Một nghiên cứu mới cho thấy những người áp dụng một số chế độ ăn uống bao gồm nhiều trái cây, rau, đậu và trà hoặc cà phê có ít nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ khi về già. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neurology và tạp chí Y khoa của Học viện Thần kinh Mỹ.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Tác giả nghiên cứu trên là bác sĩ, Tiến sĩ Nikolaos Crearmeas của Đại học Quốc gia Kapodistrian Athens ở Hy Lạp kết hợp với một nghiên cứu viên của Mỹ. Ông cho biết, chế độ ăn uống có thể được điều chỉnh để chống lại chứng viêm vốn làm tăng nguy cơ bệnh sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức.
Nghiên cứu trên xem xét 1.059 người ở Hy Lạp có độ tuổi trung bình là 73 không mắc chứng sa sút trí tuệ. Mỗi người trả lời một bảng câu hỏi về tần suất họ dùng các loại thực phẩm trong chế độ ăn uống của mình.
Bảng câu hỏi tìm kiếm thông tin về các nhóm thực phẩm chính được tiêu thụ trong tháng trước đó của họ, bao gồm các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, trái cây, rau, thịt, cá, các loại đậu lăng và đậu Hà Lan, chất béo bổ sung, đồ uống có cồn, chất kích thích và đồ ngọt.
Điểm số viêm trong chế độ ăn uống có thể từ -8,87 đến 7,98. Điểm số càng cao, thể hiện chế độ ăn dễ gây viêm hơn, bao gồm khẩu phần ăn ít trái cây, rau, đậu và trà hoặc cà phê.
Tiến sĩ Scarmeas lưu ý, nhiều chất dinh dưỡng trong tất cả các loại thực phẩm góp phần vào tính chất gây viêm trong chế độ ăn uống của một người.
Mở ra khả năng chống viêm
Các nhà nghiên cứu đã chia người tham gia thành 3 nhóm bằng nhau: Những người có điểm viêm theo chế độ ăn uống thấp nhất, trung bình và cao nhất. Những người có điểm thấp nhất (-1,76) và trung bình cho thấy một chế độ ăn uống chống viêm nhiễm nhiều hơn. Trung bình mỗi tuần họ ăn 20 phần trái cây, 19 phần rau, 4 loại đậu hoặc các loại hạt họ đậu khác và 11 phần cà phê hoặc trà.
Những người có điểm viêm cao nhất là 0,21 trở lên có chế độ ăn uống dễ gây viêm hơn. Trung bình mỗi tuần họ ăn 9 phần trái cây, 10 phần rau, 2 phần đậu và 9 phần cà phê hoặc trà.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi từng người trong khoảng 3 năm. Trong quá trình nghiên cứu, 62 người (khoảng 6% số người tham gia), đã phát triển chứng sa sút trí tuệ. Những người phát triển chứng sa sút trí tuệ có điểm viêm trung bình là –0,06, so với điểm số -0,70 của người không phát triển chứng bệnh này.
Sau khi điều chỉnh độ tuổi, giới tính và giáo dục, các nhà nghiên cứu phát hiện ra mỗi điểm viêm tăng lên khiến nguy cơ sa sút trí tuệ tăng 21%. Trong khi đó, 1/3 số người tham gia có độ viêm theo chế độ ăn cao nhất có nguy cơ sa sút trí tuệ gấp 3 lần so với 1/3 số người tham gia có điểm viêm thấp nhất.
Tiến sĩ Scarmeas cho biết, kết quả trên giúp các nhà nghiên cứu tiến gần hơn đến việc xác định đặc điểm và đo lường khả năng gây viêm trong chế độ ăn của mọi người. Từ đó giúp đưa ra khuyến nghị về chế độ ăn phù hợp và chính xác hơn để duy trì sức khỏe nhận thức.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên không chứng minh việc áp dụng chế độ ăn uống chống viêm là có thể ngăn ngừa lão hóa và chứng sa sút trí tuệ, mà nó chỉ thể hiện mối liên quan nên cần thêm các nghiên cứu khác để xác nhận phát hiện này.