Nhiều ngành "khát" nhân lực nhưng vẫn khó tuyển sinh

GD&TĐ - Dù “khát” nhân lực và cần thiết cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhưng một số ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và nông, lâm, thuỷ sản vẫn chật vật trong tuyển sinh.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam bên vườn thực nghiệm. Ảnh: NTCC
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam bên vườn thực nghiệm. Ảnh: NTCC

Tỷ lệ nhập học thấp nhất

Viện dẫn một số lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học thấp năm 2021, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – cho hay: Khoa học tự nhiên là lĩnh vực có tỷ lệ thấp nhất. Tiếp đến lần lượt là: Khoa học sự sống; Nông lâm nghiệp và thủy sản; Dịch vụ xã hội; Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; Môi trường và bảo vệ môi trường. Đây cũng là những lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học thấp nhất năm 2020.

GS.TS Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam – thông tin: Một số ngành như nông nghiệp truyền thống, kinh tế, công nghệ và thú y dù  được hỗ trợ từ nhà trường, doanh nghiệp nhưng vẫn khó tuyển sinh. Hàng năm, Học viện tổ chức ngày hội việc làm và nhận thấy nhu cần tuyển dụng của doanh nghiệp rất lớn đối với những ngành này.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chương trình hỗ trợ sinh viên ngành nông, lâm, thuỷ sản như miễn giảm học phí và thực hành, thực tập, tìm kiếm việc làm…“Ngành này doanh nghiệp, xã hội và đất nước cũng cần. Song, việc tuyển sinh của khối ngành này còn khó khăn” - GS.TS Phạm Văn Cường nói.

Nêu thực trạng về một số ngành học thuộc lĩnh vực giao thông không còn thu hút thí sinh, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải – thẳng thắn chia sẻ, có những ngành học từng là thế mạnh của trường nhưng cũng đang tuyển sinh rất khó. Người học cho rằng, công việc vất vả, trong khi nhu cầu phát triển xã hội vẫn cần. Có thể kể đến một số ngành như: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (các công việc việc áp dụng công nghệ sửa chữa mặt cầu đường, đường sắt tốc độ cao...), ngành kỹ thuật máy xây dựng, đường sắt.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, có những doanh nghiệp ở Tây Nguyên sẵn sàng trả mức lương 14 triệu đồng/tháng. Song nhiều sinh viên mà PGS giới thiệu từ chối vì ngại đi xa. Các em chấp nhận với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/tháng để làm gần nhà hơn. Ngoài ra, bất cập cũng nảy sinh với đội ngũ giảng viên, như: Ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, nhà trường có 220 giảng viên. Trước đây, phát triển đội ngũ này với mục tiêu đào tạo quy mô khoảng 1.500 sinh viên. Tuy nhiên, giờ đây chỉ tuyển sinh được khoảng 600 sinh viên.

Một lớp học của Trường ĐH Giao thông Vận tải. Ảnh: NTCC
Một lớp học của Trường ĐH Giao thông Vận tải. Ảnh: NTCC

Cần bài toán quy hoạch tổng thể

Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng: Khó khăn của ngành giao thông tác động tới sự lựa chọn của người học. Đất nước nào cũng cần cơ sở hạ tầng giao thông, bởi đó là điều kiện cơ bản cho sự phát triển. Do đó, trong tương lai có thể đây lại là những ngành “hot”.

Chia sẻ thêm về thực tế này, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải - cho hay: Lĩnh vực đường sắt và đường bộ là 2 ngành chính của trường. Đi kèm 2 ngành này là các lĩnh vực như: Xây dựng công trình đường sắt - đường bộ, cơ khí, điều khiển hệ thống đường sắt - đường bộ; kinh tế, quản lý đường sắt - đường bộ... Tuy nhiên, thời gian qua, các lĩnh vực liên quan đến cơ khí, xây dựng công trình, điện tử và quản lý trong lĩnh vực đường sắt đều gặp khó khăn.

Ở lĩnh vực kỹ thuật xây dựng công trình đường bộ, những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư cho giao thông vận tải giảm đáng kể; do đó nhu cầu nhân lực giảm, dẫn đến nhu cầu đăng ký vào học cũng giảm theo. “Chúng tôi nghĩ giảm chỉ có tính chất tạm thời, còn về lâu dài, một đất nước muốn phát triển thì hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông vận tải là cực kỳ quan trọng, đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, những ngành nghề này cần được tiếp tục mở rộng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”- PGS.TS Nguyễn Thanh Chương trao đổi.

Cho rằng, cần có thống kê công khai về nhu cầu nguồn nhân lực trong 5 – 10 năm tới, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát nhấn mạnh: Chúng ta đang thiếu sự đánh giá tổng thể về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề và những dự báo về sự biến động của nhu cầu ấy trong tương lai. Do đó, cần có bài toán quy hoạch tổng thể cho 10 năm, 20 năm tới; từ đó mới có thể “đón đầu” được nhu cầu sử dụng các nguồn nhân lực ấy.

Trăn trở về những ngành khoa học cơ bản khó thu hút thí sinh, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Mỏ - Địa chất – cho hay: Nhiều thí sinh chỉ nghe tên gọi, nên nghĩ đó là những ngành không có tiềm năng. Các em chưa nhận thức đúng về triển vọng và khả năng phát triển của những ngành học này. Ngoài ra, thí sinh cũng không có sự đánh giá tổng thể và dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề khiến các em không hình dung được thị trường lao động trong tương lai.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, những năm qua, nhà trường có chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra, nhưng vẫn khó thu hút được người học. Vì thế, dù xác định các ngành khoa học cơ bản là những ngành quan trọng cho sự phát triển, nhưng trường vẫn phải thu hẹp quy mô tuyển sinh.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương mong muốn, xã hội và thí sinh cần quan tâm hơn, hiểu đúng với giá trị của các ngành nghề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải để có sự lựa chọn trong đăng ký xét tuyển. Hiện nay, nhân lực chất lượng cao những ngành nghề này vẫn rất thiếu. Nhân lực quản lý ở các ngành nghề này cũng thiếu, dẫn đến giá thành và chi phí công trình bị đẩy lên cao, thậm chí nhiều công trình dở dang do quản lý kém. Do đó cần có chính sách đặt hàng với những ngành có tính chất chuyên sâu đặc thù của lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và một số các ngành kinh tế - xã hội khác để bảo đảm sự phát triển vững chắc.

Gợi ý một số giải pháp, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng: Cần đẩy mạnh công tác truyền thông và đào tạo theo đặt hàng, giao nhiệm vụ. Đối với lĩnh vực khó tuyển sinh, cơ sở đào tạo cần tăng cường truyền thông, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm, kết nối doanh nghiệp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.