Nắm chắc đề cương chi tiết môn học
Theo quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ, để tiếp thu một tiết học trên lớp sinh viên phải dành 2 giờ tự nghiên cứu ở nhà.
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vũ (Trường ĐH Đồng Tháp) cho biết, để thực hiện điều này, ngay từ buổi học đầu tiên, theo quy định của Trường ĐH Đồng Tháp, giảng viên cần dành thời gian từ 1 đến 2 tiết để trao đổi về đề cương chi tiết môn học, gồm:
Thông tin về môn học; tài liệu học tập; phương pháp dạy và phương pháp học; phương pháp tìm tài liệu; phương pháp tự học, tự nghiên cứu; yêu cầu trong kiểm tra đánh giá quá trình; cung cấp cho sinh viên địa chỉ email, điện thoại của giảng viên để sinh viên có thể trao đổi khi cần thiết…
Hàng tuần, thông qua các tiết giảng, giảng viên sẽ làm rõ những vấn đề mà sinh viên đã tự nghiên cứu ở nhà, giải đáp các thắc mắc của sinh viên và cảnh báo đối với những sinh viên chưa có ý thưc tự giác trong học tập.
Theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Vũ, thực tế cho thấy, phần lớn sinh viên ngại phát biểu trong lớp, thời gian cũng không cho phép giảng viên đặt câu hỏi đến hết toàn bộ sinh viên trong lớp.
Vì thế, Trường ĐH Đồng Tháp đã lập cổng thông tin Blackboard, nơi giảng viên có thể gửi cho sinh viên bài giảng, các tài nguyên học tập về môn học; nơi sinh viên có thể trao đổi những khó khăn gặp phải trong quá trình học tập.
Thông qua cổng Blackboard, sinh viên có thể đặt câu hỏi bất kỳ lúc nào họ muốn, giảng viên có thể trả lời đến toàn bộ sinh viên trong lớp môn học một cách nhanh chóng.
“Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng cổng thông tin này còn hạn chế do một số giảng viên chưa quan tâm, các sinh viên còn thụ động, ngại lên mạng… mặc dù hệ thống wifi của trường phủ sóng hầu hết các khu học tập trong trường” – thạc sĩ Nguyễn Quốc Vũ cho hay.
Đánh giá kết quả tự học, tự nghiên cứu
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vũ cho rằng, để nâng cao hiệu quả tự học của sinh viên, cần phải thực hiện đánh giá kết quả tự học, tự nghiên cứu.
Việc đánh giá nội dung này được chia làm nhiều phần. Một tuần sau khi kết thúc mỗi chương, sinh viên nộp bài tự học ở nhà của mình, giảng viên sẽ chấm, sửa bài và lưu điểm lại.
Công việc này hết sức cần thiết, vì thông qua các bài tập giảng viên đã sửa, sinh viên có thể đánh giá lại mình xem còn thiếu, còn yếu phần nào từ đó có thể điều chỉnh lại thái độ, kế hoạch học tập để đạt kết quả tốt hơn.
Đến thời điểm kết thúc môn học, giảng viên sẽ lấy trung bình điểm tổng hợp tất cả các bài thành một cột điểm cộng với điểm kiểm tra giữa kỳ sau đó chia đôi lấy thành điểm kiểm tra toàn bộ quá trình của môn học (trọng số < 0,5).
Cách kiểm tra đánh giá quá trình tự học, tự nghiên cứu trên được thạc sĩ Nguyễn Quốc Vũ áp dụng bước đầu mang lại kết quả rất khả quan.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này, mỗi giảng viên phải ý thức hết trách nhiệm của mình, phải hết sức yêu nghề, tận tâm với nghề. Bên cạnh đó, đòi hỏi tính tự giác học tập và trách còn nhiệm của sinh viên, cũng như sự hỗ trợ từ phía nhà trường.