Chiến lược dài hơi

GD&TĐ - Kết thúc xét tuyển đợt 1 và bổ sung, nhiều trường đại học cho biết có nhiều ngành học tuyển không đủ chỉ tiêu, có ngành gần như trắng thí sinh.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Tình trạng nhiều ngành khó tuyển người học không phải là mới. Tuy nhiên, một hai năm trở lại đây, nhiều trường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, cạnh tranh ngày càng gay gắt, mức độ “trắng” thí sinh diễn ra rõ nét hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh mức lương nhiều ngành trình độ trung cấp, cao đẳng không quá chênh lệch so với đại học, một số thí sinh không lựa chọn đại học để học tập, lập nghiệp, cũng góp phần làm nên tình trạng khó tuyển cho một số ngành.

Khó tuyển sinh thường diễn ra phổ biến ở nhóm ngành truyền thống, ngành khoa học cơ bản, đặc biệt ở nhóm trường địa phương. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tâm lý người học muốn chọn ngành có xu hướng “nóng”, ra trường dễ xin việc và có mức thu nhập tốt. Những ngành khó tuyển chỉ cần nghe tên đã thấy khó, thấy khổ, kém sang là người học đã không muốn đăng ký. Một số ngành nhu cầu việc làm có, nhưng người học chưa có nhiều thông tin, nên vẫn chọn học ngành phổ biến cho an toàn. Bên cạnh đó, việc chậm đổi mới chương trình, chất lượng đào tạo chưa cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngành học rơi vào tình trạng ế ẩm.

Phương án nhanh gọn nhất để giải quyết ngành khó tuyển là các trường quyết định ngừng đào tạo, vận động sinh viên chuyển sang ngành khác. Tuy vậy, cũng có nhiều trường nỗ lực thực hiện các chính sách thu hút, níu kéo, trong đó phổ biến nhất là tăng cường truyền thông, miễn giảm học phí hay cấp học bổng. Chẳng hạn như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) đã hỗ trợ 35% học phí cho sinh viên thuộc 9 ngành khó tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM có chính sách cấp học bổng cho 7 ngành cần cho phát triển đất nước nhưng năm nào cũng vắng người học…

Sẽ không có gì đáng nói, nếu một ngành nào đó nhu cầu xã hội giảm sâu, khó tuyển và biến mất trên bản đồ đào tạo. Bởi quy luật cung cầu của thị trường lao động là không thể cưỡng, đó là chưa kể hiện nay nhiều trường công lập tự chủ tài chính, trường tư thục phải tự cân đối thu chi, rất cần tính toán lượng cầu để tuyển sinh. Điều đáng nói là trên thực tế hiện vẫn có nhiều ngành nhu cầu xã hội rất cần trước mắt và tương lai xa, phục vụ cho sự phát triển của đất nước, như nhóm ngành khoa học cơ bản, nông lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ xã hội… nhưng vẫn rất khó tuyển sinh.

Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chiến lược có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng với ngành khoa học và công nghệ, mà còn với toàn thể hệ thống chính trị bởi vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhưng trong số những ngành khó tuyển lại có khá nhiều ngành đáp ứng những chính sách rất mới của quốc gia, đặc biệt là mục tiêu phát triển bền vững và chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh tự chủ đại học, làm thế nào để thu hút được người học vào các ngành truyền thống, khoa học cơ bản, duy trì và đào tạo chất lượng các ngành cần cho chiến lược phát triển, là câu hỏi lớn nhiều trường đại học đã và đang đặt ra. Những giải pháp khác nhau mà các trường đang nỗ lực triển khai rất đáng ghi nhận, nhưng có thể nói hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Để đáp ứng hướng phát triển lâu dài rất cần giải pháp lớn, mang tính hệ thống, ở tầm vĩ mô. Bên cạnh tăng cường truyền thông, chính sách đặc thù cho người học, nâng cao chất lượng đào tạo thì điều kiện việc làm và chế độ đãi ngộ của ngành vẫn là chìa khóa để mở cánh cửa “xã hội cần nhưng khó tuyển”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.