(GD&TĐ) - Sau khoảng thời gian dài chuẩn bị với sự mong mỏi của đông đảo người hâm mộ, ngày 6/12, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (gọi tắc là VPF) đã chính thức được ra đời.
Sản phẩm VPF của bầu Kiên đã chính thức được ra đời |
Được biết, sở Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội đã hoàn tất thủ tục cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (gọi tắt là VPF). Đây được coi là bước ngoặt lịch sử cho nền bóng đá Việt Nam và được kì vọng sẽ tạo ra sân chơi trong sạch - lành mạnh cho bóng đá nước nhà.
Trong tuần tới, VPF sẽ tiến hành đại hội cổ đông, nhưng tới thời điểm này các vị trí chủ chốt chịu trách nhiệm điều hành công ty gần như đã được xác định cụ thể. Vị trí Chủ tịch HĐQT thuộc về Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, ông Lê Hùng Dũng. Chức danh Phó Chủ tịch HĐQT thuộc về chủ sở hữu CLB bóng đá Hà Nội, ông Nguyễn Đức Kiên.
Ông Phạm Ngọc Viễn sẽ là tổng giám đốc. Chức danh phó giám đốc nhiều khả năng thuộc về ông Phạm Phú Hòa, hiện là Giám đốc điều hành CLB Đồng Tâm Long An. Ông này cũng được dự kiến trở thành Trưởng Ban tổ chức V-League với điều kiện phải rút lui khỏi các chức vụ tại CLB.
Hiện VFF cũng đang gấp rút hoàn tất các khâu chuẩn bị cho mùa bóng 2012 để mùa giải mới vẫn triển khai theo kế hoạch đã định nhằm không ảnh hưởng đến kế hoạch tập trung, thi đấu của đội tuyển quốc gia hay kế hoạch truyền hình.
V- League hứa hẹn sẽ mang đến luồng gió mới cho người hâm mộ |
Tuy nhiên, dù mới thành lập nhưng VPF đã vấp phải không ít những khó khăn. Đầu tiên là sự bất đồng về mặt tài chính bởi theo tính toán, 2 khoản thu lớn nhất của V-League mà VFF chuyển cho VPF quản lý là gói tài trợ của Eximbank và bản quyền truyền hình bán cho AVG chỉ đem về khoảng 40 tỷ đồng, số tiền chưa đủ bù cho những chi phí tổ chức giải, trả lương cho nhân viên hay trọng tài, giám sát.
Nguyên nhân dẫn đến khó khăn này là do VPF tính mức chi cho các trọng tài quá cao (dự tính gấp 5 lần hiện tại). Tuy nhiên VPF cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2012, công ty có thể tự chủ về mặt tài chính sau khi thúc đẩy thêm một số giải pháp để kiếm thêm thu nhập, bên cạnh bản quyền truyền hình.
Bên cạnh đó, VPF cũng chưa nhận được sự đồng thuận từ các đại diện hạng Nhất, đặc biệt là ý tưởng hạn chế ngoại binh ở giải hạng Nhất và tiến đến sử dụng hoàn toàn cầu thủ nội kể từ mùa giải 2013.
Được biết, ngoài phương án hạn chế ngoại binh ở sân chơi hạng Nhất, VPF còn quy định mỗi CLB phải có tối thiểu 5 cầu thủ trẻ lứa U21 trong danh sách đăng ký thi đấu. Động thái của VPF là để nâng cao chất lượng cho đội tuyển Việt Nam.
Cao Cường