Chỉ có lòng dũng cảm, chưa đủ!

GD&TĐ - Tác phẩm 'Những cuộc phiêu lưu vĩ đại: Sống sót trong gang tấc' của tác giả Paul Dowswell được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Hình ảnh minh họa về chuyến bay thảm họa trong cuốn sách. Ảnh: Tấn Quyết.
Hình ảnh minh họa về chuyến bay thảm họa trong cuốn sách. Ảnh: Tấn Quyết.

Từ “Chìm vào thảm họa”, “Hidenburg - Địa ngục khí hydro” cho tới “Con tàu nhiều rắc rối của thuyền trưởng Bligh”… là những chương trong cuốn “Những cuộc phiêu lưu vĩ đại: Sống sót trong gang tấc” cùng nói lên sự hiểm nguy và mong manh của sự sống đầy hấp dẫn.

Tác phẩm của tác giả Paul Dowswell được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, qua bản dịch ấn tượng và truyền cảm của Lâm Hương. Cuốn sách gồm 13 chương, kể về những tình huống ngàn cân treo sợi tóc, từ bị cá mập tấn công, khí cầu cháy khi chuẩn bị hạ cánh cho tới những sự cố trên vũ trụ…

Không bao giờ bỏ cuộc!

Ngay từ trang bìa được minh họa bởi Tô Hồng Thủy rất đơn giản mà ý nghĩa của cuốn sách đem đến sự tò mò, háo hức. Cũng bởi, ở đó, độc giả có thể nhìn thấy một con tàu đã bị gãy đôi, cùng nhiều mảnh vỡ và vết rạn nứt rất lớn trên bề mặt băng dường như ngụ ý dự báo về sự gian nan, thử thách.

Nhưng xa xa, độc giả cũng có thể nhìn thấy một đoàn người đang cùng nhau vượt qua vết rạn nứt ấy, thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Có lẽ, chỉ cần nhìn hình ảnh đầy sức sống và nghị lực đó, mỗi người cũng phần nào hiểu được nội dung của từng câu chuyện: Luôn tràn đầy ý chí kiên cường cũng như tinh thần dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với thần Chết, cho dù ở bất cứ tình huống nào.

Và càng về cuối cuốn sách, các câu chuyện lại càng diễn ra theo những cách không tưởng nhất mà độc giả khó có thể nghĩ tới. Ở đó, con người đã “một lòng một dạ” cùng tìm ra lối thoát, từ đó không chỉ cứu sống bản thân mình, mà còn giải cứu người khác theo những cách điên rồ nhất.

Đó là thuyền trưởng Bligh cùng với các thủy thủ đã phải chèo thuyền suốt 47 ngày trên hành trình 6.300 km đến với nơi có người sinh sống, chống chọi với những điều tồi tệ nhất, từ các cơn bão biển cho đến khẩu phần ăn ít ỏi mà mỗi người được nhận trong ngày.

Hay thủy thủ đoàn của ngài Ernest Shackleton thậm chí còn lạc lối nơi hoang vu, lạnh lẽo, và đầy nguy hiểm hơn so với những gì thuyền trưởng Bligh đã phải trải qua - Nam Cực. Ấy vậy mà họ đã cùng nhau đi bộ 1.300 km xuyên qua Nam Cực, cùng nhau vượt qua những mỏm núi sừng sững của đảo Nam Georgia chỉ với 15m dây và một lưỡi cưa để đến được với nơi những con người văn minh sinh sống.

Cuốn sách đã góp phần lan tỏa tinh thần không bỏ cuộc tới độc giả, đặc biệt trong thế giới hiện nay, khi có không ít người đã nản chí cho dù chỉ gặp những vấn đề, rắc rối nhỏ.

Bộ đôi vượt nguy

Một cuốn sách rất xứng đáng để đọc rồi cảm phục và học tập những tấm gương đã anh dũng vượt qua thảm họa. Ảnh: Tấn Quyết.

Một cuốn sách rất xứng đáng để đọc rồi cảm phục và học tập những tấm gương đã anh dũng vượt qua thảm họa. Ảnh: Tấn Quyết.

Cùng với lan tỏa ý chí quyết thắng, không chùn bước, cuốn sách còn như muốn giới thiệu tới độc giả những bộ óc siêu việt của người lãnh đạo trong mỗi chuyến đi. Ở từng câu chuyện, độc giả sẽ thấy khi gặp thử thách, gian nguy nếu chỉ có lòng dũng cảm là chưa đủ, mà còn cần biết tư duy, tính toán để tìm ra hướng đi tốt nhất cho tất cả mọi người.

Đó là các phi hành gia trên con tàu Apollo 13 bị hư hỏng nặng nề đã vận dụng mọi hiểu biết của mình để “hô biến” quỹ đạo bay, giúp toàn bộ phi hành đoàn có thể quay trở về Trái đất an toàn.

Với sự thông minh và tháo vát, họ đã thực sự thoát khỏi thần Chết và hoàn toàn đi ngược lại với nhận định của các nhân viên NASA: “Bạn có thể hôn vĩnh biệt những người này”. Đó còn là thuyền trưởng Oliver Naquin đã cứu mạng 33 thủy thủ với những quyết định đúng đắn nhằm duy trì nguồn dự trữ oxygen trong khi con tàu ngầm Squalus đã chìm xuống đáy biển sâu 73m.

Tất cả gửi gắm tới độc giả thông điệp rất ý nghĩa: Không nên phụ thuộc vào những gì sẵn có, và chỉ có sự thông minh và nhạy bén của mỗi người mới có thể giúp chúng ta thoát khỏi mọi tình huống khó khăn, cho dù có nguy hiểm đến bao nhiêu.

Tác giả Paul Dowswell dường như đã “mượn” những tấm gương về lòng dũng cảm và trí tuệ phi thường của các nhân vật trong mỗi câu chuyện để khuyến khích mỗi người đọc cần rèn luyện cả hai kĩ năng quan trọng ấy. Nếu chỉ có lòng dũng cảm, thì khó tìm ra lối thoát đúng đắn và sẽ lãng phí thời gian, sức khỏe của chính bản thân mình.

Nếu ngài Ernest Shackleton không có được sự định hướng tốt, thì rất có thể đoàn thám hiểm đó sẽ lạc lối trên đại dương bao la. Hay nếu chỉ có trí tuệ mà không có lòng dũng cảm, mỗi người sẽ không bao giờ thực hiện được những kế hoạch do chính mình vạch ra. Những phi hành gia của tàu Apollo 13 nếu không dám đối mặt với hiểm nguy thì họ đã chẳng thể nào quay trở về Trái đất được nữa, và vũ trụ sẽ trở thành một nấm mồ tự nhiên dành cho họ.

Với “Những cuộc phiêu lưu vĩ đại: Sống sót trong gang tấc”, tác giả Paul Dowswell đã giúp độc giả bước vào những trang sách để giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng.

Từ đó, cuốn sách còn truyền cảm hứng cho độc giả về lòng dũng cảm, sự kiên trì cũng như những lợi ích rất lớn khi có được tầm hiểu biết rộng về thế giới xung quanh. Một cuốn sách rất xứng đáng để đọc, để “tìm xem đâu là ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết khi thảm họa xảy ra” và cảm phục, học tập những tấm gương đã anh dũng vượt qua thảm họa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ