Tạo động lực nghiên cứu khoa học
Theo số liệu tổng kết chặng đường phát triển hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) giai đoạn 2016-2021, đã có gần 1.200 bài báo của các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên Đại học Đà Nẵng được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế (WoS, Scopus). Đặc biệt, QS University Ranking đã đánh giá điểm trích dẫn nghiên cứu của ĐHĐN thuộc Top 3 đại học hàng đầu Việt Nam.
Năng suất công bố quốc tế (WoS, Scopus) của mỗi Tiến sĩ hàng năm của Đại học Đà Nẵng xếp thứ 2 Việt Nam với 0,68 bài/Tiến sĩ.
Có được kết quả ấn tượng nêu trên là nhờ chiến lược phát triển khoa học công nghệ với những chính sách phù hợp, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên của ĐHĐN dành nhiều tâm huyết, công sức cho hoạt động nghiên cứu, tạo đòn bẩy, động lực để qua đó nâng cao uy tín, học hiệu.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐHĐN) là một trường chuyên về khối kỹ thuât, chính vì vậy việc nghiên cứu khoa học luôn được đặt lên hàng đầu.
Mô hình máy nghiền bi trục đứng của Th.S Nguyễn Văn Thịnh - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). |
PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐHĐN) cho biết, thời gian qua, trường luôn coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, đi đầu là đội ngũ giảng viên sau đó là sinh viên. Thầy có nghiên cứu thì học trò mới đi cùng thầy.
“Về nghiên cứu khoa học, chúng tôi đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng đây là cả một quá trình cố gắng từ tập thể cho đến cá nhân các giảng viên, các em sinh viên. Điển hình như TS. Võ Văn Quân – giảng viên Khoa Công nghệ Hoá học và Môi trường. Sau 10 năm, TS. Võ Văn Quân đã tích luỹ được hành trang “đáng nể” với 50 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín. Trong đó, chỉ 3 năm giảng dạy, nghiên cứu tại Trường, TS. Quân đã có khoảng 30 bài SCIE (thuộc ISI), trong đó gần 80% thuộc nhóm Q1”, PGS.TS Phan Cao Thọ chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo trường nhấn mạnh, nghiên cứu khoa học sinh viên là hoạt động trí tuệ, rèn luyện cho giảng viên và sinh viên khả năng tư duy sáng tạo; là một trong những mục tiêu chiến lược của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo và trau dồi cho sinh viên; đáp ứng được chuẩn đầu ra, phương pháp làm việc khoa học, chuyên nghiệp, thích ứng với nhu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và thời đại công nghệ số.
Dẫn chứng cho thành công ấy, chính là những sản phẩm mang lại giá trị thiết thực cho cuộc sống mà Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã tạo nên như: Robot sát khuẩn bằng tia cực tím hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 với ưu điểm diệt khuẩn đến 99% trong 30 giây (của giảng viên Khoa Điện – Điện tử); Nghiên cứu khả năng bắt gốc tự do chứa oxy và nitơ của Syringic acid bằng phương pháp lý thuyết và thực nghiệm của TS. Võ Văn Quân, hay mô hình máy nghiền bi trục đứng” của Th.S Nguyễn Văn Thịnh... Tất cả đã được thử nghiệm và bước đầu mang lại hiệu quả tốt.
Tạo môi trường cho hoạt động khoa học
Vừa qua, tại Lễ khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ TP. Đà Nẵng năm 2022 và Lễ tổng kết, trao giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật thành phố, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ và Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2021, các giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và của Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố.
Cụ thể, TS. Võ Văn Quân – Khoa Công nghệ Hóa học – Môi trường và ThS. Nguyễn Thị Hoa – Phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen đối với bài báo khoa học: “Cơ chế và động học của quá trình bắt gốc tự do của muriolide trong môi trường mô phỏng cơ thể (The radical scavenging activity of muriolide in physiological environments: mechanistic and kinetic insights into double processes)” được đăng trên tạp chí quốc tế RSC Advances, SCIE, Q1.
TS. Võ Văn Quân và ThS. Nguyễn Thị Hoa nhận Bằng khen của TP. Đà Nẵng |
ThS. Nguyễn Văn Thịnh – Khoa Điện – Điện tử và ThS. Lê Vũ – Khoa Công nghệ số - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật được Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP. Đà Nẵng lần thứ 16 tặng Bằng khen đối với công trình mang tên: “Quy trình công nghệ tổng hợp vật liệu áp điện PZT pha tạp và ứng dụng chế tạo biến tử siêu âm công suất hội tụ”.
Đây được xem là những quả ngọt cho sự nỗ lực, cố gắng của các giảng viên trong suốt thời gian dài vừa qua và chặn đường dài sắp tới.
Phát biểu tại lễ khen thưởng, ông Lê Đức Viên - Giám đốc Sở KH&CN chúc mừng, biểu dương các nhà khoa học, các tác giả đã vượt qua khó khăn do dịch bệnh để nghiên cứu sáng tạo, đưa các công trình nghiên cứu phục vụ đời sống. Các cá nhân được khen thưởng năm nay có nhiều tác giả trẻ, công tác ở các cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ quan quản lý,…
“Tôi rất mong từ những công trình chất lượng, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng vào thực tiễn nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đồng thời, mong rằng các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo sẽ ngày càng lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân”, ông Lê Đức Viên nhấn mạnh.
ThS. Nguyễn Văn Thịnh và ThS. Lê Vũ nhận Bằng khen của Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP. Đà Nẵng lần thứ 16. |
PGS.TS Phan Cao Thọ cũng nhấn mạnh: “Xác định hoạt động nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu không thể thiếu của một trường Đại học, chúng tôi luôn không ngừng quan tâm, triển khai các chính sách phù hợp, hiệu quả, tạo động lực để thúc đẩy các giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đem lại giá trị thực phục vụ cộng đồng. Để làm tốt thì trước hết phải duy trì thường xuyên phong trào nghiên cứu khoa học thông qua nhiều hoạt động, cuộc thi, hội thảo...
Rõ ràng, việc nghiên cứu khoa học ngoài việc giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, gắn liền với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, mà còn hình thành một đội ngũ các thầy cô, các nhà khoa học giỏi của Nhà trường để nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín học hiệu Nhà trường”.