn thương SKTT cho giáo viên và học sinh trong toàn hệ thống; phát triển các nhóm hỗ trợ đồng đẳng từ xa, các dịch vụ hỗ trợ chuyên gia trực tuyến…
Vị chuyên gia cũng dẫn chứng việc áp dụng các chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần đưa vào nhà trường đã có hiệu quả; khuyến nghị cần đưa một số nội dung giáo dục nhận thức về sức khỏe tâm thần vào nhà trường.
PGS.TS Trần Văn Công - Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục. |
Cùng đưa ra giải pháp cho vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Công - Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục cho rằng, điều đầu tiên là sự chú tâm và nhận diện ra các biểu hiện, nguy cơ tổn thương mà hàng ngày chúng ta có thể thường không chú ý.
Ví dụ, chúng ta cảm thấy ăn không ngon, ngủ không sâu như trước và có xu hướng cô lập mình khỏi gia đình và bạn bè để tập trung cho công việc; chúng ta bỗng không chịu nghỉ giải lao và đứng lên theo giờ quy định, không còn cảm thấy thích thú và cam kết với những công việc mình đang làm. Nhiều giáo viên cũng cảm thấy mình vô cảm sau một cuộc họp hoặc livestream, cảm thấy ít thông cảm và chu đáo hơn với học sinh…
Qua đó, PGS.TS Trần Văn Công đã hướng dẫn các bài tập trải nghiệm chánh niệm để phát hiện những điều vẫn xảy ra xung quanh chúng ta nhưng cuộc sống bộn bề khiến cho chúng ta đã bỏ qua rất nhiều trong cuộc sống. Từ đó khuyến khích điểm mạnh của cá nhân, thúc đẩy ý nghĩa cuộc sống, sử dụng sáng tạo, tập trung vào lòng dũng cảm, tính kiên định và thực hành “dòng chảy”
Chiến lược dòng chảy khuyến khích chúng ta hồi tưởng về những sự kiện tích cực trong quá khứ (hồi ức tích cực); tiếp tục những trải nghiệm tích cực trong hiện tại (nhắc lại 3 sự kiện tích cực hàng ngày, biết ơn người khác, đếm việc tử tế của bản thân) và Trải nghiệm tích cực trong tương lai thông qua sự mong đợi (tưởng tượng tích cực về những gì sẽ xảy ra, trải nghiệm khan hiếm…).