Đào tạo nghề gắn với việc làm bền vững
Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Ngày phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm “Đào tạo nghề gắn với việc làm bền vững” tại TP Cần Thơ. Tọa đàm thu hút hàng trăm cán bộ hội viên phụ nữ đến từ 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những cơ hội mới được mở ra cho phụ nữ thì có những thách thức khiến nhóm lao động nữ có trình độ chuyên môn thấp phải đối diện với nguy cơ mất việc làm.
Buổi tọa đàm đã chia sẻ về những vấn đề về thực trạng dạy nghề; Dự báo nguồn nhân lực nữ; Giải pháp gắn kết dạy nghề và tạo việc làm bền vững; định hướng nghề nghiệp cho phụ nữ trong thời đại 4.0; Thực trạng vướng mắc về số lượng chị em tham gia học nghề ở độ tuổi 35 trở lên rất nhiều, trong khi nhiều doanh nghiệp chỉ nhận công nhân dưới 35 tuổi; Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với tình trạng này…
Hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bao gồm: Hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; Hỗ trợ đào tạo tại DNNVV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong DNNVV khi được cử tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng. Mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trong tổng chi phí tổ chức một khóa đào tạo khởi sự kinh doanh tối đa là 100%, quản trị doanh nghiệp cơ bản tối đa là 70% và quản trị doanh nghiệp chuyên sâu là 50%. Hỗ trợ cho lao động trong DNNVV, dự thảo đề xuất: Lao động làm việc trong DNNVV đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số39/2018/NĐ-CPkhi tham gia khóa đào tạo nghề được miễn chi phí đào tạo nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/người/khóa học; mỗi người một lần.