Các nghiên cứu cho thấy, con người thường dành tới 1/3 cuộc đời của mình để ngủ và vì vậy, việc ngủ không đủ giấc hoặc ngủ không ngon luôn là một “bài toán khó” đối với nhiều người, đặc biệt dưới sức ép của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, cảm biến và quét 3D, bài toán về giấc ngủ đã tìm được lời giải về điều kiện tốt nhất để có được một đêm ngon giấc.
S’UIMIN, một công ty liên doanh ở Tokyo tách ra từ Đại học Tsukuba, đã phát triển một thiết bị AI đo hoạt động của não trong khi ngủ.
“Giấc ngủ của bạn đạt mức C. Chất lượng giấc ngủ của bạn tốt, nhưng thời gian ngủ trung bình của bạn là 5 giờ - quá ngắn và không thường xuyên” - trích đánh giá từ thiết bị về giấc ngủ của một người gần đây thử nghiệm dịch vụ.
Thiết bị mang tên gọi “InSomnograf” bao gồm một dây đeo đầu với các miếng dán điện cực phải được đeo trước khi đi ngủ trong khoảng năm ngày. Các miếng dán được đặt trên năm vùng của khuôn mặt – một ở trung tâm, bên trái và bên phải của trán, và một ở mỗi bên cổ.
Thiết bị tính toán hơn 20 chỉ số giấc ngủ khác nhau, bao gồm thời gian đi vào giấc ngủ và lượng thời gian ngủ say và ngủ chập chờn. Dữ liệu được tải lên đám mây, với các báo cáo hàng ngày có sẵn thông qua điện thoại thông minh dựa trên các cuộc kiểm tra sức khỏe giấc ngủ của cá nhân. Hoạt động của não được AI phân tích dựa trên dữ liệu của hàng trăm người.
Hideaki Kondo, 57 tuổi, chuyên gia y tế phụ trách đánh giá giấc ngủ tại Bệnh viện Inoue ở Nagasaki, ca ngợi thiết bị AI vì sự đơn giản của nó. “Đây là một thiết bị đơn giản có thể thu được dữ liệu khách quan. Thậm chí có thể thực hiện các phép đo từ một vị trí xa và tạo ít gánh nặng cho bệnh nhân” - Hideaki Kondo cho biết thêm.
Nhà sản xuất chăn ga gối đệm Nishikawa Co., có trụ sở tại Tokyo, lại lập ra các phòng khám “tư vấn giấc ngủ” tại những cửa hàng của hãng này trên toàn quốc. Tại đây, các nhân viên cửa hàng đã trở thành những “bậc thầy giấc ngủ” túc trực để giúp khách hàng giải quyết các vấn đề về giấc ngủ.
Nishikawa Co. sẽ cung cấp cho khách hàng một thiết bị cảm biến nhỏ gắn vào thắt lưng trong vòng một tuần để theo dõi các dữ liệu, như mức độ hoạt động hằng ngày và điều kiện ngủ. Một cảm biến khác sẽ theo dõi các điều kiện môi trường bằng cách ghi lại dữ liệu như nhiệt độ phòng ngủ, độ ẩm, độ sáng và tiếng ồn.
Một nữ nhân viên văn phòng, 46 tuổi, ở Tokyo, khi đến phòng khám “tư vấn giấc ngủ” mới biết mình chỉ ngủ sâu trung bình trong 5 giờ 33 phút và trở mình tới 9 lần. Do đó, dựa trên các dữ liệu mà thiết bị thu được, các “bậc thầy giấc ngủ” đã đưa ra lời khuyên cô giảm độ ẩm phòng ngủ và đi ngủ sớm hơn 30 phút.
Bên trong cửa hàng, một thiết bị đo bộ phận nào của cơ thể phải chịu áp lực khi nằm trên giường. Kết quả được hiển thị trên màn hình và máy quét 3D cũng được sử dụng để kiểm tra các biến dạng của bộ xương. Bậc thầy về giấc ngủ qua đó gợi ý các lựa chọn giường ngủ được cá nhân hóa để phù hợp với tình trạng.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, số lượng người đến tham vấn đã tăng gấp đôi. Với phần lớn mọi người đều làm việc tại nhà, nhiều người phàn nàn về việc không tập thể dục đủ và không điều chỉnh cuộc sống nghỉ ngơi trong công việc của họ một cách cân bằng hơn.
Theo “bậc thầy giấc ngủ” Arata Otsuka, 43 tuổi, giấc ngủ thoải mái chỉ được quyết định dựa trên thói quen sinh hoạt, môi trường ngủ và giường ngủ. Vì vậy, nếu muốn có một giấc ngủ chất lượng, cần tập thể dục vừa phải trong ngày, ngâm mình trong bồn tắm, đặc biệt phải tránh xa điện thoại thông minh trước khi ngủ.