Nỗ lực nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ vị thành niên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 22/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã đồng chủ trì hội thảo công bố báo cáo về sức khỏe tâm thần của học sinh.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao những góp ý, đề xuất của các diễn giả về các giải pháp để nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh tuổi vị thành niên.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao những góp ý, đề xuất của các diễn giả về các giải pháp để nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh tuổi vị thành niên.

Tham dự chương trình có lãnh đạo Vụ Giáo dục thể chất và một số Vụ, Cục trực thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện Bộ Y tế - Bộ Lao động thương binh & Xã hội; các Viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học; các Sở GD&ĐT cùng một số đơn vị, cá nhân khác.

Những yếu tố tác động tới sức khỏe tâm thần

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh, sức khỏe tâm thần là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe theo Tổ chức Y tế thế giới - WHO, 2021. Theo đó, sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần mà còn bao gồm trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của bản thân.

Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2021 của UNICEF cho thấy trên toàn cầu, cứ 7 thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi thì có một người được chẩn đoán sống chung với chứng rối loạn tâm thần. Những trường hợp nghiêm trọng còn dẫn tới tự tử. Tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý đang phổ biến và ngày càng gia tăng ở thanh thiếu niên.

Con số nghiên cứu tại Việt Nam còn cho thấy, có từ 8 - 29% trẻ vị thành niên bị mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung. Trong khi đó, việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội thuộc thẩm quyền của một số Bộ như Y tế; Giáo dục & Đào tạo; Lao động, thương binh & Xã hội. Mỗi đơn vị lại có mô hình quản lý khác nhau.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh (bìa trái) và bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam (giữa) đồng chủ trì hội thảo. Thứ trưởng Ngô Thị Minh (bìa trái) và bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam (giữa) đồng chủ trì hội thảo.

Tuy nhiên, cần có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần đa tầng cung cấp các biện pháp can thiệp ở các cấp độ mà các ngành khác nhau đóng những vai trò khác nhau trong việc cung cấp dịch vụ và hỗ trợ. Hiện nay, vẫn còn thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng và mang tính đáp ứng giới cũng như nguồn nhân lực cần thiết cho việc chăm sóc, điều trị các bệnh lý về tâm lý - xã hội.

Cũng theo Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, trường học là một trong những môi trường tâm lý xã hội quan trọng nhất của thanh thiếu niên. Nơi đó có cả các yếu tố nguy cơ về sức khỏe tâm thần, các yếu tố bảo vệ và cơ hội để nâng cao, hỗ trợ sức khỏe tâm thần.

Bằng chứng chỉ ra rằng môi trường học đường, áp lực học tập, bắt nạt và các yếu tố gây căng thẳng xã hội khác tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của học sinh vị thành niên ở Việt Nam. Các dịch vụ sức khỏe tâm thần tại trường học là thành tố quan trọng hỗ trợ sức khỏe tâm thần của học sinh vị thành niên và giải quyết các yếu tố nguy cơ liên quan đến sức khỏe tâm thần ở trường học.

Bộ GD&ĐT Việt Nam đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng cách hỗ trợ trẻ vị thành niên thông qua các đơn vị tư vấn, đào tạo kỹ năng sống, và trong một số trường hợp là phát triển kỹ năng làm cha mẹ. Tuy nhiên, khối lượng công việc nặng nề của giáo viên và việc thiếu các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ thanh thiếu niên gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn và chất lượng của các đơn vị tư vấn.

Cần những giải pháp cụ thể

Tiến sĩ Amie Pollack đưa ra một vài đề xuất tại hội thảo. Tiến sĩ Amie Pollack đưa ra một vài đề xuất tại hội thảo.

Tham gia góp ý với hội thảo thông qua hình thức trực tuyến, Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Amie Pollack đến từ Mỹ cũng đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất với các cơ quan hữu trách của Việt Nam cũng như UNICEF để thúc đẩy sức khỏe tâm thần của học sinh ở lứa tuổi vị thành niên.

Đối với ngành Giáo dục, cần thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh; loại bỏ việc sử dụng kỷ luật thể chất trong trường học. Thúc đẩy sự tham gia và kết nối cả học sinh với trường học, giảm áp lực học tập. Thầy cô cần dạy cho học sinh các kỹ năng cần thiết cho sức khỏe tâm thần tích cực và sự phát triển toàn diện.

Với ngành Y tế, bà Amie Pollack khuyến nghị cần xây dựng nguồn nhân lực; đào tạo nhân viên y tế trường học những kiến thức cơ bản về sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên. Xây dựng cơ chế hợp tác giữa Sở Y tế và Sở GD&ĐT. Với UNICEF, cần lồng ghép các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên vào các chương trình liên quan của mình; xây dựng bộ công cụ sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên cho các nhóm liên quan để hỗ trợ trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ vị thành niên là ưu tiên quan trọng của Bộ GD&ĐT và nhiều cơ quan hữu quan khác. Vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ vị thành niên là ưu tiên quan trọng của Bộ GD&ĐT và nhiều cơ quan hữu quan khác.

Chia sẻ tại chương trình, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên là một trong những ưu tiên của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Đây là một nghiên cứu rất hay, đúng và trúng, nhất là giai đoạn vừa qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Số lượng trẻ bị mắc chứng rối loạn tâm lý, lo âu, trầm cảm, căng thẳng có xu hướng gia tăng. Bộ GD&ĐT luôn nhìn nhận thấu đáo về vấn đề này.

Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 1660 về chăm sóc sức khỏe học đường. Trong đó, có đề cập đến vấn đề sức khỏe tâm thần của đối tượng trẻ vị thành niên. Những khuyến nghị có trong báo cáo tóm tắt cũng như từ phía các chuyên gia đều rất xác đáng và có giá trị. Sức khỏe tâm thần là vấn đề cần phải coi trọng để xóa đi những phân biệt đối xử, mặc cảm của những em có dấu hiệu tổn thương tinh thần.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Bộ GD&ĐT đang dự thảo chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của chương trình là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe tâm thần cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên y tế trường học, cán bộ tư vấn tâm lý trong các nhà trường.

"Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp dự phòng để phát hiện sớm các nguy cơ gây ra rối loạn sức khỏe tâm thần trong trường học cho học sinh. Trong thời gian qua, UNICEF Việt Nam đã có những góp ý trực tiếp cho chúng tôi để thực hiện chương trình này. Hi vọng với sự đóng góp của các chuyên gia, đơn vị, chương trình sẽ được hiện thực hóa một cách thành công" - Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…