Giải pháp cho trường đào tạo khối ngành nông nghiệp trước khó khăn tuyển sinh

GD&TĐ - Tuyển sinh là một trong những khâu khó khăn nhất mà các trường có đào tạo khối ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang gặp phải.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Những khó khăn này được chia sẻ tại Hội nghị công tác đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện có 34 trường, gồm: 1 học viện, 3 trường đại học, 2 trường cán bộ quản lý, 28 trường cao đẳng và 8 viện nghiên cứu khoa học có đào tạo sau đại học. Tính đến năm 2020, các trường, viện có 373 ngành nghề đào tạo. Trong đó bậc đại học có 88 ngành, cao đẳng là 112 ngành, với tỷ lệ ngành nông nghiệp lần lượt là 35,2% và 42,8%.

Những năm gần đây, việc tuyển sinh khối ngành nông nghiệp gặp nhiều thách thức. Thống kê của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, hiện các trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển 52.208 sinh viên bậc đại học, giảm khoảng 35% so với giai đoạn 2010-2015. Bậc cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Điều này trực tiếp gây khó khăn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại Hội nghị, đại diện các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chia sẻ về hoạt động đào tạo của đơn vị, những khó khăn, vướng mắc, cũng như một số đề xuất với các Bộ, ngành nhằm gỡ khó cho công tác đào tạo lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, trong đó lớn nhất vẫn là việc khó khăn trong khâu tuyển sinh.

Chia sẻ về sự quan tâm tới nhóm ngành nông nghiệp, cũng như các trường đào tạo nông nghiệp trong hệ thống chung của giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, với một đất nước vốn là nước nông nghiệp, với lợi thế đất đai, khí hậu thuận lợi, không có lý do gì để không phát triển nông nghiệp một cách tương xứng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần phải đặt nông nghiệp trong góc độ mới mẻ hơn, đó là gắn với công nghệ, tận dụng công nghệ mang tính liên ngành để hỗ trợ phát triển nông nghiệp - khi nói tới điều này, Bộ trưởng nhắc lại thời điểm còn làm Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đã thành lập khoa Nông nghiệp và đặt trong Trường Đại học Công nghệ.

Thông tin về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai quy hoạch mạng lưới đại học, Bộ trưởng mong rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện các quy hoạch bộ phận, sắp xếp lại hệ thống ngành nghề, qua đó nhìn thấy rõ hướng vận động của ngành nông nghiệp để chuẩn bị nhân lực cho 5-7 năm tới.

“Đào tạo vừa đi trước, vừa đi theo để phục vụ. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng tham gia cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị tầm nhìn cho tổng thể phát triển nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cam kết.

Ghi nhận các trường, viện, cơ sở nghiên cứu trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có vốn quý là nguồn nhân lực tốt (tỷ lệ tiến sĩ cao hơn mức bình quân của khối đại học), Bộ trưởng đề nghị các trường phát huy lợi thế này. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đúng hướng, trong đó không chỉ dừng lại ở tự chủ hành chính mà đặc biệt quan tâm tới tự chủ chuyên môn.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Về vấn đề tuyển sinh của các trường khối nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các trường cần có giải pháp về truyền thông, tư vấn tuyển sinh thấu đáo để học sinh thấu hiểu đầy đủ tính chất nghề nghiệp, việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, cũng cần tính đến các chính sách hỗ trợ về tài chính để thu hút được học sinh giỏi vào học tập.

Chia sẻ khó khăn của các trường thuộc khối ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Không nên để bài toán "con gà quả trứng" bó buộc. Thay vào đó, tự thân mỗi thầy, cô giáo, cán bộ, công nhân viên ngành nông nghiệp phải tự thân vận động. Đừng vì những rào cản trước mắt mà đứng im.

Để giải quyết tận gốc những vấn đề tồn tại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở hai ý tưởng. Thứ nhất, giáo dục, đặc biệt là trong khối ngành nông nghiệp, phải tìm ra những điểm riêng, hấp dẫn. Thứ hai, các viện, trường, cơ sở đào tạo nghiên cứu về việc tích hợp đa giá trị trong việc giảng dạy.

“Mỗi thầy, cô, mỗi viện, trường, tất cả đều có sứ mệnh và bổn phận để giúp nền nông nghiệp thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ. Tôi mong chờ một cú hích đủ mạnh, để những ai đang cống hiến trong ngành nông nghiệp đều thấy họ có một công việc đáng làm, một cuộc sống đáng sống", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ