Chìa khóa nào cho thương mại hóa thành tựu NCKH trong trường đại học?

GD&TĐ - Để đạt mục tiêu trong Chương trình phát triển thị trường khoa học công nghệ (KHCN) quốc gia đến năm 2030 đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Giảng viên ĐHQG TPHCM đang nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Giảng viên ĐHQG TPHCM đang nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Chương trình phát triển thị trường khoa học công nghệ (KHCN) quốc gia đến năm 2030 của Chính phủ đặt mục tiêu tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước. Theo TS Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT, để đạt mục tiêu trên các trường đại học giai đoạn tới phải cố gắng rất nhiều.

Hoạt động chuyển giao chưa như kỳ vọng

Giai đoạn 2017 - 2022, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đạt được những thành tựu nghiên cứu khoa học (NCKH) rất ngoạn mục, từ 163 đề tài các cấp năm 2017 tăng lên 342 vào tháng 8/2022. Nếu như năm 2017 trường có 974 bài báo đăng trên 5 tạp chí danh tiếng quốc tế thì đến tháng 6/2022 con số đó là 2.889 bài. Thế nhưng đến nay giá trị chuyển giao công nghệ của trường vẫn khá khiêm tốn.

PGS.TS Đỗ Thành Trung, Phụ trách Phòng Quản lý khoa học, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam chủ yếu quan tâm đến vấn đề sửa chữa, cải tiến, bảo trì, huấn luyện nên giá trị chuyển giao không lớn. Ngoài ra, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong nghiên cứu và chuyển giao vẫn còn nhiều hạn chế.

Tiềm năng NCKH của đội ngũ giảng viên lớn nhưng giá trị của hoạt động chuyển giao thành tựu KHCN chưa cao cũng minh chứng rõ nét hơn qua trường hợp của ĐHQG TPHCM. Theo đó, tính đến tháng 10/2021, ĐHQG TPHCM đã công bố 3.048 bài báo khoa học trên các tạp chí, hội nghị trong và ngoài nước.

Trong đó, số bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCIE/SSCI/Scopus là 1.111 bài, chiếm tỷ lệ 87% so với tổng bài báo quốc tế (1.280 bài). Cũng trong 10 tháng đầu năm 2021, ĐHQG TPHCM nộp 43 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ trong đó có 16 đơn đăng ký sáng chế, 15 đơn giải pháp hữu ích và 12 đơn bản quyền tác giả. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 2 bằng sở hữu. Tuy nhiên, trong 10 tháng của năm 2021, giá trị hợp đồng đã triển khai (548 hợp đồng) của đơn vị này chỉ đạt 116 tỷ đồng.

Con số thấp của hoạt động chuyển giao KHCN (từ tài chính đến bằng sáng chế) được TS Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ tư vấn, Cục Sở hữu Trí tuệ nhìn nhận là vấn đề cần cải thiện, nhất là với các trường đại học. Theo TS Hạnh, thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ năm 2021 cho thấy, trong tổng số 8.535 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế ở Việt Nam có 1.066 đơn của người Việt Nam (chiếm 12,5%). Trong 10 năm gần đây, tỷ lệ đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam so với của nước ngoài có tăng lên nhưng không đáng kể, duy trì ở mức 10% trong tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế.

“Tỷ lệ số bằng độc quyền sáng chế cấp cho người Việt Nam thấp hơn đơn đăng ký, cao nhất là năm 2018 cũng chỉ ở mức 9,2% tổng số đơn được cấp. Đối với các giải pháp hữu ích, số lượng đơn đăng ký của người Việt Nam có cao hơn nhưng sự gia tăng số lượng qua từng năm là không đáng kể. Đáng chú ý tỷ lệ đóng góp của khối viện nghiên cứu, trường đại học còn thấp trong tổng số đơn và bằng sáng chế. Hoạt động khai thác chuyển giao tốt chỉ ở một vài đơn vị nhưng chưa tương xứng tiềm năng và năng lực khoa học đang có”, TS Hoàng Hạnh nhận xét.

Sinh viên quốc tế đang theo học và nghiên cứu tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Sinh viên quốc tế đang theo học và nghiên cứu tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Tháo gỡ vướng mắc bằng cách nào?

Nhìn nhận hoạt động chuyển giao thành tựu KHCN của các trường đại học và nhà khoa học đang gặp nhiều vướng mắc, TS Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường cho rằng, các cơ quan, bộ ngành cần đổi mới cơ chế quản lý ngân sách Nhà nước chi cho khoa học công nghệ; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài sản hình thành sau nghiên cứu khoa học nhằm tạo động lực cho cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp.

“Bất cập nằm ở chỗ, cơ sở KHCN được cấp kinh phí thường xuyên cho nghiên cứu, còn cơ sở giáo dục đại học tự chủ dù được cấp nhưng khoản chi ấy chủ yếu lấy từ nguồn học phí ra để chi trả. Điều này lý giải vì sao chi phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại nhiều nơi không cao, bởi không trường đại học nào muốn làm khoa học theo kiểu trên, trong khi các NCKH hầu hết hướng đến lợi ích cá nhân, các cơ sở giáo dục được hưởng lợi rất ít. Do đó, để thúc đẩy hoạt động NCKH và chuyển giao tốt, chúng ta cần ứng xử với trường đại học như một cơ sở KHCN”, GS.TS Nguyễn Quý Thanh nói.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ rõ hoạt động chuyển giao thành tựu NCKH của các trường mang lại hiệu quả chưa cao có nguyên nhân từ việc nhà trường không được xem và ứng xử như một cơ sở khoa học công nghệ, dù theo Luật Khoa học công nghệ, trường đại học cũng được coi là cơ sở KHCN.

Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu từ trường đại học sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn cho các trường nói riêng, cả hệ thống GDĐH nói chung. Bởi một trường đại học với năng lực NCKH khoa học lớn nhưng hàng năm chỉ đạt doanh thu từ hoạt động chuyển giao vài chục tỷ đồng là lãng phí nguồn lực.

Chia sẻ điều này, PGS.TS Hoàng Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, ĐH Huế nhấn mạnh: Để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hoạt động thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu hiệu quả, các trường đại học (đại học tốp đầu và đại học vùng) trong cùng lĩnh vực cần liên kết lại với nhau thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, từ đó phân vai cụ thể cho từng thành viên trong nhóm (nhóm nghiên cứu lý thuyết, kỹ thuật, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhóm thương mại hóa…). Trên cơ sở nền tảng phối hợp ấy thực hiện các giải pháp nghiên cứu theo đơn đặt hàng, hay một ý tưởng mới sẽ nhanh chóng được nghiên cứu, thẩm định, xác định tính hữu ích, giá bán của sản phẩm… để đưa ra thị trường.

“Ở tầm vĩ mô, tôi cho rằng các bộ ngành liên quan cần triển khai phát triển thị trường KHCN hoàn thiện trên tất cả phương diện như: Đào tạo nhân lực phục vụ chuyển giao, đổi mới; Gia tăng các quy định với nhiều ưu đãi cho tổ chức trung gian thúc đẩy việc thương mại hóa các nghiên cứu, sáng chế. Đặc biệt, đơn vị có trách nhiệm cần tháo gỡ, đẩy nhanh việc hỗ trợ về thủ tục, quy trình cho nhà khoa học, tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu đăng ký và xác lập quyền sở hữu kết quả nghiên cứu…

Ngoài ra, chúng ta cũng nên mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ Phát triển KHCN, Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh đối với hoạt động NCKH; khai thác, giải mã và thương mại hóa các sáng chế thông qua tổ chức trung gian, sàn giao dịch sáng chế… mới mong hoạt động thương mại hóa thành tựu KHCN tốt hơn”, PGS.TS Hoàng Đức Lương nói.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật (ĐH Huế), việc các trường quá chú trọng khuyến khích sản phẩm khoa học là bài báo, thay vì thúc đẩy, khuyến khích nghiên cứu sản phẩm khoa học là các sáng chế và giải pháp hữu ích ứng dụng vào thực tiễn, cũng là “nút thắt” lớn trong việc thúc đẩy thương mại hóa thành tựu KHCN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ