(GD&TĐ) - Đại hội thể thao Đông Nam Á (Sea Games) từ lâu vẫn được coi là cái “ao làng” với món “lẩu thập cẩm” từ các môn thể thao thi đấu Olympic cho tới các môn thể thao cổ truyền hiếm người biết tới.
Tuy nhiên, tham gia một sân chơi mang nhiều sắc màu văn hóa này, Việt Nam luôn cử một lực lượng hùng hậu với gần như toàn bộ binh hùng tướng mạnh (Sea Games năm nay có 750 người). Lại một Sea Games nữa kết thúc và là lúc bình tâm để suy nghĩ chúng ta được gì, mất gì, từ sân chơi này.
Nói về cái được, thứ nhất là sau 2 năm vất vả luyện tập, nửa nghìn VĐV của chúng ta đã được thượng đài. Những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu mà họ đổ ra có thể được đổi bằng những tấm huy chương giúp cuộc sống đỡ khó khăn.
Như anh lính Nguyễn Văn Lai người Thanh Hóa sau khi giành 2 chiếc HCV cự li chạy 5.000 và 10.000 mét thì điều mà anh vô cùng sung sướng là món tiền thưởng (cho 2 HCV là 90 triệu đồng cùng những khoản thưởng bổ sung khác) sẽ giúp anh trả nợ xây nhà.
Cái được thứ hai có thể nói tới là thể thao Việt Nam duy trì vị trí trong tốp 3 bảng tổng sắp huy chương, trong đó có tiến bộ ở nhiều môn thi đấu Olympic.
Trong khi những cái được kể ra được ít ỏi như vậy thì cái mất quá nhiều và quá lớn. Với mục tiêu giành thật nhiều huy chương để lọt vào tốp 3, thể thao Việt Nam đã phải dàn trải số tiền đầu tư ít ỏi cho rất nhiều môn thi đấu thuộc loại “ao làng” vì VĐV sẽ chẳng thi đấu được ở sân chơi nào khác ngoại trừ Sea Games như cầu mây, võ muay, bi sắt…
Chưa kể số tiền khổng lồ dành cho luyện tập, khoản lộ phí cho đoàn thể thao VN dự Sea Games 27 cũng đã là con số rất khủng. Riêng tiền lệ phí cho VĐV, HLV, quan chức tới Myanmar đã là 15 tỉ đồng, quĩ thưởng (73 HCV cùng HC bạc và đồng) khoảng 17 tỉ đồng. Có người đã so sánh số tiền đầu tư để có được một tấm HCV của VN giá trị bằng 700 con trâu…
Nói rằng thể thao VN tiến bộ ở các môn thể thao Olympic cũng lại phải nhìn đến mặt mất mát của nó. Nếu như ở môn cầu lông, khu vực Đông Nam Á có rất nhiều tay vợt mạnh xếp thứ hạng trên Tiến Minh nhưng các quốc gia Indonesia, Malaysia đều “cất” cho các giải đấu lớn hơn.
Hay ở môn bơi, Nguyễn Thị Ánh Viên được đầu tư bài bản theo chuẩn thi đấu tầm Asiad trở lên thì lại bị tung ra làm con át chủ bài của bơi VN ở sân chơi nhỏ bé Đông Nam Á. Để rồi nữ kình ngư này có lúc phải ôm hận với sự hành xử bất công của những “trọng tài làng”.
Trong khi VN có tiến bộ ở các môn thể thao Olympic thì nhìn mặt bằng chung, ta tiến một bạn tiến hai. Tính trong các môn thể thao thi đấu ở Olympic, Việt Nam giành được 47 HC vàng, chỉ thua đoàn Thái Lan (71 HC vàng).
Tuy nhiên, nếu tính tỷ lệ phần trăm HCV từ các môn Olympic thì Việt Nam (64,3%) chỉ đứng trên Indonesia (56,9%) và Myanmar (30,2%) trong nhóm đầu. Còn lại chúng ta thua hẳn Singapore (91%), Malaysia (79%), Philippines (68,9%) và Thái Lan (66,3%).
Nhìn vào những con số biết nói trên có thể giải đáp câu hỏi: “Vị trí nằm trong tốp 3 bảng tổng sắp huy chương Sea Games có là sự bảo đảm cho vị thế cường quốc thể thao ở Đông Nam Á hay không?”.
Nhìn lại cái được, cái mất qua Sea Games 27, thể thao VN sẽ phải hoạch định lại chiến lược tương lai – xác định lại sân chơi nào trọng tâm để dồn sức người sức của.
Điều này không chỉ giúp Việt Nam vươn xa trong bản đồ thể thao thế giới mà còn giúp hàng trăm VĐV được đào tạo những môn thể thao kiểu “hội làng” thoát cảnh bơ vơ khi nước chủ nhà Sea Games thay đổi xoành xoạch loại bỏ môn thi đấu đó ra khỏi chương trình.
Đức Duy