Chữa khủng hoảng sức khỏe tâm thần sau đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, Covid-19 không làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tâm thần ở thanh, thiếu niên nhưng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đó.

Đại dịch có thể khiến nhiều trẻ gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn.
Đại dịch có thể khiến nhiều trẻ gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn.

20% trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có một cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần của thanh, thiếu niên, cho thấy sự gia tăng rõ rệt về bệnh tâm thần, buồn bã và vô vọng ở nhóm này.

Những phát hiện này khiến nhiều chuyên gia tự hỏi, liệu đại dịch có làm tăng các rối loạn sức khỏe tâm thần ở thanh, thiếu niên không? Hay, tác động của Covid-19 làm trầm trọng thêm các triệu chứng của những thanh, thiếu niên vốn đã phải vật lộn về mặt cảm xúc?

Tiến sĩ John Walkup - Trưởng khoa Tâm thần học trẻ em và vị thành niên tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern kiêm Trưởng khoa Tâm thần và Hành vi Pritzker tại Bệnh viện Nhi Ann & Robert H. Lurie của Chicago (Mỹ) - cho rằng, đại dịch không làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tâm thần ở thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đó.

Ông Walkup dẫn chứng, trung bình 20% trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần trước khi tốt nghiệp trung học phổ thông trên toàn nước Mỹ.

Một nửa trong số những trẻ đó được xác định mắc bệnh hoặc phải điều trị. Khoảng 40% trong số chúng nhận được những lợi ích có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Khoảng 15% trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhận được sự giúp đỡ. Trong khi đó, vấn đề về tâm lý đã ngăn cách trẻ đến trường, hoặc có mối quan hệ bình thường, cũng như được chơi thể thao...

“Có thể có một nhóm nhỏ trẻ em bị Covid-19 gặp tác động trực tiếp lên não. Tuy nhiên, đó là một nhóm khá nhỏ. Nhìn chung, khi chúng ta nghĩ về những gì Covid-19 gây ra, nó đã thực sự phá hủy cơ sở hạ tầng dành cho nhóm trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nếu thực sự nghĩ về nó theo cách sâu sắc hơn một chút, chúng ta đã ủng hộ sức khỏe tâm thần cho trẻ em trong thời gian dài.

Các gia đình và nhà trường nhận thức rõ hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần. Vì vậy, đã có một cơn bão về nhận thức và tăng cường vận động, dẫn đến nhu cầu được chăm sóc ngày càng tăng. Tuy nhiên, cơ cấu cho việc chăm sóc đó đã bị loại bỏ trong hai năm qua”, chuyên gia này bày tỏ.

Covid-19 khiến trẻ không thể đến trường, gặp bạn bè cũng như tham gia các hoạt động.

Covid-19 khiến trẻ không thể đến trường, gặp bạn bè cũng như tham gia các hoạt động.

Đại dịch tước đi sự hỗ trợ

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ông Walkup cho rằng, theo cách nào đó, sẽ có sự gia tăng trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, nhờ những nỗ lực vận động chính sách.

Bên cạnh đó, hiện có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng rối loạn tâm thần nặng ở trẻ em. Trước đại dịch, nhiều trẻ em được chăm sóc chu đáo về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, sau đó Covid-19 đã tước đi tất cả các cơ sở hạ tầng hỗ trợ (trường học, hoạt động, giải trí, mối quan hệ...).

Theo ông Walkup, đó là lý do triệu chứng của trẻ sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn. Bởi, khi không có những cơ sở hạ tầng đó, có sự gia tăng đáng kể về bệnh lý.

“Lo lắng và buồn bã là những cảm xúc bình thường của con người. Lo lắng giúp chúng ta chuẩn bị cho những kết quả khó khăn. Trong khi đó, nỗi buồn giúp chúng ta gần gũi hơn với mọi người. Những gì chúng tôi nghiên cứu về bệnh tâm thần là các dạng bệnh lý của lo lắng hoặc buồn bã. Đó là trầm cảm và rối loạn lo âu. Về bản chất, những thứ đó khác với nỗi buồn và lo lắng của người bình thường”, chuyên gia nhận định.

Ông Walkup cho biết, trong đại dịch Covid-19, khi những đứa trẻ không biết điều gì sẽ xảy ra, chúng ngày càng lo lắng và đau khổ vì không thể gặp bạn bè và thầy cô ở trường. Khi đó, trẻ sẽ đặt câu hỏi về tương lai. Tuy nhiên, đó không phải là bệnh lý. Đó là điều có thể mong đợi và tình trạng lo lắng sẽ biến mất khi mọi thứ trở lại bình thường.

Khi đại dịch xảy ra, nhiều trẻ em không được điều trị. Các thống kê cho thấy, tỷ lệ lo âu và trầm cảm ở thanh, thiếu niên là nữ giới nhiều hơn nam. Điều đó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc tìm kiếm điều trị không cân đối.

Thực tế cho thấy, nhiều trẻ em nữ cần được giúp đỡ hơn trong hai năm qua. Không chỉ vậy, ông Walkup cho rằng, những người trẻ thuộc cộng đồng LGBT cũng là nhóm gặp nhiều khó khăn trong đại dịch. Nhóm này cũng có tỷ lệ bị bắt nạt cao hơn. Nhiều người cảm thấy họ không nhất thiết phải hòa nhập ngay cả trong gia đình của mình.

Theo chuyên gia này, việc chú trọng tới sức khỏe tâm thần của trẻ em sau dịch là điều vô cùng quan trọng.

“Các phụ huynh nên xem lịch sử gia đình. Nếu có thành viên nào trong gia đình từng mắc một chứng rối loạn tâm thần, hãy lưu ý rằng, tình trạng đó có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều quan trọng là cha mẹ phải hiểu rằng, những rối loạn tâm thần này phát sinh vào một số thời điểm có thể đoán trước trong quá trình phát triển.

Trẻ em mắc chứng ADHD (tăng động giảm chú ý) thường biểu hiện trong độ tuổi từ 4 - 7. Trẻ em mắc chứng rối loạn lo âu thường biểu hiện ở độ tuổi từ 6 - 12. Trong khi đó, trẻ em mắc chứng rối loạn trầm cảm lần đầu tiên thường ở độ tuổi thanh, thiếu niên”, ông Walkup chia sẻ.

Vì vậy, nếu có thành viên trong gia đình từng mắc ADHD, các phụ huynh nên chú ý theo dõi triệu chứng ở trẻ 3, 4 và 5 tuổi. Nếu gia đình có người từng bị rối loạn lo âu, cha mẹ nên chú ý triệu chứng ở trẻ từ 6 - 12 tuổi. Điều quan trọng là tìm hiểu kỹ về lịch sử gia đình và không nên quy tất cả triệu chứng cho Covid-19.

“Nhìn chung, chúng ta sẽ thấy gánh nặng sức khỏe tâm thần đối với trẻ em giảm đi đáng kể vì cha mẹ và người giám hộ sẽ tìm ra cách để trẻ vượt qua những khó khăn về tình cảm. Sự hỗ trợ của cha mẹ trong gia đình có thể giảm rất nhiều nỗi đau ở trẻ”, ông Walkup nhấn mạnh.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.