Chờ chính sách khả thi

GD&TĐ - Chính sách thu hút với sinh viên sư phạm thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với việc xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Luật Giáo dục 2019 ra đời ghi dấu ấn về sự đổi mới chính sách với sinh viên sư phạm thông qua quy định: “Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học…”.

Chính phủ được giao quy định chi tiết nội dung này với sự ra đời của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Cùng quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm, Nghị định 116 có điểm mới quan trọng là đề cập đến phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, Nghị định 116 bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Những khó khăn này được nêu rõ trong Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Bộ GD&ĐT gửi Chính phủ mới đây. Trong đó nhận định phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên không được triển khai ở mức độ, hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116.

Con số Bộ GD&ĐT nêu ra là đáng suy ngẫm khi tỷ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% trong tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố.

Có 6 cơ sở đào tạo được địa phương sở tại, lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần. Hằng năm, Bộ Tài chính chỉ giao khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ GD&ĐT. Triển khai bồi hoàn kinh phí hỗ trợ cũng có khó khăn…

Dự thảo sửa đổi Nghị định 116 được công bố xin ý kiến góp ý rộng rãi. Điểm mới đáng chú ý của dự thảo là quy định mức hỗ trợ theo kết quả học tập; vẫn giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo tuy nhiên không bắt buộc địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu và tự đảm bảo kinh phí triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Dự thảo đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với nội dung bồi hoàn kinh phí hỗ trợ…

Việc sửa đổi Nghị định 116 được cho là kịp thời và cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai. Tuy nhiên, một số ý kiến từ trường sư phạm cho rằng vẫn còn những vấn đề chưa được quy định rõ, hoặc làm rõ trong dự thảo Nghị định. Đơn cử như việc sinh viên thuộc diện miễn giảm học phí, khi đăng ký Nghị định 116 có được tính giảm phần học phí tương ứng để sau này không tính vào phần đền bù (nếu có) hay không?

Sinh viên nghỉ học giữa chừng (chuyển ngành, thôi học, bị buộc thôi học...) đền bù như thế nào, thu hồi ngay lập tức hay có khoảng thời gian chờ? Kinh phí cấp cho các cơ sở giáo dục dựa trên số tuyển sinh thực tế, hay dựa trên chỉ tiêu được giao; dựa trên tổng chỉ tiêu hay chỉ tiêu theo ngành? Nhu cầu đào tạo giáo viên của địa phương đã yêu cầu tính cho cả khối ngoài công lập hay chưa?

Một số thay đổi còn để lại băn khoăn về tính khả thi trong thực tế. Như quy định trường sư phạm chịu trách nhiệm hướng dẫn, thông báo thu hồi kinh phí đối với sinh viên nghỉ học giữa chừng được cho là khó với nhà trường.

Điều này được rút kinh nghiệm trong việc giải quyết vay vốn nhiều năm trước đây cho sinh viên (sau đó phải chuyển về để Ngân hàng chính sách xã hội cho vay, thu hồi). Hoặc quy định sinh viên đăng ký được hỗ trợ theo Nghị định 116 phải làm đơn và qua xác nhận của tỉnh/thành nơi cư trú trước khi nộp cho nhà trường sẽ phát sinh thêm thủ tục cho người học…

Chính sách thu hút với sinh viên sư phạm thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với việc xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên - lực lượng quyết định đổi mới giáo dục. Người học và xã hội mong chờ chính sách khả thi, phù hợp từ việc sửa đổi Nghị định 116; từ đó thu hút người giỏi vào sư phạm, là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian