Việc làm cho sinh viên sư phạm: Đặt hàng = tuyển dụng?

GD&TĐ - Giải quyết được bài toán giữa “đặt hàng” và tuyển dụng giáo viên là băn khoăn của nhiều chuyên gia...

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thảo luận nhóm. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thảo luận nhóm. Ảnh: NTCC

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP nhưng đến nay chính sách này dường như vẫn “án binh bất động”. Các chuyên gia cho rằng, khi nào giải quyết được bài toán giữa “đặt hàng” và tuyển dụng giáo viên thì cơ chế trên mới có phần khởi sắc.

TS Nguyễn Trung Triều – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang (Khánh Hòa): Đặt hàng gắn với đặc cách tuyển dụng

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” (Nghị định 116) có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; trong đó điểm nhấn là cơ chế đặt hàng hay đấu thầu đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên, triển khai cơ chế, chính sách này vẫn còn khó khăn. Bằng chứng là, đến thời điểm này, trong 3 phương thức thì Bộ GD&ĐT, các địa phương vẫn chủ yếu thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ. Còn cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu gần như chưa có; hoặc nếu có, số lượng sinh viên theo phương thức này rất khiêm tốn.

Từ thực tế trên, tôi cho rằng, có nhiều rào cản khi thực hiện cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên. Trong đó có việc rà soát, tính toán, xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên theo từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học chưa có điều kiện để thực hiện đầy đủ, đồng bộ. Do đó, các địa phương chưa có dữ liệu chắc chắn để đặt hàng.

Ngoài ra, việc đặt hàng chịu ràng buộc bởi nhiều bên liên quan, trong khi việc tuyển dụng ở các địa phương vẫn có thể tiến hành mà ít bị ràng buộc; chẳng hạn như tuyển dụng độc lập với đào tạo. Kinh phí địa phương chi cho đặt hàng còn hạn hẹp, trong khi nếu sinh viên rơi vào trường hợp phải bồi hoàn kinh phí thì cơ chế, trách nhiệm thu hồi trên thực tế cũng khó triển khai.

Hiện việc đặt hàng đào tạo không đồng thời bảo đảm đầu ra việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Theo đó, tất cả sinh viên sau khi ra trường vẫn phải qua tuyển dụng theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo cơ chế cạnh tranh thông thường. Chính sách không nhất quán, vô hình trung trở thành rào cản để đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên khó thành hiện thực.

Tôi cho rằng, các địa phương cần xây dựng cơ chế, tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn để lựa chọn nhân sự có chất lượng tham gia đặt hàng đào tạo. Chính phủ nghiên cứu cơ chế đặc cách tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp bằng phương thức đào tạo đặt hàng như một chính sách thu hút. Nghĩa là, đặt hàng đào tạo gắn với đặc cách tuyển dụng.

Giảng viên và sinh viên sư phạm Trường ĐH Vinh. Ảnh: NTCC

Giảng viên và sinh viên sư phạm Trường ĐH Vinh. Ảnh: NTCC

Ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi: Chưa chắc lấy được đúng “đơn hàng”

Theo Nghị định 116, địa phương sẽ rà soát, thống kê nhu cầu giáo viên theo từng trình độ, cấp học. Trên cơ sở đó, xác định chỉ tiêu để giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc tỉnh hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm. Nghĩa là, địa phương phải có trách nhiệm về đầu ra với sinh viên được đào tạo theo đặt hàng. Tuy nhiên, việc tuyển giáo viên vẫn phải theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ nên những sinh viên này trải qua kỳ thi tuyển như ứng viên khác. Khi thi tuyển, có thể các em không trúng tuyển.

Vậy vấn đề đặt ra là, sau khi tốt nghiệp, nếu thi tuyển không đỗ, những giáo sinh này sẽ về đâu? Họ có phải trả lại chi phí cho Nhà nước hay không? Điều này còn nhiều vướng mắc và thiếu đồng bộ. Đặc biệt, thiếu nhất quán giữa việc đặt hàng với tuyển dụng. Đây cũng là một trong những lý do khiến tỉnh Quảng Ngãi chưa tính đến phương án đặt hàng đào tạo giáo viên.

Tuyển dụng thì phải theo quy định chung, các địa phương không được xây dựng cơ chế đặc thù riêng. Vì thế, nếu không lấy được đúng “đơn hàng” mà mình đã đặt thì rất lãng phí. Chi bằng, khi cần tuyển dụng, địa phương đăng thông báo là tuyển được giáo viên, không cần đến cơ chế “đặt hàng”. Từ thực tế trên, tôi cho rằng, phải sửa Luật Viên chức hoặc Nghị định 115 để cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên với chính sách tuyển dụng có chung tiếng nói và bảo đảm sự nhất quán của chính sách nhân văn này.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT): Khó ở đâu, gỡ ở đó

Nghị định 116 ra đời đã giải quyết hai tồn tại lớn của ngành sư phạm. Thứ nhất, giúp cho các địa phương chủ động thực hiện việc tuyển dụng và quản lý đội ngũ giáo viên một cách hiệu quả; tránh tình trạng thừa thiếu giáo viên như nhiều năm qua. Thứ hai, sử dụng nguồn hỗ trợ cho sinh viên sư phạm hiệu quả để tuyển chọn được người giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ thể hiện tính ưu việt đối với phương thức giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên, còn với phương thức đặt hàng và đấu thầu chưa được như mong muốn.

Hai năm qua, kể từ ngày Nghị định 116 có hiệu lực nhưng hầu hết địa phương đều không mặn mà với phương thức đặt hàng và đấu thầu đào tạo giáo viên. Lâu nay, khi địa phương thiếu giáo viên vẫn tuyển dụng bình thường vì khâu đào tạo tách bạch khỏi khâu tuyển dụng. Theo đó, sinh viên ra trường vẫn phải thực hiện cơ chế tuyển dụng theo Luật Viên chức và Nghị định 115. Sự không nhất quán giữa đặt hàng, đấu thầu với chính sách tuyển dụng giáo viên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên chưa phát huy hiệu quả.

Quan điểm của tôi là khó đâu, gỡ đấy. Theo đó, cần có chính sách đặc thù trong tuyển dụng những giáo viên được đào tạo theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu. Nghĩa là, sau khi học xong, họ phải được phân công, bố trí công việc. Việc này, chúng ta có thể học tập, áp dụng theo mô hình, chính sách của ngành công an, quân đội.

Cùng với đó, các địa phương phải nâng cao năng lực dự báo nhu cầu nhân lực. Theo đó, phải sớm hình thành các Hội đồng giáo dục, bao gồm đại diện sở, ban, ngành liên quan; đại diện cộng đồng… Hội đồng này làm chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương về quy hoạch phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực nói chung cũng như nguồn nhân lực cho giáo dục đào tạo nói riêng, trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua từng thời kỳ, thậm chí qua từng năm.

“Nghị định 116 sẽ phát huy hiệu quả hơn nếu được cộng hưởng với chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo. Theo đó, cần quan tâm tới lương và phụ cấp cho giáo viên. Nghĩa là, đã đầu tư trong quá trình học thì cũng cần đầu tư khi ra công tác. Hiện, mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm là 3.630.000 đồng/tháng, trong khi mức lương cơ bản của giáo viên mới ra trường, đặc biệt là giáo viên mầm non cũng tương đương con số trên” - TS Nguyễn Trung Triều nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.