Chống lại chứng sa sút trí tuệ qua giấc ngủ

GD&TĐ - Ngủ từng được coi là khoảng thời gian não bộ tự tắt để “sạc lại pin”, nhưng nghiên cứu trong hơn 20 năm qua đã khiến lý thuyết này không còn đúng nữa.

Bộ não của chúng ta tự sửa chữa và củng cố ký ức khi chúng ta ngủ.
Bộ não của chúng ta tự sửa chữa và củng cố ký ức khi chúng ta ngủ.

Mặc dù còn nhiều điều để khám phá, nhưng bộ não được cho là sử dụng thời gian ngủ để loại bỏ độc tố và tự sửa chữa, đồng thời củng cố những kỷ niệm và bài học kinh nghiệm trong ngày.

Kỹ thuật giấc ngủ

Nghiên cứu về giấc ngủ là một chuyên ngành tương đối mới, nhưng người ta hiểu rằng, một giấc ngủ ngon vào ban đêm quan trọng hơn nhiều đối với sức khỏe tổng thể và hạnh phúc của chúng ta so với những gì chúng ta nghĩ trước đây.

Giấc ngủ được thiết lập để trở thành cuộc cách mạng về sức khỏe tiếp theo, tương tự như chế độ ăn uống cũng đã tạo nên cuộc cách mạng về quan điểm của chúng ta về lối sống lành mạnh trong thế kỷ 21.

Nghiên cứu về giấc ngủ cũng đã mở ra một hướng nghiên cứu khoa học mới là “kỹ thuật giấc ngủ”. Khi chúng ta hiểu hơn về những gì xảy ra khi ngủ, các nhà khoa học đang phát triển cách tác động đến giấc ngủ của chúng ta để tăng cường tối đa lợi ích của nó.

Giáo sư khoa học thần kinh Penelope Lewis của Đại học Cardiff ở Wales (Anh) đã thảo luận về các xu hướng hiện tại trong lĩnh vực này. Nghiên cứu của bà bao gồm các thí nghiệm điều khiển sóng não của đối tượng đang ngủ để tăng cường trí nhớ và bảo vệ chống lại các vấn đề liên quan đến tuổi tác như chứng sa sút trí tuệ.

Các thí nghiệm xoay quanh kỹ thuật điện não đồ (EEG) trong đó các điện cực đặt trên da đầu để đo hoạt động điện của não khi ngủ bằng cách phóng ra các xung điện. Phép đo này cho kết quả mô tả các dao động, trông giống như sóng âm thanh.

Khi họ lập được bản đồ sóng não của một đối tượng, Lewis và nhóm của bà tập trung vào các mẫu nhất định trong dao động và cố gắng điều khiển chúng một cách giả tạo để đánh lừa bộ não làm những việc có lợi cho người ngủ.

Ba giai đoạn của giấc ngủ là ngủ nhẹ, ngủ sâu và ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Mỗi giai đoạn tạo ra các dao động khác nhau vì não đang thực hiện các chức năng khác nhau.

Nghiên cứu của GS Penelope Lewis liên quan đến việc điều khiển sóng não để tăng cường trí nhớ và chống lại chứng sa sút trí tuệ.
Nghiên cứu của GS Penelope Lewis liên quan đến việc điều khiển sóng não để tăng cường trí nhớ và chống lại chứng sa sút trí tuệ.

Củng cố trí nhớ

Các nhà nghiên cứu chưa tìm hiểu các hoạt động của bộ não một cách đầy đủ nhưng họ tin rằng, bộ não đang tham gia vào quá trình phục hồi và sửa chữa cũng như củng cố khả năng học tập và trí nhớ của con người.

Ví dụ, não thải ra beta amyloids nhanh gấp đôi trong khi ngủ. Đây là chất độc có thể gây ra các mảng liên quan đến tổn thương do tuổi tác như chứng mất trí nhớ.

Theo GS Lewis, khi chúng ta già đi, giấc ngủ sẽ bị gián đoạn. Các dao động trong giấc ngủ sâu bị kéo dài ra khiến sóng trông phẳng hơn. Đây là lúc mà kỹ thuật giấc ngủ sẽ có tác dụng tốt. Nếu việc kéo giãn này có thể được đảo ngược, sự suy thoái trong não có thể bị làm chậm lại.

Một kỹ thuật mới được gọi là “kích thích thính giác vòng kín” đã đạt được điều này và giúp tăng cường trí nhớ ở những bệnh nhân đang ngủ. Đó là thứ mà GS Lewis hy vọng sau này sẽ có thể chống lại chứng mất trí nhớ do sa sút trí tuệ.

Các nhà khoa học sẽ tạo ra những âm thanh đơn giản vào đúng thời điểm trong quá trình dao động của sóng tế bào để tăng biên độ của sóng này. Họ hy vọng, đây là điều có thể giúp cải thiện phần nào sự mất mát dao động của tế bào và có khả năng làm chậm một số tổn thương liên quan đến tuổi tác.

Theo đó, các nhà khoa học sẽ theo dõi điện não đồ trực tuyến và phát hiện khi nào một dao động sắp đạt đến đỉnh điểm. Vào thời điểm này, họ sẽ tạo ra tiếng lách cách để làm tăng biên độ dao động.

GS Lewis cho biết, nếu tiếp tục tạo ra những tiếng động này suốt đêm, có thể tăng cường biên độ của giấc ngủ sâu. Kỹ thuật này hoạt động hiệu quả đối với người trẻ tuổi và đã được chứng minh là cải thiện trí nhớ của họ trong suốt một đêm ngủ. Tuy nhiên, đến nay nó chưa hoạt động tốt ở người cao tuổi hơn.

Điện não đồ cho thấy hoạt động của não.
Điện não đồ cho thấy hoạt động của não.

Củng cố việc học tập

Việc học sẽ được củng cố bằng một giấc ngủ ngon. Nếu bạn có bài kiểm tra vào ngày hôm sau, tốt nhất bạn nên đi ngủ sớm chứ không nên thức đêm để nhồi nhét. GS Lewis nhấn mạnh, các cá nhân có giấc ngủ ngon làm tốt hơn đáng kể trong bài kiểm tra vào ngày hôm sau.

Củng cố trong học tập là một chức năng của trí nhớ và nó xảy ra ở các kiểu ngủ, đồng thời liên quan đến số lượng đỉnh dao động trong điện não đồ. Khi bộ não thực hành những ký ức học được gần đây, về cơ bản là nó đang diễn tập lại trong khi ngủ. Có sự kích hoạt lại trí nhớ trong khi ngủ và điều này rất quan trọng để củng cố ký ức.

Kỹ thuật giấc ngủ xuất hiện theo một cách rất thú vị. Chúng ta có thể kiểm soát bộ nhớ trong não bằng một kỹ thuật gọi là “kích hoạt lại bộ nhớ có mục tiêu”. Những ký ức thu được gần đây được ghép nối với một âm thanh, sau đó âm thanh này được phát trong khi ngủ. Điều đó kích hoạt lại bộ nhớ và tạo sự hợp nhất. Bộ nhớ được kích hoạt trở lại mạnh hơn trong 10 ngày, mặc dù nó sẽ mất dần sau 20 ngày.

Tuy nhiên, GS Lewis cho rằng, có những thay đổi về cấu trúc não, đó là sự gia tăng chất xám sau khoảng 10 ngày. Vì vậy, một chút tín hiệu trong đêm sẽ dẫn đến những thay đổi lâu dài về chức năng, cấu trúc và hành vi trong não. Điều này khá tuyệt vời.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ