Hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, vướng mắc do đâu?

GD&TĐ - Nghị định 116/2020 của Chính phủ đã tạo cú hích cho các trường đào tạo giáo viên, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn tuyển.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên, khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc từ phía địa phương và nhà trường.

E dè vì… giải ngân

Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm khi triển khai thực tế còn ngổn ngang vướng mắc. Bên cạnh tín hiệu tích cực của Nghị định 116, một số trường sư phạm cũng nêu lên những trăn trở khi thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên.

Chia sẻ về khó khăn, đại diện Trường ĐH Cần Thơ cho biết, nhiều địa phương gửi văn bản tới trường chưa có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên. Trong khi một số địa phương đặt hàng thì chưa bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ sinh viên.

Chính sách đã có nhưng thực trạng “tắc” giải ngân suốt 2 năm qua khiến không chỉ sinh viên gặp khó, mà rất nhiều trường sư phạm và trường có đào tạo sư phạm rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. TPHCM là địa phương có 3 trường đại học đào tạo khối ngành sư phạm lớn nhất phía Nam gồm: ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và ĐH Sài Gòn (chưa kể hàng loạt trường có đào tạo Sư phạm Mầm non). Tuy vậy, tới thời điểm này cả 3 trường trên vẫn “tắc” trong chuyện giải ngân chi phí sinh hoạt cho sinh viên với số lượng chỉ tiêu hàng năm lên tới hàng nghìn sinh viên.

Nhìn nhận Nghị định 116 thúc đẩy và mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong công tác tuyển sinh của trường trong 2 năm qua, tuy nhiên, TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai, cho biết tới thời điểm này trường chưa nhận được đơn đặt hàng đào tạo nào. Trường ĐH Quy Nhơn cũng đồng cảnh ngộ, TS Đinh Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, năm 2021 trường nhận được đơn đặt hàng của một địa phương với 6 chỉ tiêu nhưng sau đó không nhận được phản hồi của địa phương.

Theo ThS Phan Lê Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, việc bù sinh hoạt phí cho toàn bộ sinh viên là bài toán không dễ với bất cứ trường nào. Nếu địa phương có sinh viên theo học không đăng ký đào tạo theo đơn đặt hàng với nhà trường (dù sinh viên có ký cam kết sau tốt nghiệp) thì rất khó cho đơn vị đào tạo thực hiện cấp sinh hoạt phí hỗ trợ sinh viên.

Theo TS Đinh Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, trách nhiệm của địa phương trong vấn đề kết hợp đào tạo với trường sư phạm rất lớn, từ kinh phí chi trả, theo dõi quá trình học tập của sinh viên đến việc tuyển dụng, thu hồi kinh phí nếu sinh viên ra trường không công tác trong ngành Giáo dục.

Tiếp đó là nguồn tuyển của các địa phương không thiếu, một địa phương có thể tuyển dụng giáo viên mà địa phương khác đã bỏ kinh phí đào tạo. Nguồn tuyển sinh của địa phương không chỉ là khóa sinh viên tốt nghiệp trong năm đó, mà còn cả những sinh viên đã tốt nghiệp nhiều năm trước…

Sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ thực hành.

Sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ thực hành.

Không mặn mà vì thiếu pháp lý

Về phía địa phương cũng có vướng mắc khi thực hiện Nghị định 116, một cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh chia sẻ: Quyền lợi phải đi kèm với trách nhiệm và nghĩa vụ. Vì thế với trường hợp không làm việc theo đúng cam kết, trách nhiệm bồi hoàn như thế nào? Một số địa phương trước đây cũng cử nhiều người theo diện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng sau đó việc thu hồi ngân sách hỗ trợ với một số trường hợp không thực hiện đúng cam kết rất khó khăn bởi không có chế tài để xử lý.

Việc thu hồi kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm cũng vướng mắc tương tự nếu không có chế tài cụ thể. Đặc biệt, trường hợp không trúng tuyển khi tuyển dụng, hoặc sinh viên sư phạm của tỉnh này được hỗ trợ kinh phí đào tạo nhưng lại trúng tuyển vào làm giáo viên ở tỉnh khác thì có phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ trong thời gian học tập hay không?

Tại hội nghị về thực trạng và giải pháp đào tạo giáo viên cao đẳng do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào đầu tháng 11, lãnh đạo Trường CĐ Sư phạm Hòa Bình cũng nêu ra những vướng mắc khi triển khai Nghị định 116. Là địa phương miền núi, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra hàng năm, nhưng từ khi Nghị định 116 đi vào cuộc sống thì Trường CĐ Sư phạm Hòa Bình chưa thể triển khai chính sách thu hút.

Nguyên nhân là tỉnh không đặt hàng vì chưa thể kết dư ngân sách chi. Theo TS Nguyễn Thị Lệ Hường, Hiệu trưởng nhà trường, đây là nguyên nhân chung, lớn nhất khiến cho Nghị định 116 chưa thể đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn và hiệu quả.

“Khi xây dựng chỉ tiêu và thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm, trách nhiệm của địa phương trong vấn đề kết hợp đào tạo với trường sư phạm rất lớn, từ việc ghi nhận và nắm chắc đối tượng sẽ nhận chính sách hỗ trợ kinh phí đến theo dõi quá trình học tập, rồi đảm bảo cơ chế tuyển dụng, thậm chí, phải đi thu hồi kinh phí bỏ ra đào tạo khi sinh viên ra trường không công tác trong ngành Giáo dục… Đây là rào cản lớn khiến nhiều địa phương chưa mặn mà thực hiện đặt hàng giáo viên”, PGS.TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhấn mạnh.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc giải ngân cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), thông tin, do các địa phương không cam kết chi trả. Địa phương không cam kết thì không có căn cứ để giao chỉ tiêu đào tạo. Các trường nói có nhu cầu tuyển dụng giáo viên nhưng tỉnh lại không chịu và cam kết chi trả thì đơn vị đào tạo lấy đâu ra tiền chi cho sinh viên…

Báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học về hoạt động tuyển sinh khối ngành mầm non của các trường cũng cho thấy việc “tắc” triển khai chính sách theo Nghị định 116 có tác động không nhỏ. Theo đó, công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng đào tạo giáo viên mầm non có sụt giảm. Nếu như năm 2020 chỉ tiêu của 23 trường cao đẳng sư phạm, 18 trường cao đẳng đa ngành và 19 trường đại học có đào tạo mầm non là 15.273, số nhập học 7.731 sinh viên. Năm 2021, tổng chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non giảm còn 14.715 sinh viên, số sinh viên nhập học chỉ 7.325.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ