Hãy cùng điểm qua những tác phẩm đoạt giải Nobel Văn học “chứa đựng” tính nhân văn sâu sắc.
1. Thiên đường Tiểu thuyết gia người
Tanzania Abdulrazak Gurnah (72 tuổi), đã trở thành nhà văn da màu thứ hai ở châu Phi đoạt giải Nobel Văn học năm 2021. Những tác phẩm của ông thể hiện sự thâm nhập kiên định và nhân ái đối với tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa.
Cuốn tiểu thuyết thứ 4 “Thiên đường” (năm 1994) của Abdulrazak Gurnah được coi là bước đột phá trong sự nghiệp văn chương. Tiểu thuyết phát triển từ một chuyến đi nghiên cứu đến Đông Phi vào khoảng năm 1990. Đây là câu chuyện về quá trình trưởng thành và một chuyện tình buồn trong thế giới khác biệt và va chạm những hệ thống niềm tin khác nhau.
Đây cũng được xem là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông Abdulrazak Gurnah được lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker và giải thưởng văn học Whitbread, được trao hằng năm cho những nhà văn sống ở Anh và Ireland.
Người phát ngôn của Ủy ban trao giải Nobel Văn học đã nhận xét về ý nghĩa to lớn trong các tác phẩm của Gurnah: “Xuyên suốt trong các tác phẩm của ông là sự thâm nhập không nhân nhượng và đầy lòng trắc ẩn đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”.
Ông Anders Olsson - Chủ tịch Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá, các tiểu thuyết của Gurnah khiến người đọc biết nhiều hơn đến một nền văn hóa Đông Phi vốn còn xa lạ với thế giới.
2. Dịch hạch
“Dịch hạch” là tên một tiểu thuyết của nhà văn, triết gia người Pháp Albert Camus. Tác phẩm ra đời năm 1947. Năm 1957, Albert Camus được trao giải thưởng Nobel Văn học vì các sáng tác của ông đã đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta.
Tiểu thuyết “Dịch hạch” ra đời ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Những gì tác phẩm miêu tả khiến người đọc liên tưởng tới một đại dịch khủng khiếp mà nhân loại vừa thoát khỏi trước đó 2 năm: Chủ nghĩa phát xít. Albert Camus được cho là một nhà dự báo thiên tài. Bởi, bối cảnh tác phẩm “Dịch hạch” ra đời 73 năm qua đang diễn ra trong đời sống nhân loại ngày nay, khi toàn thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19.
Câu chuyện trong “Dịch hạch” xảy ra ở Oran - một thành phố bên bờ Địa Trung Hải ở Algerie khi còn thuộc Pháp. Oran là một thành phố yên tĩnh bỗng một ngày xuất hiện và xảy ra những sự kiện “không đúng chỗ, có phần không bình thường”. Đầu tiên là những con chuột chết lẻ tẻ nơi cầu thang, rồi người ta bắt gặp xác chuột chết ở ngoài đường không đúng chỗ…
Dịch hạch xuất hiện. Các bệnh nhân bắt đầu được đưa vào bệnh viện và đã có những người tử vong đầu tiên. Vài ngày sau những hiện tượng bất bình thường này, dịch bệnh bùng phát. Sau nhiều cuộc tranh cãi, chính quyền phải công nhận đó là đại dịch.
Thành phố bị đóng cửa, mọi liên lạc với bên ngoài đều bị cắt đứt. Bắt đầu từ đây, một cuộc chiến cam go giữa con người với dịch bệnh đã diễn ra âm thầm, quyết liệt bên trong thành phố bị phong tỏa đó.
Trong bối cảnh cả thành phố bị cách ly, cuộc sống của con người vẫn phải tiếp diễn. Những công dân của thành phố mỗi người mang một tâm trạng khác nhau. Người sống trong sợ hãi, người tuyệt vọng tìm những thú vui để quên đi sự lo âu. Trong khi đó, một số kẻ cơ hội tìm cách kiếm lợi từ đại dịch.
Bác sĩ Rieux - người đầu tiên nhìn thấy những xác chuột chết vào buổi sáng 16/4 năm ấy đã cùng những con người can đảm, với các phương tiện ít ỏi cố gắng nỗ lực cứu người, đẩy lùi đại dịch. Bác sĩ Rieux có suy nghĩ đơn giản, rõ ràng nhưng quyết liệt: “Nếu không điên thì cũng mù, không mù thì cũng hèn nhát mới cam chịu buông tay trước dịch hạch”, “sức lực tôi đến đâu thì tôi bảo vệ họ đến đó...”.
Những lời nói và hành động của Rieux đã thuyết phục được nhiều người, trong đó có linh mục Paneloux, Jean Tarrou - một trí thức xuất thân danh giá. Jean Tarrou là người đáng lẽ đứng ngoài cuộc, nhưng anh đã tình nguyện cùng Rieux chống lại bệnh dịch.
Khi viết “Dịch hạch”, Albert Camus hiểu rằng, mọi người đều mang bệnh dịch trong mình. Bởi, không ai trên thế giới thoát khỏi nó… Bệnh dịch có mầm mống tự nhiên. Khi kết thúc tác phẩm “Dịch hạch”, Albert Camus đã nhận ra rằng: “Bài học rút ra được giữa lúc gặp tai họa là trong con người, có nhiều điều đáng khâm phục hơn là cái đáng khinh ghét… Dịch bệnh được đẩy lùi thì mầm bệnh vẫn lẩn khuất đâu đó và chỉ chờ dịp để bùng phát lại. Do đó, con người vừa luôn phải cảnh giác, vừa luôn phải đoàn kết giữ vững niềm tin. Chỉ có như vậy, con người mới có thể chiến thắng đại dịch”.
3. Của chuột và người
Xuất bản năm 1937, giữa thời kỳ Đại suy thoái của nước Mỹ, “Của chuột và người” là một trong những tác phẩm xuất sắc giúp John Steinbeck đoạt giải Nobel Văn học năm 1962. Cuốn sách là sự suy ngẫm về số phận nghiệt ngã của những người lao động nghèo dưới đáy xã hội trong cơn khủng hoảng kinh tế. Họ là những con người nay đây mai đó, bấu víu vào hy vọng nhỏ nhoi để tiếp tục sống, tìm lối thoát giữa nỗi tuyệt vọng của thời cuộc.
“Của chuột và người” là một câu chuyện kể về George Milton và Lennie Small - hai chàng trai làm công cho một nông trại. Tuy cuộc sống vất vả và công việc nặng nhọc, nhưng họ luôn cố gắng đạt được ước mơ sở hữu một nông trại của riêng mình.
Bên bờ sông Salinas trong trẻo, tươi vui, George vẽ ra trước mắt Lennie viễn cảnh tương lai tràn ngập hạnh phúc, khi họ có thể sở hữu một căn nhà nhỏ của riêng mình, khu vườn đầy ắp hoa trái. Họ hình dung ra những loài thú nuôi đáng yêu cùng đồng hành trong ngày tháng tự do không phải chịu áp bức từ những chủ nô.
George tuy nhỏ bé nhưng thông minh và có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, luôn hành động dứt khoát theo lý trí. Lennie to khỏe, nhưng đầu óc chậm phát triển, lúc nào cũng như một đứa nhóc to xác biết vâng lời và ngoan ngoãn.
“Của chuột và người” khắc họa bức tranh xã hội Mỹ đương thời - nơi con người phải vật lộn để kiếm sống trong cuộc đại khủng hoảng. Đặc biệt, những người lao động chân tay nghèo khổ thường không có gia đình lẫn của cải. Họ phải liều mạng để làm việc, nhưng vẫn chỉ đủ ăn.
Họ mất đi sự tự do. Tiếng nói cá nhân cũng theo đó bị vùi lấp bởi sự sợ hãi và nỗi lo về cơm áo gạo tiền. Tác phẩm kết thúc với một bi kịch đầy bất ngờ và trần trụi, cũng diễn ra cạnh bờ sông Salinas. Đây là sự tượng trưng cho vòng lặp khổ đau mà những người dân nghèo chẳng tài nào thoát ra được.
4. Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ
Với “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”, tác giả Svetlana Alexievich là nhà văn đầu tiên của Belarus được trao giải Nobel Văn học (năm 2015). Xuất sắc vượt qua nhiều ứng cử viên nặng kí, Alexievich trở thành chủ nhân giải Nobel Văn học thứ 112 trong lịch sử “vì lối viết phức điệu, một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta” (theo trích dẫn của giải thưởng).
“Bằng phương pháp độc đáo - ghi nhận tiếng nói của nhiều người và đưa vào tác phẩm của mình, nữ tác giả Alexievich giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về cả một kỷ nguyên”, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đánh giá.
Nhà văn - nhà báo Alexievich tự sự rằng, bà đã chọn những thể loại phù hợp để theo đuổi con đường văn chương. Thông thường, bà cần khoảng 3 - 4 năm để hoàn thành một cuốn sách. Tuy nhiên, bà đã dành tâm huyết cho “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” trong gần 10 năm. Để viết cuốn sách này, bà phải gặp gỡ, phỏng vấn, lấy tư liệu thật, ghi âm giọng nói của nhiều người khác nhau.
Đời sống và thân phận của phụ nữ Nga trong chiến tranh đã hiện lên trong những cuốn sách của Alexievich, đầy đau khổ và anh hùng. “Thật khó khăn để tiếp tục làm một người phụ nữ trong chiến tranh. Tuy nhiên, cuốn sách của tôi phải là tiếng nói cất lên từ những người dân. Đó là một cách để thế giới biết sự thật”, bà Alexievich bày tỏ.
Cuộc chiến tranh được ghi nhận trong con mắt một nửa của thế giới là đàn ông chủ yếu bằng những con số, dữ liệu, sự kiện. Trong khi đó, với nữ giới, dường như, họ nhìn chiến tranh qua cảm xúc.